Báu vật vô giá của họ Hoàng làng Văn La
Suốt 2 thế kỷ qua, lớp lớp con cháu họ Hoàng Văn La dù giàu sang hay nghèo khó vẫn có những người giữ được đức hạnh, giữ đạo hiếu. “Hoàng thị gia huấn” mãi mãi là báu vật vô giá mà tổ tiên đã để lại.
Làng Văn La (xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) là vùng đất “thượng sơn hạ thủy, rồng chầu hổ phục”, là làng văn hóa có tiếng cả văn lẫn võ, nhiều người phát về khoa bảng. Từ xa xưa Văn La có hội “Tư văn” tập hợp những nhà nho, khoa bảng bàn luận chuyện văn chương thế sự. Dù ở xa chốn Kinh thành, nhưng Văn La vẫn tự xây dựng được trường làng riêng cho mình. Nơi đây nổi lên có họ Hoàng và họ Đỗ, người dân vẫn ví von rằng “việc quan họ Hoàng, việc làng họ Đỗ”. Bài này nói về họ Hoàng ở Văn La.
Hoàng Kim Xán
Họ Hoàng mới đến làng ban đầu chỉ làm ruộng, về sau đã có người học hành và làm thầy dạy trong làng. Đến đời thứ tư có Hoàng Văn Hoán làm quan tới chức “Đông cung văn chức” đây là chức quan chuyên phục vụ dạy dỗ Thái tử.
Đến năm 1776, ông Hoán có được người con trai, đặt tên là Hoàng Kim Xán. Nhờ ảnh hưởng từ cha mà ngay từ bé Hoàng Kim Xán rất thông minh lại học giỏi.
Khi quân Tây Sơn đánh chiếm Đàng Trong, ông Hoán ẩn cư dạy học, được nhiều sĩ tử đến làm học trò. Khi vua Gia Long đánh bại Tây Sơn lập ra nhà Nguyễn, ông Hoán bảo con mình ra phục vụ cho nhà Nguyễn.
Ban đầu Hoàng Kim Xán giữ chức tri huyện Lệ Thủy, ông làm quan thanh đạm lại liêm khiết nên được dân tin yêu, được thăng làm Thiêm sự bộ Lễ rồi Cai bạ trấn Hòa Bình. Đến năm 1824 thời vua Minh Mạng thì ông làm Hữu Tham tri bộ Công kiêm cả công việc ở bộ Hình.
Đến năm 1827, Hoàng Kim Xán được giao Thượng thư đứng đầu bộ Hình. Rồi ông được Vua tin tưởng cử đi làm Kinh lược sứ ở Nam Định, sau đó giữ chức Tổng đốc Định An. Sau đó vua Minh Mạng phong ông làm Hiệp biện Đại học sĩ hàm nhất phẩm.
Con cháu hiển đạt
Hoàng Kim Xán có 3 người con theo khoa bảng có nhiều thành tựu, con trưởng Hoàng Kế Thản làm Viên ngoại lang bộ Hình hàm chánh nhất phẩm.
Con thứ Hoàng Kế Diệu thông minh lại có tư chất tốt, nhưng không muốn ra làm quan. Ông nuôi dạy con cái đều thành tài quý hiển nên được phong làm Hàn lâm thị độc, được tặng chức Hữu phó đô ngự sử trong Đô sát viện.
Con út Hoàng Kế Viêm làm Tư vụ Quang lộc tự khanh hàm tam phẩm, được Vua tin tưởng gả công chúa cho. Sau làm Thống đốc Khâm sai quân vụ tiết chế Bắc kỳ, khi về hưu được phong hàm Đông các đại học sĩ. (Xem bài: Vị tướng quân Đại Nam kháng lệnh, 2 lần tiêu diệt chỉ huy Pháp )
“Hoàng thị gia huấn”: Báu vật vô giá của dòng họ
Hoàng Kim Xán là người hiếu đạo, luôn ghi nhớ lời dạy tổ tiên. Năm 1831 ông biên soạn cuốn “Gia phả họ Hoàng” lưu lại cho con cháu, tiếc rằng cuốn gia phả này bị mất theo thời gian.
Tuy nhiên dựa theo các bản chép tay lưu lại thì cuốn gia phả này ghi lại đức tính của tiền nhân trong dòng họ nhằm làm tấm gương cho con cháu đời sau, bản ghi chép lưu lại có đoạn sau:
Ngài đời thứ nhất: Được mọi người ngưỡng mộ, thương mến (Mộ đức phủ quân).
Ngài đời thứ hai: Khoan dung, có độ lượng (Dụ đức phủ quân).
Ngài đời thứ ba: Được mọi người tôn trọng (Long đức phủ quân), được nhà Vua tặng “Trung thuận đại phu” (tức một ông quan trung thực và hòa thuận), sau khi từ trần còn được tặng tên thụy “Lương mục phủ quân” (tức một người tốt, hòa hợp, kính mến).
Ngài đời thứ tư: Có đức hạnh trong văn học (Văn đức phủ quân), được nhà Vua tặng “ Gia nghị đại phu” (tức là một ông quan biết bàn bạc, xuy xét chín chắn), đồng thời lại được đặt tên thụy là “Lương mục phủ quân” (tức một người tốt, hòa hợp, kính mến).
Để răn dạy con cháu sau này, Hoàng Kim Xán đã khắc vào bia đá “Hoàng thị gia huấn” bằng chữ Hán, tấm bia đá này vẫn còn đến ngày nay. Mở đầu “Hoàng thị gia huấn” nhắc nhở con cháu về Đạo: “Hãy giữ mãi đạo hiếu, phải lấy Đạo làm phép tắc tu thân” cùng lời nhắc nhở: “Đạo làm con luôn ghi nhớ, nhà ta xuất thân từ cảnh hàn vi, nay được hiển đạt há chẳng phải là do tổ tiên ta đã tích đức mà có hay sao”.
Tiếp theo là căn dặn con cháu siêng năng học Nho gia, trau dồi đức hạnh theo truyền thống của dòng họ.
Đồng thời ông cũng căn dặn con cháu phải tiết kiệm, sống thiện lương; sống trong giàu sang cũng không được kiêu căng xa hoa, giữ lấy nếp thanh bạch của dòng họ.
Cuối cùng “Hoàng thị gia huấn” đúc kết rằng : “Đắp xây gian khổ như leo núi, phá hủy dễ dàng tựa đốt long”.
Từ đời Hoàng Kim Xán, họ Hoàng đều có người học giỏi đỗ đạt, trở thành dòng họ nổi tiếng.
Lớp bụi thời gian khiến cho bia đá “Hoàng thị gia huấn” phai mờ, nhưng nội dung câu chữ trong tấm bia đá vẫn được lớp con cháu bảo quản tốt, đến nay các ký tự vẫn còn nguyên vẹn.
Năm 2000 con cháu họ Hoàng ở Văn La góp công góp của phục dựng lại nhà thời họ để làm nơi bái vọng về tổ tiên. Hàng năm cứ đến ngày giỗ tổ, lớp con cháu học Hoàng lại sum họi trước nhà thờ họ, trưởng tộc lại đọc lớn từng chữ trên “Hoàng thị gia huấn” ghi nhớ lời dạy dỗ của tổ tiên.
Trần Hưng
Mời xem video :