BBC Tiếng Việt cùng cảnh sát Pháp giải cứu 'người rơm Việt trong xe tải đông lạnh'
Phóng viên BBC News Tiếng Việt cùng cảnh sát vùng Rhone giải cứu thành công sáu phụ nữ, gồm bốn người Việt, khỏi một xe tải chở chuối, trong hành trình tìm đường vào Anh.
Chụp lại video,
'Người rơm bên trong xe tải': khoảnh khắc kinh hoàng khi những phụ nữ trẻ thấy khó thở
Tác giả, Bình Khuê Vai trò, BBC News Tiếng Việt, London 28 tháng 9 2023
Cảnh sát Pháp vào đầu giờ chiều nay 27/9/2023 vừa chặn một chiếc xe tải có chở sáu người, gồm bốn phụ nữ Việt Nam và hai phụ nữ người Iraq, nghi là nhập cư bất hợp pháp, tại một trạm nghỉ trên đường cao tốc A6 ở Pháp.
Tài xế lái chiếc xe tải mang biển số Ireland đã bị bắt giữ, viên chức phụ trách báo chí của Lực lượng Hiến binh Quốc gia Pháp (Gendarmerie) cho biết.
Lực lượng này nay mở cuộc điều tra nghi án đường dây tổ chức nhập cư lậu.
Đó là những dòng thông tin ngắn tôi vừa nhận được từ Pháp.
Một cảm giác nhẹ bỗng tràn ngập tim. Tôi nhẹ người thoát khỏi cơn nghẹt thở bóp chặt lồng ngực mấy tiếng đồng hồ qua.
Cuộc gọi lạnh người
Vào khoảng giờ trưa, màn hình điện thoại tôi chợt sáng. "Chị ơi, có mấy bạn vượt biên đi Pháp sang Anh, đang trong xe thùng đông lạnh."
Tôi chưa kịp đọc hết, thì có cuộc gọi đến. Người gọi gấp gáp cầu cứu.
"Chị ơi, có phải là chị ở châu Âu không? Chị giúp với, gấp quá rồi," một giọng nam hốt hoảng vang lên.
Tôi lạnh toát cả người. Câu chuyện về 39 nạn nhân vụ xe tải đông lạnh năm xưa vẫn còn nằm nguyên trong tâm trí, khiến tôi kinh hoàng hình dung ra những tình huống xấu.
Rất nhanh chóng, tôi hỏi vài câu hỏi. Rất nhanh chóng, tôi thất vọng vì không lấy được những thông tin cần thiết.
Có một nhóm khoảng sáu người còn rất trẻ, trong đó có người chưa tới 18 tuổi, trốn trong một xe thùng đông lạnh, người gọi cho biết.
Chiếc xe không rõ biển số là gì, đang ở đâu, đi về hướng nào. Chỉ biết là xe đang ở Pháp, và hình như quay đầu, không đi về hướng biên giới sang Anh nữa. Trong thùng xe bắt đầu bật máy lạnh. Họ rất lạnh. Họ đang hoảng loạn.
Nhưng ít nhất là họ vẫn còn may mắn liên hệ được ra bên ngoài.
Chiếc xe chở chuối, và thùng xe đã bị đóng niêm phong bằng một thanh sắt. "Lạnh lắm, nó [máy làm lạnh] cứ xả," cô gái nhắn tin cho tôi từ trong thùng xe.
Tôi cũng nhận được hai đoạn video ngắn cho thấy cảnh trong xe.
Trong khoang tăm tối, chất cao đến nóc là các thùng carton đựng hoa quả, có lẽ là chuối, chừa lại một khoảng trống vài chục cm cho họ ngồi trên sàn xe. Có tiếng ho, và một giọng nữ trẻ nói tiếng Anh khá lưu loát, "Tôi không thở được."
Cô gái cho tôi biết họ lên xe từ khoảng 12 rưỡi đêm hôm trước. Như vậy là họ đã trải qua hơn 10 giờ đồng hồ trong xe. Có vẻ như họ bắt đầu cảm thấy bất an khi chiếc xe không chạy theo hướng ban đầu, tới Anh, mà quay ngược về phía nam, rồi thùng xe bị khóa chặt bằng thanh sắt.
Không có nhiều thời gian để nghĩ, tôi bàn với nhà báo Nguyễn Giang và các đồng nghiệp từ BBC News, gồm cả phóng viên thường trú tại Pháp, quyết định tập trung vào việc cứu người, còn tin tức để lại sau.
Vừa yêu cầu được kết nối với người trong xe và liên lạc tiếng Việt liên tục để họ không hoảng loạn đồng thời tôi gọi điện rồi email cho một số đồng nghiệp trong BBC và nhà báo tự do Phạm Cao Phong, cộng tác viên ở Paris, yêu cầu hỗ trợ.
Cùng lúc, một phóng viên thường trú cho báo Pháp Le Monde tại London cũng được thông báo, và anh đã 'alert' ngay cho nữ đồng nghiệp bên toà soạn ở Paris chuyên lo mảng di dân.
Các nhà báo, bất kể quốc tịch gì cũng biết rõ ngay tình hình căng thẳng của vụ này, chậm trễ thì chỉ có "tìm ra tử thi" như vụ 39 người Việt chết thảm trong xe đông lạnh ở Essex, Anh hồi cuối 2019.
Bởi câu chuyện năm đó mà chúng tôi cũng là nhóm phóng viên đầu tiên báo cho BBC News, vẫn còn hằn sâu trong tâm trí người Anh, Pháp và Việt Nam ở bên này.
Chụp lại hình ảnh,
Nạn nhân vụ buôn người chuyển cho BBC số liệu định vị chiếc xe chở họ ở Pháp
Các nhà báo vào cuộc
Dựa vào chia sẻ định vị, tôi xác định được họ đang ở trên xa lộ E15, đoạn gần Drace, phía Bắc Dijon. Nhờ đồng nghiệp ở Pháp tìm giúp số phone của cảnh sát nơi gần nhất, tôi nói họ gọi điện. Từ trong xe, họ báo là không gọi được. Không biết do loại sim họ có là loại chỉ dùng được data, hay vì lý do gì khác.
Dùng sim rác, cô gái không biết số điện thoại mình đang cầm trên tay là gì. Kiểm tra trên phone không ra. Loay hoay, hướng dẫn nhau một hồi với nhiều cách thủ công khác nhau, may quá, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được thông tin mình cần.
Chúng tôi từ BBC tại văn phòng ở London liên tục gửi cập nhật định vị chiếc xe cho cộng tác viên người Việt ở Paris và nhóm làm tin của BBC News ở châu Âu cùng cảnh sát Pháp trong nỗi lo lắng tột cùng khi cô gái báo tình hình trong xe. Bỗng chia sẻ định vị đột ngột gián đoạn, tôi mất dấu vết, không biết xe đang ở đâu.
Máy lạnh đã tắt, đỡ lạnh rồi, nhưng khó thở. "Bọn em đang ngộp lắm," cô gái nhắn tin.
Với khoảng không gian chật hẹp còn lại của thùng xe có lẽ là đóng kín bưng mà tôi nhìn thấy trong video clip ngắn ngủi, tôi lo sợ họ sẽ không còn nhiều thời gian cầm cự.
Tôi cố gắng trấn an, động viên mọi người bình tĩnh, cố gắng không nói chuyện để tiết kiệm không khí, và rằng cảnh sát sẽ tới rất nhanh. Tôi căng thẳng nhìn vào màn hình máy tính rồi màn hình điện thoại, chờ tin.
Trong số những người đồng hành với cô gái, có ba người vì lý gì đó đã không lên xe, họ chụp lại được biển số chiếc xe.
Manh mối có thêm. Một chiếc mang biển số Ireland. Định vị của xe được chia sẻ lại, và nay có thêm số điện thoại nữa. Cảnh sát Pháp thuộc vùng Rhone cho chúng tôi biết họ đã nhận đầy đủ thông tin, đã xác định được vị trí và đang triển khai chặn xe.
Tôi nhắn tin, nhưng những dòng tin cuối cùng đó, cô ấy không đọc. Hẳn là cảnh sát đã kịp tới và đã thu giữ điện thoại, tôi tin là vậy.
Bốn người Việt trên xe đều còn rất trẻ, có người chưa tới 18 tuổi. Họ lên xe từ khoảng 12 rưỡi đêm hôm trước, với lời hứa sẽ được đưa sang Anh an toàn.
Còn tôi, tôi bắt đầu ăn bữa trưa ngày hôm nay của mình vào cuối giờ chiều, sau khi biết rằng bây giờ họ đã được bình an trên đất Pháp. Họ đã an toàn, đó mới là điều quan trọng nhất.
Sau 16 giờ chiều giờ Anh, nữ công tố viên Leatitia Francart ở Villefrance sur Saone, phụ trách việc xác nhận với nhóm nhà báo quốc tế, báo cho biết chiếc xe hóa ra đi từ Lithuania và người lái xe đang bị điều tra.
Bà Francart cho biết thêm bốn phụ nữ trẻ là người Việt Nam, một trong số họ là vị thành niên, và hai phụ nữ còn lại là người từ Iraq.
Vì sao, sau thảm kịch 39 người chết ở Essex năm 2019 mà đến nay, vẫn có những cô gái trẻ từ VN chui vào thùng xe tải để vượt biên, vượt biển sang bên này?
Tôi không thể tìm ra câu trả lời nào xác đáng.
Tin mới nhất: Nhà chức trách Pháp vào chiều tối 28/09 giờ châu Âu cho BBC News Tiếng Việt và các cơ quan truyền thông châu Âu biết bốn phụ nữ Việt Nam đã được họ thả ra, với lệnh phải rời khỏi Pháp trong vòng 30 ngày. Hai người Iraq thì được ở lại Pháp để nộp đơn xin tị nạn.
𝐶𝑎̣̂𝑝 𝑛ℎ𝑎̣̂𝑡 𝑛𝑔𝑎̀𝑦 29/9: Cơ quan công tố Pháp sau đó xác nhận rằng tài xế xe tải đã có thời điểm dừng xe tại một điểm tạm đỗ bên đường để gọi điện cho cảnh sát sau khi nghe thấy âm thanh như tiếng người nói. Cơ quan công tố cũng xác nhận rằng tài xế không bị nghi ngờ phạm tội. Hãng chủ quản của người tài xế sau đó cho chúng tôi biết người lái xe đã trả lời các câu hỏi của cảnh sát và tự nguyện khai báo. Ông ta đã được trả tự do, không bị cáo buộc và tiếp tục hành trình.
Chụp lại hình ảnh,
Chiếc xe tải chở thùng đông lạnh có 39 tử thi người Việt bên trong trở thành tâm điểm vụ án thế kỷ ở Anh sau cuộc vượt biên bất thành của họ vào Anh từ Bỉ cuối 2019