Bé 23 tháng tuổi nhiễm sán dây, bác sĩ lấy ra con sán dài khoảng 70cm
Đi khám vì đau bụng, ăn uống kém, bệnh nhi 23 tháng tuổi được chẩn đoán nhiễm sán dây và lấy ra được con sán dây dài khoảng 70cm.
Theo thông tin từ Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhi H.C.T., 23 tháng tuổi, đến khám vì lý do đi ngoài ra đốt sán, kèm theo đau bụng vùng quanh rốn, đi ngoài phân lỏng, ăn uống kém.
Bệnh nhi đã được làm xét nghiệm phát hiện có đốt sán dây và trứng sán dây trong phân. Sau điều trị, các bác sĩ đã lấy ra được một con sán dài khoảng 70cm.
Theo các bác sĩ, bệnh sán dây (Taeniasis) là do các loài sán dây trưởng thành gồm Taenia saginata, Taenia solium và Taenia asiatica ký sinh trong ruột gây nên.
Những người ăn phải thịt lợn, thịt bò có trứng, ấu trùng sán (nang sán) chưa được nấu chín sẽ phát triển thành sán dây lợn/bò trưởng thành, ký sinh ở ruột non hoặc tạo thành nang trùng sán tại cơ, mắt, não.
Bệnh sán dây gây triệu chứng đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ, chủ yếu người bệnh đi khám vì thường xuyên có những cảm giác khó chịu, bứt rứt do những đốt sán tự rụng ra ngoài ống tiêu hóa.
Bệnh ấu trùng, tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau: có các nốt ở dưới da bằng hạt đỗ, hạt lạc, di động dễ, không ngứa, không đau; hoặc có thể bị động kinh, liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội; hoặc có thể tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù nếu có nang sán ở mắt.
Để phòng bệnh, các bác sĩ khuyến cáo: Người dân không ăn thịt bò/lợn tái hoặc chưa nấu chín. Thực hiện ăn chín, uống chín, ăn rau sống phải rửa sạch dưới vòi nước, vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
Bên cạnh đó, quản lý và xử lý nguồn phân tươi hợp lý, tránh reo rắc mầm bệnh ra môi trường. Phát hiện và tẩy sán trưởng thành sớm nếu bị nhiễm bệnh.
Khi có các triệu chứng hay yếu tố nguy cơ người dân nên đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa.