Bầy ong giữa chúng ta

Chia sẻ Facebook
26/12/2022 08:16:38

Nhà bác học Albert Einstein đã từng khẳng định: Nếu loài ong tuyệt chủng, có thể nhân loại chỉ tồn tại được thêm 4 năm nữa mà thôi!

Vậy tại sao ong lại liên quan đến sự tồn vong của loài người?

Tuy chưa có đủ bằng chứng khoa học để chứng minh câu nói của Einstein là chính xác, nhưng nếu tất cả ong trên trái đất đột ngột biến mất – con người có lẽ chưa tuyệt chủng theo ngay nhưng chắc chắn hàng tỷ người sẽ gặp rắc rối vì tốc độ sản xuất thực phẩm sụt giảm, thảm họa sẽ xảy ra vì cả thế giới sẽ bị đói!

Các nhà khoa học cho rằng hiện nay mức độ tử vong của ong lên tới 20 đến 40%/năm và còn cao hơn vào mùa đông nên trong tương lai loài ong có nguy cơ biến mất khỏi hệ sinh thái là hoàn toàn có thể.

Ong là một loài côn trùng rất có giá trị đối với con người. Không chỉ vì chúng cho mật, một thực phẩm đồng thời là một dược phẩm quý báu mà chúng còn thụ phấn cho hoa, khi bay từ bông hoa này tới bông hoa khác để hút nhuỵ về “luyện” thành mật.

Ong có thể khai thác mật ở hầu hết các loại hoa, nhờ vậy, tỷ lệ đậu quả tăng lên, một đóng góp vô giá vào sự tăng năng suất cho tất cả các loại cây.


Theo các số liệu khoa học thì loài ong đã hỗ trợ cho khoảng 80% các loại thực vật phục vụ cho đời sống của loài người, chiếm 1/3 khẩu phần ăn của dân số toàn hành tinh. Hầu hết các loại cây lương thực đều phụ thuộc vào quá trình thụ phấn vì thế nếu loài ong biến mất, thế giới sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng: Việc sản xuất cà phê, táo, hạnh nhân, cà chua và ca cao sẽ không còn và các thứ hoa thơm trái ngọt quen thuộc như bơ, táo, dâu tây, bưởi, dưa chuột và nhiều loại đậu sẽ sụt giảm và dần dần biến mất.

Nếu thiếu ong thì chắc chắn nhiều triệu nông dân trên thế giới sẽ bó tay trong việc sản xuất rau củ.

Một đàn ong trong một tổ có thể thụ phấn cho hàng triệu bông hoa mỗi ngày.


Các động vật thụ phấn khi ghé thăm hoa để tìm mật và phấn, nó sẽ bị dính phấn hoa (giao tử đực, tương tự như tinh trùng của động vật có vú) trong đó có bao phấn, là phần cuối của nhị hoa, trong đó các hạt phấn được hình thành. Đây chính là phần màu mỡ của cơ quan sinh dục đực của hoa. Khi đến thăm hoa của các cây khác, chúng chuyển phấn hoa (như tinh trùng) vào đầu nhụy, phần ngoài cùng của vòi hoa hay nhụy hoa (đại diện cho phần cái của hoa). Thông qua vòi nhụy, hạt phấn sau đó đến thụ tinh với bầu nhụy, do đó tạo điều kiện cho cây sinh sản.

Chúng ta biết rằng thụ phấn là một quá trình cơ bản cho sự tồn tại của các hệ sinh thái vì nó chịu trách nhiệm sinh sản của gần hầu hết các loài thực vật có hoa

Không có ong, các hệ sinh thái đều có nguy cơ bị đe dọa.

(Ảnh minh họa: MERCURY studio, Shutterstock)

(Ảnh minh họa: Create Hot Look, Shutterstock)

Loài ong đã sống trên Trái đất từ 100 triệu năm nhưng điều này không có nghĩa là sẽ sống mãi. Hiện nay nhiều nhà khoa học đang lên tiếng báo động về tình trạng suy thoái, thậm chí có nguy cơ tuyệt chủng!

Trên thế giới hiện nay có hơn 20.000 loài ong và nước nào cũng có loài ong bản địa của riêng mình. Ong còn được con người nuôi để khai thác sản phẩm như mật ong, sáp ong, sữa ong chúa,…


Ong là loài côn trùng có tổ chức xã hội cao như kiến, mối. Chúng sống theo đàn, trong thiên nhiên hay trong các tổ ong nhân tạo. Mỗi đàn đều có ong chúa, ong thợ, ong non… và mỗi con đều có sự phân công chặt chẽ, rõ ràng. Tuy có các động vật thụ phấn khác như bướm, dơi và chim ruồi nhưng Ong chiếm giữ vai trò quan trọng nhất.

Thế nhưng sự tồn tại của các loài côn trùng mang lại lợi ích đang ngày càng bị đe dọa bởi các hoạt động của con người.


Người ta ước tính rằng chỉ trong 10 năm, từ năm 2007 – 2016 số lượng ong trên toàn thế giới đã sụt giảm nghiêm trọng, sự sinh tồn của chúng đang bị đe doạ bởi rất nhiều yếu tố do con người gây ra: ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, việc lạm dụng thuốc trừ sâu (như neonicotinoide đang từ từ giết những con ong), thuốc diệt nấm, dùng phân bón, hoá chất không chọn lọc, ngoài ra còn có sự tập trung vào việc chuyên môn hoá trong việc trồng trọt (chỉ chú trọng canh tác một loại cây theo kiểu độc canh để mang lại lợi ích nhất thời nhưng khiến không gian của loài ong bị thu hẹp) hay nuôi ong theo cách cổ truyền, chưa quan tâm đúng mức đến việc cải tiến, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới.


Một lý do khác nữa là gần đây xuất hiện các loại ký sinh trùng gây bệnh cho chúng, đặc biệt là bệnh do loài ve bét có tên khoa học là Varroa Oudemans làm chúng chết hàng loạt mà các nhà khoa học chưa tìm được cách diệt trừ loài ký sinh trùng này.

Để tạo ra một kg mật ong, một con ong phải hút bốn triệu bông hoa và bay quãng đường gấp bốn lần vòng quanh hành tinh. Điều này nói lên nhiều điều về tầm quan trọng của loài thụ phấn nhỏ bé, nhưng rất chăm chỉ trên trái đất.

Đứng trước nguy cơ tuyệt chủng của loài ong, nếu không có những biện pháp kịp thời để cứu chúng thì sẽ mang lại những tổn thất nặng nề, thậm chí nạn đói trên quy mô toàn cầu.

Nhiều hội đoàn đã lên tiếng kêu gọi giới chính trị và các hiệp hội phải nỗ lực vận động để hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu trong nông nghiệp.

Cần phải xem sự tồn tại của loài ong như là rất quan trọng và phải tìm đủ mọi cách để bảo vệ chúng. Bảo vệ loài ong có nghĩa là bảo vệ môi trường chung quanh chúng ta, bởi chúng ta cũng đang ăn những thứ có thuốc trừ sâu, hít thở không khí ô nhiễm… nên cần phải ngăn chặn nguy cơ đó.

Vì bảo vệ ong, cũng chính là bảo vệ loài người.


Vào ngày 20 tháng 12 năm 2017, chính phủ Slovenia đã đề xuất với Liên Hợp Quốc và sau ba năm nỗ lực vận động quốc tế, các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc đã nhất trí thông qua đề xuất của Slovenia công bố ngày 20/5 là Ngày ong thế giới (World Bee Day).

Người ta tin rằng với việc tuyên bố Ngày Ong Thế giới, Liên Hợp Quốc sẽ nâng cao nhận thức mọi người về loài ong, các thế hệ trẻ ý thức hơn về vấn đề môi trường và đa dạng sinh học, và khuyến khích các biện pháp mạnh mẽ để giúp đỡ, bảo vệ ong và các loài thụ phấn.

Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) cũng đang kêu gọi tất cả từ chính phủ, công ty tư nhân, các nhà nghiên cứu và người tiêu dùng – hãy hành động để giúp bảo vệ những sinh vật nhỏ bé nhưng rất quan trọng đến nguồn cung cấp thực phẩm tránh nguy cơ biến mất của chúng, gây ảnh hưởng đến sự tồn tại của loài người.


Saigon 6-2022
Trương Văn Dân


Tái bút :

Trong khi viết bài này (tháng 6.2022) thì hệ thống cung ứng lương thực toàn cầu đang suy yếu do tác động của nhiều yếu tố: đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu khắc nghiệt, thiếu hụt xăng dầu làm giá cả tăng vọt và cuộc chiến Nga – Ukraine làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng.

Tính đến thời điểm này thì giá lúa mì đã tăng gần 60% kể từ đầu năm và có thể còn tăng thêm khi Ấn Độ tuyên bố ngưng xuất khẩu vì đang gánh những đợt nắng nóng kỷ lục. Hạn hán cũng làm sản lượng lúa mì giảm sút ở vùng trồng lúa mênh mông ở Mỹ đến các cánh đồng ở Pháp. Trung Quốc, nước sản xuất lúa mì lớn nhất thế giới, thì ngược lại, mưa gió làm vụ gieo trồng năm ngoái bị trễ nên năm 2022 sẽ thất thu!

Truyền thông phương Tây còn cho rằng cuộc chiến Nga – Ukraine có thể gây nên nạn đói vì Nga sẽ không cung cấp lúa mì nếu phương Tây không bỏ cấm vận và hạn chế thương mại. Nên nhớ là Nga và Ukraine là nhà cung cấp ngũ cốc lớn nhất thế giới (25%) và nhiều nước lệ thuộc vào nguồn cung quan trọng nầy. Hiện nay chiến tranh đang tàn phá nhiều vùng lớn nên ảnh hưởng đến khả năng sản xuất của Ukraine, chưa kể cuộc chiến đang ngăn chặn hằng triệu tấn lương thực tại biển Đen.


Ngoài những lý do nói trên, do giá xăng tăng mạnh, các nước châu Âu, Mỹ và Brazil còn sử dụng ngũ cốc làm nhiên liệu sinh học (tính ra đến 10% ngũ cốc cộng thêm 18% dầu thực vật) – số lượng đủ nuôi đến 1,9 tỉ người!

Không lẽ nhân loại sắp phải đối diện với nạn đói ngay trong thế kỷ 21? Đó là câu hỏi hay đúng hơn là cảnh báo của David Beasley người trách nhiệm về lương thực (World Food Program) ở Hội đồng An ninh Liên Hợp Quốc. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cũng dự báo là thế giới sẽ thiếu ăn, nhiều bất ổn chính trị, trẻ em sẽ suy dinh dưỡng, ảnh hưởng lên nhiều thế hệ mai sau.


Tham khảo :

Chia sẻ Facebook