Bé 8 tuổi bỏng nặng vì chai cồn sát khuẩn sẵn có trong nhiều gia đình
Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp nhận nhiều trẻ bị bỏng nặng trong dịp hè. Nhiều trẻ vào cấp cứu trong tình trạng bỏng nặng các vùng mặt, cổ, ngực, bụng, vai, cánh tay, cẳng chân, bộ phận sinh dục….
Bé Đ. (sinh năm 2014) sẽ có một mùa hè sôi động với các bạn cùng lớp múa nếu không gặp phải sự cố đáng tiếc này. Bố của bé hay đi công tác nên gia đình thường trang bị cồn để sát khuẩn.
Trong lúc không để ý, bé Đ. cầm chai cồn chạy qua khu bếp đang nấu thức ăn. Hậu quả là lửa bén vào quần áo khiến em bị cháy trong khoảng một phút trước khi được gia đình dội nước cứu lấy.
Còn bé M. (sinh năm 2019) là trường hợp bị bỏng do xăng. Bố em là thợ sửa máy, trong lúc làm việc đã chiết bình xăng ra ngoài. Chị em M. đang chơi gần đó bất cẩn làm đổ xăng, xăng lan xuống khu vực nhà bếp dẫn đến phát hỏa. Ngọn lửa diễn biến quá nhanh khiến cả nhà không kịp xử trí và đều bị bỏng nặng.
Các bé là những trường hợp bị tai nạn do lửa vừa qua. Trong lớp băng gạc quấn khắp người, đôi mắt trẻ thơ đáng ra phải hồn nhiên lại ánh lên nhiều đau đớn.
Bỏng (hay phỏng) là một trong những tai nạn thường gặp ở trẻ em. Nguyên nhân của bỏng thường do nước sôi, liên quan đến thiết bị điện, các trường hợp cháy, nổ đặc biệt là đang vào mùa nắng nóng nên càng dễ phát sinh.
Thương tích của bỏng nếu nhẹ thì làm da hư, nhiễm trùng, nếu nặng hơn thì để lại sẹo co rút, sẹo lồi thậm chí là không qua khỏi.
Khi trẻ chẳng may bị bỏng, hãy bình tĩnh nhanh chóng đưa bé đến ngay vòi nước trong nhà xối rửa nhiều nước (không xối nước đá hoặc nước lạnh) để làm cho da bớt nóng, bớt bị mất nước và bớt đau, sẽ giảm diện tích da bị thương và giảm độ nặng của tổn thương bỏng.
Sau đó tuỳ tình trạng nặng hay nhẹ, diện tích bỏng lớn hay nhỏ, nhà ở gần bệnh viện hay ở xa bệnh viện để đưa các bé đến khám cho bác sĩ đánh giá tình trạng bỏng và có hướng xử trí thích hợp.
Các bác sĩ khuyến cáo để phòng tránh các sự cố từ “bà hỏa”, phụ huynh nên hết sức thận trọng. Hãy để các chất dễ cháy, nổ ở xa tầm tay của trẻ cũng như thường xuyên kiểm tra các nguồn điện, thiết bị điện để đảm bảo an toàn cho trẻ và cả gia đình.