Bé bị ban đỏ trên da có phải là triệu chứng của COVID-19?
Mới đây, bé Nguyễn Hải B., 2 tuổi, nhà ở phường 4, Mỹ Tho (Tiền Giang), bị sốt ba ngày, bỗng nhiên nổi ban đỏ trên mặt, sau lưng và tay chân. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện bé bị COVID-19.
Về chuyên môn, khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể, cơ thể sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch chống lại virus COVID-19, để loại bỏ virus xâm nhập. Quá trình này sẽ kích thích tế bào dưỡng bào và các tế bào bạch cầu, nó phóng thích ra nhiều hóa chất trung gian gây hiện tượng viêm và giãn mạch máu dưới da, khiến cho da có màu đỏ, ấn tay vào nó sẽ biến mất.
Ngoài ra phát ban còn do nhiễm trùng trực tiếp ở các mô da do SARS-CoV-2; tác động của việc tăng đông máu đôi khi có thể xảy ra trong COVID-19. Trong một số trường hợp, nó có thể xuất hiện khi bắt đầu có triệu chứng COVID-19, hoặc có thể xảy ra vài ngày sau khi các triệu chứng khác phát triển.
Phát ban liên quan đến COVID-19 có các loại như: sẩn dạng nhú hoặc phát ban kiểu thủy đậu (phát ban đỏ nhú hoặc ban đỏ mụn nước).
Phát ban kiểu nổi mề đay - là phát ban được báo cáo phổ biến thứ hai và xuất hiện đột ngột khi các vết sưng nổi lên trên da đến và đi khá nhanh trong nhiều giờ. Nó có thể liên quan đến bất kỳ phần nào của cơ thể, bao gồm cả da mặt. Phát ban này cực kỳ ngứa và thường bắt đầu với ngứa dữ dội ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân, và có thể gây sưng môi và mí mắt.
Phát ban ở ngón chân (còn gọi là "ngón chân COVID"): loại phát ban này gây ra các mảng đổi màu và sưng tấy một hoặc nhiều ngón chân.
Khi bé mắc COVID-19, nếu có dấu hiệu phát ban, sốt kèm theo nhiều hơn một trong các triệu chứng như đau bụng, mắt đỏ, tiêu chảy, chóng mặt… phải đưa bé đến bệnh viện.
Triệu chứng phát ban chiếm 1 - 7% các trường hợp trẻ em bị COVID-19, thường lành tính.
Theo tiến sĩ Janet Diaz, nếu các triệu chứng biến mất trong vòng 1 tháng, tình trạng này không được coi là hậu COVID-19. Trong khi đó, có khoảng 200 triệu chứng bệnh xuất hiện ở giai đoạn này, phổ biến nhất là mệt mỏi, khó thở và sương mù não.