Bé gái 5 tuổi ung thư giai đoạn cuối, bài học cảnh tỉnh cha mẹ

Chia sẻ Facebook
31/07/2022 09:05:11

Bé gái 5 tuổi ở Thành Đô (Trung Quốc) bị ung thư gan giai đoạn cuối, sau nửa năm chữa trị bé đã trút hơi thở cuối cùng. Sự việc đau lòng cảnh tỉnh nhiều cha mẹ.

Vừa qua, bác sĩ Đoàn Bình, trưởng khoa Ung bướu của Bệnh viện Nhân dân số 1 thành phố Thành Đô (Trung Quốc) cho biết, cô bé này tên Tuệ Nhi, là bệnh nhân ung thư nhỏ tuổi nhất ở bệnh viện, điều này chứng tỏ rằng, thời gian phát triển bệnh ung thư ngày càng có xu hướng trẻ hóa.

Trao đổi với bác sĩ, mẹ cô bé nói, gia đình không có ai có tiền sử bệnh ung thư gan, bình thường sức khỏe của cô bé rất tốt, trừ việc từ nhỏ thích ăn mì ăn liền, thịt hun khói, xúc xích, uống coca...

"Cô bé ở trong bệnh viện của chúng tôi nửa năm, nhưng rất tiếc là sau đó đã không qua khỏi", bác sĩ Đoàn Bình nói. Ông cũng chia sẻ lý do cô bé bị ung thư gan, có liên quan đến thói quen ăn uống không lành mạnh.


Không chỉ ở trẻ em, rất nhiều người trưởng thành cũng không thể ngăn chặn được sự cám dỗ của đồ ăn vặt. Có rất nhiều người không thích ăn bữa chính, nhưng lại thích ăn vặt, trên đường đi làm cũng ăn, khi đang làm việc cũng ăn, tan ca về nhà cũng vừa ăn vừa xem ti vi. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cơ thể.

Theo một báo cáo khảo sát về lượng phụ gia thực phẩm của trẻ em tại 9 thành phố ở Trung Quốc do tổ chức phi lợi nhuận "iearth-Love the Earth" phát hành, 8 loại đồ ăn vặt mà trẻ em thường ăn có chứa nhiều chất phụ gia nhất.

Bé đã qua đời sau những ngày tháng chống chọi với bệnh tật (Ảnh minh họa)

Theo báo cáo, cứ 10 trẻ thì có 1 trẻ tiêu thụ đồ ăn nhẹ có chứa chất phụ gia hơn 3 lần một ngày và 6% trẻ uống hơn 3 chai đồ uống có đường (không bao gồm nước khoáng và trà tự pha) mỗi ngày. Vào mùa hè, 26% trẻ em ăn kem mỗi ngày.

Cuộc điều tra cũng tiến hành thống kê lấy mẫu về danh sách thành phần và phụ gia thực phẩm có trong 489 loại thực phẩm thuộc 33 loại. Trong đó, mì gói, trà sữa, khoai tây chiên, xúc xích, bánh ngọt và các loại thực phẩm khác chứa nhiều chất phụ gia nhất.


Từ sự việc nhiều trẻ em mắc bệnh ung thư khi còn trẻ, các bác sĩ cũng đưa ra khuyến cáo những thức ăn trẻ nên tránh xa:


Nước ngọt, đồ uống thể thao: Theo khuyến cáo của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, trẻ em dưới 1 tuổi không được phép uống nước ngọt, các trẻ lớn hơn thì được phép, nhưng số lượng nên được giới hạn. Nước ngọt và đồ uống thể thao nguy hiểm bởi có chứa dầu thực vật brôm, có thể dẫn đến nhiễm độc brôm ảnh hưởng đến hệ thần kinh, da và trí nhớ của trẻ. Thêm nữa, cả hai loại đồ uống này đều có chứa một lượng lớn đường và calo, dễ khiến trẻ bị sâu răng cũng như không cung cấp bất cứ vitamin hay khoáng chất nào.


Mật ong: Mật ong vốn vẫn được biết đến là một trong những thực phẩm giàu dinh dưỡng, tuy nhiên lại vô cùng nguy hiểm đối với trẻ nhỏ ở tuổi mới biết đi và nhỏ hơn, kể cả là mật ong thô hay là đã trải qua nhiều quy trình chế biến. Nhiều vi khuẩn có độc có chứa trong mật ong có thể gây ngộ độc ở trẻ sơ sinh, ảnh hưởng đến hệ miễn dịch chưa được phát triển toàn diện, gây yếu cơ hoặc các vấn đề về hô hấp khác.

Sau 1 tuổi, trẻ có thể sử dụng mật ong và đó là một nguồn dinh dưỡng tuyệt vời. Tuy nhiên, trước 1 tuổi, trẻ nên sử dụng các loại hoa quả làm nguồn vitamin và dinh dưỡng.


Sốt cà chua đóng hộp và các loại sản phẩm đóng hộp khác: Bisphenol-A (BPA) là một chất độc có thể tìm thấy từ các nguyên liệu đóng gói bằng nhựa, và một lượng lớn hơn nhiều có thể tìm thấy trong các loại đồ ăn đóng hộp. Chất độc này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện ở trẻ, đặc biệt là hệ sinh sản, não bộ và có thể dẫn đến ung thư.

Vậy nên, mỗi khi bạn muốn làm món mỳ ý với sốt cà chua, hãy tìm các loại sốt được chứa trong các bình thủy tinh trong siêu thị, hoặc tốt hơn là hãy tự làm bằng cà chua tươi.


Xúc xích hay các loại thịt được chế biến sẵn : Xúc xích hay các loại thịt được chế biến sẵn cũng là thực phẩm cần phải được hạn chế. Một nghiên cứu thuộc Cộng đồng Ung thư Hoa Kỳ cho thấy ăn 50 gam thịt chế biến sẵn mỗi ngày làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng thêm 18%. “Chúng ta cần hạn chế tối đa thịt chế biến sẵn để giảm nguy cơ ung thư đường ruột, và đồng thời giảm các nguy cơ gây ung thư khác”, tổ chức này cho biết.

Một sự thay thế ưu tú hơn nhiều là các sản phẩm có nguồn gốc từ cá. Ngay cả là đối với đồ ăn nhanh, cá vẫn tốt hơn nhiều so với thịt.


Kẹo cao su: Kẹo cao su thông thường chưa bao giờ là lựa chọn tốt dành cho trẻ nhỏ. Thứ nhất, kẹo cao su chứa một lượng đường lớn có thể gây ảnh hưởng xấu đến răng của trẻ, gây ra sâu răng. Những loại kẹo cu khác không chứa đường thì lại thường chứa sorbitol, có thể gây tiêu chảy. Nhưng điều nguy hiểm nhất đối với trẻ nhỏ vẫn là vô tình nuốt kẹo cao su. Điều này trước tiên có thể khiến trẻ bị nghẹn, khó thở nếu nuốt một miếng kẹo lớn. Còn khi nuốt nhiều miếng kẹo nhỏ liên tiếp, trẻ có thể bị tắc đường ruột.

Thay vào đó, bạn có thể chọn cho trẻ các món ăn để nhai khác như cà rốt, dưa chuột. Hoặc nếu như bạn vẫn chọn kẹo cao su, hãy cân nhắc chọn kẹo cao su được làm từ xylitol.

Lam Anh

Chia sẻ Facebook