"Bẫy nợ" Trung Quốc vào tầm ngắm giữa cơn cùng quẫn của quốc đảo thiên đường: Vỡ nợ do ai?
CNBC gọi Sri Lanka là ví dụ điển hình cho câu chuyện bẫy nợ của Trung Quốc, nhưng chuyên gia kinh tế chính trị ở Colombo lại có một góc nhìn khác.
Vỡ nợ vì "bẫy nợ" Trung Quốc?
Năm 2002, Sri Lanka tuyên bố khởi động dự án xây dựng cảng Hambantota với kì vọng biến nó trở thành điểm trung chuyển chiến lược trên tuyến đường biển nhộn nhịp ở Ấn Độ Dương, thu lợi nhuận lớn. Dự án được hoàn thành bằng nguồn vốn vay ước tính khoảng 1 tỉ USD từ Trung Quốc, và sau đó được nước này tích hợp vào Sáng kiến Vành đai – Con đường của mình.
Trái với dự đoán, năm 2012, Hambantota chỉ đón được vỏn vẹn 34 tàu. Cảng chiến lược hoạt động không hiệu quả, khoản vay đến hạn phải trả nhưng không thể giải quyết, tháng 12/2017, Sri Lanka phải bàn giao Hambantota cho Trung Quốc trong thời hạn 99 năm để xóa nợ.
Sự kiện này ngay lập tức làm truyền thông phương Tây dậy sóng. New York Times gọi đó là ví dụ điển hình cho chiến lược của Trung Quốc nhằm tăng tầm ảnh hưởng trên thế giới thông qua hình thức cho vay và viện trợ - một cách "bẫy nợ" những quốc gia dễ bị tổn thương.
CNBC lí giải, sau khi công khai bày tỏ sự ủng hộ với các nước này, Trung Quốc sẽ tích cực cung cấp khoản vay và thúc đẩy họ phát triển cơ sở hạ tầng, rồi tới khi họ không thể trả nợ thì giành luôn quyền kiểm soát những dự án do mình viện trợ tài chính.
Ở Sri Lanka, trong các khoản vay từ Trung Quốc để phát triển cơ sở hạ tầng, chuyên gia phân tích địa chính trị Asanga Abeyagoonasekera, thành viên cấp cao Dự án Thiên niên kỷ (trụ sở tại Mỹ), đều không nhìn thấy "cửa sáng" nào cho Colombo. Theo quan điểm của ông này, "không cái nào có thể tạo ra được doanh thu như kì vọng, đủ để trả nợ".
Mới đây, ngày 13/4, Sri Lanka - nơi từng được mệnh danh là đảo thiên đường của vùng nhiệt đới - đã chính thức tuyên bố vỡ nợ. Nước này không còn đủ khả năng để thanh toán khoản nợ nước ngoài trị giá 51 tỉ USD và hiện đang phải tìm kiếm hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Ông Umesh Moramudali, giảng viên kinh tế chính trị và động lực nợ công tại Đại học Colombo (Sri Lanka) không phủ nhận mối quan ngại sâu sắc "liên quan đến tính bền vững về kinh tế và sự cần thiết của các dự án được Trung Quốc rót vốn (ở Sri Lanka) vào thời điểm chúng được khởi xướng".
Dù vậy, vị chuyên gia kinh tế chính trị này không hoàn toàn đồng tình với quan điểm Bắc Kinh bẫy nợ Sri Lanka, bởi "những rắc rối về nợ của Sri Lanka vượt ra ngoài câu chuyện Trung Quốc".
Trong bài phân tích viết cho tờ The Diplomat, ông Moramudali ước tính, trong cơ cấu nợ nước ngoài của Sri Lanka tính tới cuối năm 2021, công nợ của Trung Quốc chỉ chiếm 14%, trong khi đó, nợ từ trái phiếu chính phủ lên tới 36%.
Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn thứ tư của Sri Lanka, sau các thị trường tài chính thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Nhật Bản, theo Reuters.
Mối lo ngại lớn nhất của Sri Lanka là làm thế nào để xử lý được khoản hoàn nợ khổng lồ từ trái phiếu – chiếm tới gần 1 nửa tổng hoàn nợ nước ngoài; trong số đó, có khoản vay 1 tỉ USD đến hạn thanh toán vào tháng 7 năm nay. Còn với Trung Quốc, con số này đang ở mức xấp xỉ 20%.
Sri Lanka ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc. Song, cũng như nhiều chuyên gia, ông Moramudali tin rằng, đó không phải là nguyên nhân khiến Colombo chìm sâu vào nợ nần. Vấn đề thực sự nằm ở nội tại và vẫn chưa được giải quyết trong suốt nhiều thập kỉ qua.
Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính len lỏi vào mọi ngóc ngách của Sri Lanka. Tình trạng mất điện kéo dài nhiều giờ đồng hồ khiến các hộ gia đình phải đi tìm củi đốt để nấu thức ăn. Bên ngoài trạm xăng người dân xếp hàng dài tới cả cây số. Báo ngừng xuất bản, trường học ngừng thi cử vì chính phủ và tòa báo không còn đủ tiền để mua giấy in.
Các bác sĩ khẳng định Sri Lanka đã rơi vào cuộc khủng hoảng y tế trong khi các nhà chức trách cảnh báo, nạn đói sắp ập xuống đất nước 22 triệu dân.
Sự lưỡng lự của Trung Quốc
Chuyên gia Moramudali nhận định, Trung Quốc đã tính toán một cách thận trọng trước khi cung cấp các khoản vay cho Sri Lanka. Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PboC) mà Sri Lanka kí kết năm 2020 là một minh chứng.
Đây là thỏa thuận bổ sung trị giá 10 tỉ Nhân dân tệ (tương đương khoảng 1,5 tỉ USD) phục vụ thương mại song phương và các mục tiêu khác trong 3 năm. Tháng 12/2020, Trung Quốc đồng ý cho Sri Lanka rút số tiền này nhập vào dự trữ ngoại hối, tăng nguồn ngoại tệ.
Tuy nhiên, do giao dịch hoán đổi tiền tệ này được thực hiện bằng Nhân dân tệ, nên Sri Lanka không thể sử dụng nó để thanh toán nợ trái phiếu bằng đồng USD, vốn là điều làm chính quyền Tổng thống Rajapaksa đau đầu nhất.
Bằng cách đó, Trung Quốc có thể tránh được những rủi ro không cần thiết mà vẫn duy trì được mối quan hệ kinh tế bền chặt với Sri Lanka, chuyên gia Moramudali nêu quan điểm.
Trước đề nghị của Tổng thống Rajapaksa hồi tháng 1/2022 về việc tiếp tục cấp hạn mức tín dụng và tái cơ cấu nợ để Sri Lanka vượt qua khủng hoảng, Trung Quốc tới nay vẫn chưa có câu trả lời.
Sự lưỡng lự này, theo ông Ganeshan Wignaraja, nghiên cứu viên cao cấp không thường trú tại Viện Nghiên cứu Nam Á (Đại học Quốc gia Singapore), là bởi 2 lý do: "Thứ nhất, nó sẽ tạo tiền lệ xấu cho các quốc gia đang vay nợ từ Trung Quốc. Thứ hai, nó sẽ làm người ta liên tưởng Trung Quốc với thất bại, vì mô hình kinh tế của Sri Lanka là học theo hình mẫu của Trung Quốc".
Trong bối cảnh đó, Ấn Độ đang ngày càng "mở lòng" với những đề nghị giúp đỡ từ quốc gia láng giềng Sri Lanka, cạnh tranh hiện diện với đối thủ Trung Quốc.
Dù thừa nhận tầm quan trọng của các khoản trợ giúp kinh tế từ nước ngoài vào lúc này, ông Moramudali vẫn cảnh báo Sri Lanka nên thận trọng để bảo vệ lợi ích quốc gia mình: "Nước này cần tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và thương mại để giải quyết các vấn đề kinh tế cố hữu, thay vì cố gắng hưởng lợi từ các đối thủ địa chính trị".
Theo My Lê
Trí Thức Trẻ