Bẫy cá đại dương

Chia sẻ Facebook
17/05/2022 00:56:37

Biển mênh mông, nhưng ngư dân biết chính xác luồng cá để chặn bắt bằng nghề đăng lưới với nhiều mưu mẹo từ cha ông truyền lưu. Những "ngài" cá mập, cá voi to lớn cũng bị khép vào vòng vây nhưng được họ thả về đại dương.

Thu hoạch cá lưới đăng - Ảnh: HẢI LUẬN


Tôi ngồi chờ trên tàu gần một ngày dưới cái nắng như thiêu đốt nhưng chưa thấy động tĩnh gì chuyện kéo lưới. Mặt trời xuống gần ngọn núi phía bờ, bất ngờ "trinh sát" mặt nước kêu to: "Lùi". Mệnh lệnh yêu cầu người trên tàu nhanh tay đóng cửa lưới khép chặt vòng vây bao trọn đàn cá ở độ sâu trên dưới 30m. Nếu không kinh nghiệm, dòng chảy mạnh khó bắt được cá, cả giàn lưới nguy cơ bị cuốn trôi.


Gặp "ngư xà Biển Đông"

Cả "ma trận" lưới, các loại dây, phao, nhiều cục đá làm chì... lớp nằm trên tàu, lớp dưới mặt nước. Trên tàu luôn có người chỉ huy dày dạn kinh nghiệm 20 - 30 năm trong nghề làm lưới đăng. Ông Lê Văn Liêm (đội trưởng đội sản xuất, Hợp tác xã nghề cá Thống Nhất, TP Nha Trang, Khánh Hòa) ôm ruột xe ôtô và gương lặn, nhảy xuống biển quan sát những vị trí nhạy cảm có thể cá sẽ thoát ra ngoài.

"Trời ơi, có "ông sứa" (cá mập hoa được ngư dân đặt tên "ngư xà Biển Đông") to lắm. Ông đã đuổi cá nhỏ chạy tán loạn, kéo lưới nhanh lên để bắt đàn cá dài. Thợ lặn xuống khóa đầu phía bắc, rồi ở yên dưới đó đuổi cá, đề phòng nước chảy mạnh hở miệng lưới cá thoát ra", ông Liêm nói. Phía sau, hai người khác nhảy xuống, bơi ào ào. Họ lần theo các đường dây lưới, dùng lực kéo buộc giữa các đầu lưới chặt lại với nhau, rồi lặn sâu xuống xem lưới có bị rách hoặc có sự cố nào xảy ra.

Tốc độ bơi "chỉ huy" của ông Liêm ở phía trong vòng vây đàn cá giống như con rái cá, miệng ông la lên: "Có mấy con cá cờ to đang quậy phá, thu lưới nhanh để khóa chặt đàn cá dài, đặt dây vào máy cảo làm cho nhanh". Cả hai chiếc tàu với mấy chục lao động bắt đầu hô hào kéo lưới, dây chì lưới bao đã kéo lên khỏi mặt nước, coi như 100% đàn cá đã hết đường chạy thoát. Đó cũng là lúc "ngài ngư xà Biển Đông" bắt đầu thể hiện mình là chúa tể biển cả. Nó bơi mấy vòng quanh lưới làm cho nhiều người giật mình, rồi bị kẹt vào vách lưới.

"Kéo lưới nhanh phủ ra phía ngoài để "ngài" nằm yên đó, tập trung bắt hết cá trong lưới đã. Cứ nhùng nhằng theo "ngài", mấy con cá cờ quậy phá làm rách lưới, thành công cốc", ông Liêm nói to. "Ngài ngư xà Biển Đông" nặng khoảng 1 tấn vùng vẫy rất mạnh, đuôi đập nước nghe ầm ầm.

Đoạn lưới cuối cùng được kéo lên. Mấy con cá cờ to khỏe vùng vẫy bắn nước lên tung tóe. Đám cá thu, cá ngừ cũng nhảy phóng lên cao. Mấy thanh niên cầm cần móc bắt những con cá cờ kéo lên tàu trước, sau đó dùng vợt lớn xúc cá đưa lên boong tàu và đẩy xuống hầm ngay, đề phòng cá nhảy xuống biển.

Bắt xong các loại cá có giá trị kinh tế cao, họ quay lại với "ngài ngư xà Biển Đông" còn nằm dưới lưới. Một người gan dạ nhảy xuống kéo mảng lưới bật ngược trở lại để "ngài" thoát ra biển. Do "ngài" quá khổng lồ, liên tục lắc mình quăng quật, trồi lên hụp xuống nên rất khó xử lý.

Phải hì hục thời gian lâu trong sự gan dạ và khéo léo, họ mới đưa được "ngài" ra khỏi lưới, trở lại đại dương. "Trước đây thi thoảng vẫn có ông Nam Hải (cá voi) vào vòng lưới, thở cột nước lên cao mấy mét. Ông rất khôn, trên tàu đánh động lưới chài, ông tìm cửa bơi ra ngay. Nếu để ông nằm lâu trong đăng, coi như đuổi sạch các loại cá ra ngoài", ông Liêm nói trong sự tôn kính của dân biển với cá voi.

Cá thu có giá trị kinh tế cao, chiếm khoảng 70% sản lượng đánh bắt của nghề lưới đăng


Nỗi sợ "nghịch nước"

"Chẳng có năm nào làm khó khăn như năm nay, thường xuyên "nghịch nước" và "nghịch gió". Từ sau Tết đến giờ, hợp tác xã tôi phải nhổ lưới vào Bích Đầm trú ẩn ba lần. Đã tháng 3, tháng 4 âm lịch, là chính vụ khai thác của nghề lưới đăng, mà gió bấc cứ thổi ù ù, biển động dữ dội.

Tuần trước định cuốn lưới đưa về bờ nghỉ sớm, chấm dứt năm khai thác lưới đăng, nhưng ba ngày vừa rồi làm có chút đỉnh cá, ráng cầm cự. Hợp tác xã nghề cá Đoàn Kết đã thu dọn lưới từ đầu tháng, cộng sổ bị lỗ 400 triệu đồng" - ông Mai Văn Hòa (giám đốc Hợp tác xã nghề cá Thống Nhất), đang làm lưới đăng ở phía mặt ngoài đảo Hòn Tre (TP Nha Trang), kể chuyện.

Nghề lưới đăng Khánh Hòa có từ xa xưa, lúc đầu lưới bằng sợi dây đay, thuyền chèo bằng tay và buồm. Các ông tổ nghề đăng đã chọn được những vị trí hiểm yếu, nhất là tuyến đường di cư huyết mạch của các đàn cá từ biển khơi vào. Đó là những điểm đảo, eo biển nhô ra xa phía Biển Đông, họ đặt hàng lưới (mắt lưới to bằng đường kính chai rượu) từ bờ đảo kéo ra khoảng 450 - 500m. Phía ngoài cùng làm vòng lưới rộng khoảng 2.000m2 (gọi là rọ lưới) có cửa để đường cá vào rộng trên 5m. Tất cả được cố định bằng hệ thống neo và phao nổi chống chịu được sóng lớn và dòng chảy mạnh.

Theo kinh nghiệm ngư dân, từ tháng 2 - 4 âm lịch, luồng cá di cư theo nước "đầu hoàn" (từ phía nam ra bắc). Từ tháng 5 - 7, cá chạy nước "khép" (từ phía bắc vào nam). Ông Hòa giải thích: "Do đặc tính cá chạy theo hướng di cư, mình phải đặt cửa vào lệch với hướng cá di chuyển để nó "quên" mất hướng cửa chạy thoát ra".

Trong khu vực vòng vây, các ngư dân luôn có một "trinh sát" cá rất lão luyện mang kính lặn, nằm úp mặt trên ruột xe ôtô quan sát và đếm cá đang di chuyển dưới biển sâu. Anh ta sẽ xác định được đàn cá di chuyển theo vòng tròn bán kính lớn hay nhỏ, hoặc nó thường hay co cụm vào góc nào, dự tính được sản lượng cá bao nhiêu. Chỉ "trinh sát" cá mới có quyền ra lệnh đóng cửa và buông lưới đánh bắt.

"Làm nghề lưới đăng, sợ nhất là "nghịch nước". Đàn cá đã vào vòng vây lưới, đã khóa chặt cửa vào, thả lưới xuống kéo cá, nhưng nước đổi dòng chảy cực mạnh, trôi cả giàn lưới, đàn cá cũng chào mình đi luôn. Cùng thời điểm, ở dưới đáy nước chảy xuôi, phần trên mặt nó lại chảy ngược lại. Rồi từ đâu đó dòng hải lưu đưa tới "tặng" cho dòng nước đục. Cá thu, cá ngừ... ở ngoài biển khơi nước trong xanh, thấy dòng nước đục liền lập tức quay đầu trở ra", ông Hòa chia sẻ sự bất trắc.

Nghề lưới đăng như "chờ thời" đàn cá bơi vào vòng rọ lưới vây mà dạn dày kinh nghiệm. Cái nghề lưới thuận hòa đại dương, không bắt cá nhỏ để phát triển nguồn cá cho người sau tiếp tục ra biển…

“Trinh sát” dò luồng cá


Lưới đăng chỉ bắt cá "tốp trên"

"Nghề lưới đăng ở các tỉnh Nam Trung Bộ nói chung, ở Khánh Hòa nói riêng, có từ lâu đời. Mùa khai thác từ tháng 2 đến tháng 7 hằng năm. Họ sử dụng loại mắt lưới lớn, chỉ đánh bắt những loại cá thuộc "tốp trên" như cá thu, cá ngừ, cá bớp, cá cờ... có giá trị kinh tế cao. Lưới đăng bắt loại cá nhỏ nhất từ 1kg/con trở lên, nên không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản", tiến sĩ Trần Hữu Phú (viện trưởng Viện khoa học và công nghệ khai thác thủy sản, Trường đại học Nha Trang) cho biết.


Đang gặp khó

Ở tỉnh Khánh Hòa, các loại nghề lưới trũ, lưới vây, lưới rê, giã cào... phát triển nhiều và hoạt động gần bờ, giống như "chặn đường" của nghề lưới đăng, dẫn đến sản lượng khai thác nghề lưới đăng ngày càng bị suy giảm nghiêm trọng. Huyện Vạn Ninh có 4 hợp tác xã lưới đăng, năm 2022 chỉ có một hợp tác xã còn cầm cự hoạt động trên biển. TP Nha Trang có 4 hợp tác xã và doanh nghiệp, hiện có 2 hợp tác xã và doanh nghiệp còn hoạt động.

Tắt máy ở đoạn xa, ông Sáu Thuận dùng mái dầm bơi nhè nhẹ vỏ lãi đến miệng cống Sông Kiên (TP Rạch Giá, Kiên Giang) rồi thả mẻ lưới đón luồng cá đồng "chạy hoảng" vì say nước mặn.

Chia sẻ Facebook