“Bẫy” môi giới bán kỳ nghỉ dưỡng: Cần thanh kiểm tra, xử lý nghiêm
Liên quan đến việc không ít người cao tuổi rơi vào “bẫy” môi giới bán kỳ nghỉ dưỡng, ĐBQH cho rằng nếu phát hiện sai phạm của công ty, đơn vị thì cần xử lý nghiêm.
Còn bao nhiêu cụ già rơi vào “bẫy”?
Sau khi Người Đưa Tin phản ánh qua bài viết Cụ bà 80 tuổi và hành trình "xuôi ngược" với gói nghỉ dưỡng , chúng tôi tiếp tục nhận được đơn thư phản ánh của bà Nguyễn Thị Thơ (Gần 70 tuổi, Hà Nội) về việc bà cũng đã “xuống tiền cọc” 60 triệu đồng cho Công ty TNHH Đầu tư và phát triển dịch vụ bất động sản A LAND (chi nhánh tại tầng 6, tòa nhà Ba Đình Office, số 19 Lê Thanh Nghị, phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) với lời hứa sẽ bán giúp bà kỳ nghỉ dưỡng.
“Tôi có mua một kỳ nghỉ dưỡng 8 ngày 7 đêm của một đơn vị với giá 300 triệu đồng. Tôi cũng không biết từ đâu mà bên môi giới có số điện thoại của tôi mời chào tôi là sẽ môi giới, bán giúp kỳ nghỉ. Vì không có nhu cầu sử dụng do tuổi cao nên sau khi nghe lời mời chào rất “ngọt” tôi và Công ty TNHH đầu tư và phát triển dịch vụ bất động sản A LAND đã thỏa thuận ký một hợp đồng môi giới về kỳ nghỉ dưỡng của tôi với giá thỏa thuận là 300 triệu đồng cùng với số tiền tôi phải đặt cọc là 60 triệu đồng. Hợp đồng theo hạn kết thúc vào ngày 31/10/2023”, bà Thơ nói.
Tuy nhiên, trong suốt thời gian từ sau khi xuống tiền cọc từ ngày 14/7/2023 đến ngày 24/11/2023 bà Thơ cho biết phía công ty chưa một lần chủ động gọi điện thoại bà như điều khoản trong hợp đồng đã quy định.
“Tôi luôn phải chủ động gọi điện thoại số chăm sóc khách hàng của công ty tại 19 Lê Thanh Nghị để hỏi về tin tức và tiến trình hợp đồng của tôi. Khi thấy tôi tới văn phòng nhiều, họ tỏ thái độ trách móc và có lần đã email cho tôi dọa sẽ không thanh lý hợp đồng nữa”, bà Thơ tỏ rõ nỗi buồn.
Trước đó, bà Thơ cũng đã một mình lên công ty chi nhánh ở Hà Nội để gặp quản lý cấp cao của công ty hỏi cho ra nhẽ, cũng như mong muốn thanh lý hợp đồng nhưng cảnh tượng trước mắt khiến bà không khỏi lo lắng.
“Khi tôi tới văn phòng thì công ty đã khóa trái cửa. Tôi ngồi đợi cả ngày hôm đó nhưng không gặp được bất kỳ ai cả”, bà Thơ bức xúc và cho biết bà đã làm đơn trình báo sự việc đến cơ quan chức năng.
“Số tiền đặt cọc của tôi không quá lớn nhưng nếu cộng lại 10-20 người già cả như tôi thì tôi nhẩm tính cũng lên đến cả tỷ đồng. Nếu công ty cũng nhận tiền và “lặn tăm” rồi lại dùng chiêu thức ấy đi mời chào những cụ già khác thì không biết sẽ còn bao nhiêu cụ già sẽ rơi vào “bẫy” của họ nữa”, bà Thơ chia sẻ và mong câu chuyện của mình cũng là bài học cho những ai đang sở hữu kỳ nghỉ dưỡng nên cảnh giác.
Phát hiện có dấu hiệu lừa đảo phải xử lý nghiêm
Liên quan đến vụ việc này, ngày 21/11 Người Đưa Tin đã liên hệ qua số hotline được ghi trong hợp đồng “Môi giới sản phẩm nghỉ dưỡng” của Công ty TNHH Đầu tư và phát triển dịch vụ bất động sản A LAND.
Gọi đến số hotline ở Hà Nội 0246868383 phải đến 3 cuộc gọi mới có người bắt máy, đầu dây bên kia là một giọng nam nhưng lại nói “đây không phải số của Công ty TNHH Đầu tư và phát triển dịch vụ bất động sản A LAND”.
Tiếp tục gọi tới số Hotline trụ sở ở Tp.Hồ Chí Minh: 02866868739 – số trùng khớp trên website https://alandcompany.vn. Tuy nhiên, chúng tôi không nhận được bất kỳ phản hồi nào.
Về vấn đề này, trao đổi với Người Đưa Tin trên hành lang Quốc hội, ĐBQH Trương Xuân Cừ - Phó Chủ tịch Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam, đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng, người cao tuổi tính cảnh giác đối với những hành vi lừa đảo cũng thấp hơn so với thế hệ trẻ bây giờ.
Thêm nữa, về mặt tâm lý người cao tuổi hay có bệnh nền, suy nghĩ lo lắng là mình làm được gì cho con cháu… Tất cả những yếu tố đó tạo nên người cao tuổi dễ bị lừa đảo hơn so với các đối tượng khác.
“Đã có những vụ lừa đảo người cao tuổi lớn liên quan đến bất động sản, mua bán tài sản, đất đai…”, ông Cừ nhấn mạnh.
Theo ông Cừ, vấn đề mua – bán bất kỳ thứ gì thì công ty cũng cần có địa chỉ rõ ràng, thậm chí phải chứng thực xem tận mắt.
“Tất cả các hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn thì phải chịu sự quản lý hành chính của cấp địa phương để xem những đơn vị này có đủ cơ sở pháp lý hay không?”, ông Cừ nhấn mạnh và cho biết khi thấy có dấu hiệu lừa đảo người cao tuổi cần báo đến cơ quan chức năng nơi mình sinh sống. Đồng thời, nếu đơn vị có dấu hiệu sai phạm, khi thanh, kiểm tra phát hiện đúng hành vi vi phạm thì cần phải xử lý nghiêm.
Với tư cách Trung ương Hội người cao tuổi, ông Cừ cho biết hiện nay Hội đang hướng dẫn các địa phương những thông tin cần thiết để người cao tuổi hạn chế bị lừa đảo.
Theo Luật sư Nghiêm Quang Vinh – Giám đốc Công ty Luật Nghiêm Quang, đoàn Luật sư Tp.Hà Nội hình thức trên là môi giới mua lại kỳ nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, cảnh giác đây là hình thức lừa đảo.
"Nếu có nhiều nạn nhân cùng bị lừa thì nên tập hợp hồ sơ lại, cùng làm đơn tin báo tố giác tội phạm, trên cơ sở đó cơ quan chức năng mới đi tìm hiểu, điều tra được", Luật sư Vinh nói.
Ông Vinh cho biết, với những trường hợp như bà Nguyệt, bà Thơ kể thì rõ ràng có dấu hiệu lừa đảo. Do đó, nên làm đơn tố giác tội phạm để các đơn vị nghiệp vụ điều tra để xử lý.
"Khi xác định được đơn vị nào, đối tượng nào lừa đảo thì phải xử lý nghiêm theo quy định để không ai dám thực hiện những hành vi tương tự", ông Vinh nói thêm.
Cảnh báo mô hình “sở hữu kỳ nghỉ du lịch”
Trước đó, hồi tháng 7/2023 Bộ Công an đã phát đi cảnh báo về hoạt động mua bán “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” (Timeshare).
Theo Bộ Công an, mô hình “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” là mô hình du lịch cung cấp dịch vụ mua trước quyền nghỉ dưỡng tại một hoặc một số khách sạn, khu resort trong khoảng thời gian nhất định (thường là 7 ngày/1 năm) theo mùa hoặc liên tục trong nhiều năm liền tùy theo thỏa thuận ký kết giữa các bên.
Mô hình này được triển khai tại Việt Nam và thu hút sự quan tâm của dư luận, thậm chí được giới thiệu như một giải pháp kích cầu du lịch với các ưu điểm so với du lịch thông thường, như: Chi phí tiết kiệm hơn, chỉ vài trăm nghìn đồng/đêm nghỉ tại khách sạn cao cấp bất kỳ trong hệ thống bất động sản doanh nghiệp, tiết kiệm 70% so với việc mua kỳ nghỉ thông thường;
Thời gian qua, cơ quan Công an nhận được nhiều đơn của người dân khiếu nại, tố giác một số công ty kinh doanh “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” về việc tham gia hợp đồng chia sẻ kỳ nghỉ nhưng không được hưởng đúng quyền lợi như bên cung cấp dịch vụ đã cam kết hoặc quảng cáo, phát sinh thêm nhiều chi phí; khách hàng không thể bán lại cho người khác cũng như không thể đòi lại được tiền…
Trước tình hình trên, Bộ Công an khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác với hoạt động “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch”, tìm hiểu kỹ về tư cách pháp lý và khả năng cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp trước khi mua gói dịch vụ liên quan.
Người dân cần nghiên cứu kỹ hợp đồng trước khi ký kết, đặc biệt chú ý đến các điều khoản liên quan đến quyền lợi của khách hàng, trách nhiệm của doanh nghiệp, giá trị hợp đồng và các loại chi phí liên quan, cũng như điều khoản chấm dứt hợp đồng và xử lý vi phạm.
Người dân cần kịp thời phản ánh, tố giác đến cơ quan Công an các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân lợi dụng hoạt động “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật…
Những rủi ro gặp phải
Theo Bộ Công an, hầu hết hợp đồng mua bán “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” là hợp đồng không có trong danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 13/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Vì vậy, việc kiểm soát các hợp đồng kinh doanh loại này gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, hợp đồng mua bán “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” là hợp đồng dài hạn (có thể kéo dài hàng chục năm), khách hàng phải trả số tiền lớn (từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng) ngay từ đầu khi chưa biết rõ khả năng và hiệu quả sử dụng dịch vụ trong tương lai.
Tại thời điểm ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, có thể các căn hộ, khách sạn nghỉ dưỡng mới chỉ nằm trên dự án, chưa được xây dựng. Bên bán “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” có thể không sở hữu bất kỳ khu dự án hoặc khách sạn nào; chỉ là đơn vị trung gian hợp tác với chủ sở hữu dự án/khách sạn để bán dịch vụ cho khách hàng. Do đó, khi xảy ra vướng mắc, khiếu nại trong quá trình sử dụng dịch vụ, bên bán khó đảm bảo được quyền lợi cho khách hàng.
Đối với khách hàng đầu tư vào mô hình sở hữu kỳ nghỉ để bán lại hưởng lợi nhuận, việc chuyển nhượng thành công kỳ nghỉ cho người khác phụ thuộc nhiều vào yếu tố thị trường, cũng như các điều khoản liên quan đến chuyển nhượng được ký kết với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Nhiều khách hàng sau khi mua dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ không thể bán lại cho người khác do không có người mua hoặc chi phí chuyển nhượng quá cao .
Nhóm PV