Bầu cử Pháp: Phe ông Macron ăn mừng, châu Âu chúc mừng
Chủ nhật (24/4), Pháp đã tổ chức vòng bỏ phiếu thứ 2 và cũng là vòng cuối cùng trong cuộc bầu cử tổng thống của nước này. Các cuộc thăm dò sớm sau cuộc bỏ phiếu cho thấy, ông Macron đánh bại bà Marine Le Pen và tái đắc cử. Ông sẽ là tổng thống Pháp đầu tiên tái đắc cử trong 20 năm qua.
Ông Macron và bà Le Pen đã lặp lại cuộc đối đầu kéo dài 5 năm của họ vào Chủ nhật. Các điểm bỏ phiếu mở cửa lúc 8h sáng Chủ nhật và đóng cửa lúc 8h tối theo giờ địa phương, nhưng một số điểm bỏ phiếu đã đóng cửa lúc 7h tối. Sau 8h tối, cơ quan bỏ phiếu công bố kết quả thăm dò ban đầu.
Theo Reuters, các tổ chức thăm dò dư luận Ifop, Elabe, OpinionWay và Ipsos dự đoán ông Macron sẽ nhận được từ 57,6% đến 58,2% phiếu bầu. Ở Pháp, dự báo của các cuộc thăm dò thường chính xác, nhưng sẽ có chút thay đổi khi có kết quả chính thức từ khắp nơi trên đất nước.
Những người ủng hộ ông Macron tập trung ăn mừng gần Tháp Eiffel
Tiếng hò reo nổ ra khi kết quả xuất hiện trên màn hình cực lớn ở công viên Champ de Mars dưới chân tháp Eiffel. Những người ủng hộ ông Macron ở đó vẫy cờ Pháp và Liên minh châu Âu. Mọi người ôm nhau và hô vang “Macron” .
Ông Macron nói: “Nhiều đồng hương của chúng tôi đã bỏ phiếu cho tôi, không phải vì ủng hộ tôi, mà là để ngăn chặn cánh hữu. Tôi muốn cảm ơn họ, và tôi biết rằng những ngày tới tôi cần tận hết trách nhiệm với họ.”
Ông Macron hứa sẽ giải quyết tất cả các vấn đề hiện tại
Theo các cuộc thăm dò, chiến thắng của ông Macron trước bà Le Pen nhỏ hơn nhiều so với cuộc bầu cử năm 2017. Ông đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2017 với sự ủng hộ gần gấp đôi so với bà Le Pen, thể hiện rõ sự bất mãn của nhiều người Pháp với kỷ lục nắm quyền của ông Macron trong 5 năm qua.
Điều đó được phản ánh qua số cử tri đi bỏ phiếu. Tổ chức thăm dò dư luận hàng đầu của Pháp nói rằng số phiếu trắng cuối cùng có thể ổn định khoảng 28%, mức cao nhất kể từ năm 1969.
Đoạn phim trên mạng xã hội cho thấy cảnh sát chống bạo động phun hơi cay vào những người biểu tình ở trung tâm Paris sau khi các cuộc thăm dò dư luận dự đoán ông Macron sẽ tái đắc cử.
Ông Clement Beaune, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp, cho biết sau khi kết quả thăm dò dư luận được công bố: “Sự ủng hộ 40% của phe cực hữu cho thấy chúng tôi sẽ phải nỗ lực để giải quyết vấn đề này.”
Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp, ông Olivier Veran, nói với BFM TV, đừng nghỉ ngơi trên vòng nguyệt quế của mình, bà Le Pen đang có tỷ lệ ủng hộ cao nhất từ trước đến nay.
“Vì tổng thống đã tái đắc cử, chính sách của chính phủ sẽ vẫn tiếp tục. Nhưng chúng tôi cũng sẽ lắng nghe ý kiến từ người dân Pháp”, ông nói thêm, và hứa hẹn sẽ có sự cải cách.
Tính chất nhiệm kỳ thứ 2 của ông Macron sẽ bị ảnh hưởng rất lớn bởi kết quả cuộc bầu cử quốc hội vào tháng Sáu. Bà Le Pen cho biết mục tiêu của bà là có được một đội ngũ hùng mạnh trong quốc hội. Trong khi ứng cử viên phe cực tả, ông Jean-Luc Melenchon, người đã thua trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, nói rằng ông muốn giành được chức Thủ tướng.
Bà Marine Le Pen thừa nhận thất bại, sẽ tiếp tục thách thức ông Macron trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 6
Bà Le Pen thừa nhận thất bại và cho biết sẽ tiếp tục cuộc chiến chính trị với ông Macron trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng Sáu. Bà nói với những người ủng hộ: “Người Pháp thể hiện mong muốn phản đối ông Macron mạnh mẽ vào tối nay.”
Mặc dù bà Le Pen không đắc cử tổng thống, nhưng đây là kết quả tốt nhất của phe cực hữu trong các cuộc bầu cử trước đó. “Kết quả tối nay (đối với chúng tôi) tự nó đã là một chiến thắng phi thường,” bà Le Pen nói.
“Ông Macron sẽ không làm bất cứ điều gì để sửa chữa những rạn nứt chia cắt đất nước chúng ta và khiến đồng bào của chúng ta phải đau khổ.”
Bà Le Pen cũng cho biết, để tránh thiểu số nắm độc quyền, bà sẽ làm việc chăm chỉ hơn bao giờ hết, nhằm thực hiện lời hứa của mình với nước Pháp và người dân Pháp.
Trong chiến dịch tranh cử, bà Le Pen tập trung quan tâm đến giá cả sinh hoạt, và thu hút được không ít cử tri. Bà ấy muốn có chính sách “Mua hàng Pháp” trong các cuộc đấu thầu công; giảm tuổi nghỉ hưu tối thiểu xuống còn 60 tuổi cho những người bắt đầu đi làm trước 20 tuổi, loại bỏ thuế thu nhập cho những người dưới 30 tuổi và giảm thuế giá trị gia tăng đối với năng lượng từ 20% xuống còn 5,5%.
Bà cũng sẽ chi 2 tỷ euro (2,18 tỷ USD) trong 5 năm, nhằm tăng lương cho nhân viên y tế và thuê thêm 10.000 nhân viên. Lương giáo viên cũng sẽ tăng 15% trong vòng 5 năm.
Bất chấp sự thất vọng của những người ủng hộ bà Le Pen, một số người trong số họ đã nhanh chóng vui lên và chốt cuộc bầu cử quốc hội vào tháng Sáu. “Chúng tôi phải tiếp tục chiến đấu,” nha sĩ đã nghỉ hưu Francois Denormand nói. “Chúng ta có thể thua trận này, nhưng không phải thua cả cuộc chiến.”
Renkert, đến từ vùng Alsace, cho biết ông đã đầu tư rất nhiều thời gian cho chiến dịch của bà Le Pen “vì tôi tin tưởng vào tương lai của nước Pháp.” Ông mong đợi cuộc bầu cử quốc hội và một tổng thống mới trong thời gian 5 năm.
Các nhà lãnh đạo châu Âu chúc mừng
Sự thay đổi quyền lực ở Pháp có thể thay đổi cán cân chính trị ở châu Âu, định hình lại mối quan hệ với Trung Quốc và Nga, đồng thời ảnh hưởng đến vị thế của Pháp trong các cuộc đàm phán thương mại châu Âu và thế giới. Chính vì vậy, cuộc bầu chọn này đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới.
Là một trong những thành viên sáng lập của Liên minh châu Âu (EU), Pháp vẫn luôn là trung tâm của các nỗ lực hội nhập châu Âu kể từ khi kết thúc Thế chiến II, mặc dù các chính sách đó vẫn luôn tồn tại những ý kiến trái chiều. EU cảm thấy nhẹ nhõm khi ông Macron, người ủng hộ EU, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào Chủ nhật.
Các nhà lãnh đạo EU nhanh chóng gửi lời chúc mừng
Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Charles Michel đã tweet, khen ngợi Tổng thống Macron về biểu hiện xuất sắc của ông trong cuộc bầu cử này. Ông nói thêm: “Trong kỷ nguyên khó khăn này, chúng ta cần một châu Âu mạnh mẽ và một nước Pháp nhất trí hoàn toàn với việc xây dựng một EU có chủ quyền và chiến lược hơn.” Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen cũng chúc mừng ông Macron.
Đến nay, gần như tất cả 27 nước thành viên EU đều bày tỏ chúc mừng tới ông Macron. Bộ trưởng Tài chính Đức, ông Christian Lindner, đã đáp lại suy nghĩ của nhiều người, khi gọi châu Âu là nước chiến thắng lớn nhất trong cuộc bầu cử này.
Thủ tướng Ý, ông Mario Draghi, cùng các nhà lãnh đạo ủng hộ EU là ông Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tạo thành một bộ 3 quyền lực ủng hộ EU. Ông Draghi cũng cho rằng việc Tổng thống Macron tái đắc cử là “tin tốt lành cho toàn châu Âu”.
Vương quốc Anh, quốc gia đã rời EU, cũng chúc mừng ông Macron. Thủ tướng Boris Johnson cũng cam kết sẽ hợp tác với ông Macron. Ông nói: “Pháp là một trong những đồng minh thân cận và quan trọng nhất của chúng tôi.”
Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp hơn những năm trước
Có khoảng 48,7 triệu cử tri đăng ký trong cuộc bầu cử này. Trong cuộc thăm dò hôm Chủ nhật, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp hơn bình thường, cho thấy nhiều cử tri không lạc quan về một trong hai ứng viên.
Bộ Nội vụ Pháp cho biết, vào 5h chiều theo giờ Paris (15:00 GMT, giờ trung bình ở Greenwich) tỷ lệ cử tri đi bầu là 63%, giảm so với 65% trong cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống cuối cùng vào năm 2017; lại càng thấp hơn 72% khi ông Francois Hollande giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012.
Trước đó Reuters cho biết, nếu tái đắc cử, ông Macron sẽ phải đối mặt với nhiệm kỳ thứ 2 rất khó khăn. Các cử tri thuộc mọi phe đều có thể xuống đường khi ông tiếp tục các kế hoạch cải cách ủng hộ doanh nghiệp, gồm cải cách lương hưu. Nếu bà Le Pen chiến thắng, người ta kỳ vọng nước Pháp và các chính sách quốc tế sẽ có những thay đổi căn bản, tuy nhiên bà cũng sẽ phải đối mặt với các cuộc biểu tình trên đường phố.
Hôm Chủ nhật, bà Le Pen mỉm cười và bỏ phiếu bầu tại một điểm bỏ phiếu ở Henin-Beaumont, miền bắc nước Pháp. Bà chụp ảnh với những người ủng hộ bên ngoài điểm bỏ phiếu.
Sau khi bà Le Pen bỏ phiếu, ông Macron cũng bỏ phiếu tại một điểm bỏ phiếu ở Le Touquet, miền bắc nước Pháp.
Các cuộc thăm dò dư luận trước thềm cuộc bầu cử cho thấy nhiều khả năng ông Macron sẽ giành chiến thắng. Nhưng khoảng cách của ông với bà Le Pen trong cuộc bầu cử này sẽ thu hẹp đáng kể so với cuộc bầu cử tổng thống năm 2017. Nhìn về cuộc chiến khốc liệt này, ngoại giới không loại trừ khả năng bà Le Pen cuối cùng cũng có thể tiến vào Điện Elysee.
Không giống như cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ được xác định trong một đêm, cuộc bầu cử Tổng thống Pháp là một hệ thống bầu cử 2 vòng, tức là 2 vòng bỏ phiếu sẽ được tổ chức.
Nếu một ứng cử viên có thể đạt được hơn 50% số phiếu trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, người đó có thể sẽ được bầu trực tiếp. Nếu không, 2 tuần sau, 2 ứng cử viên dẫn đầu trong vòng bỏ phiếu đầu tiên sẽ đối đầu trong vòng bỏ phiếu thứ 2, người chiến thắng sẽ trở thành tổng thống Pháp.
Trong vòng bỏ phiếu đầu tiên vào ngày 10/4, ông Macron và bà Le Pen đã vượt xa 12 ứng cử viên và bước vào cuộc cuộc tranh cử ngày 24/4.
Theo Trương Đình / Epoch Times
5 điều cần biết về cuộc bầu cử tổng thống Pháp sắp diễn ra Cuộc bầu cử tổng thống Pháp sẽ diễn ra vào ngày 24/4, ai trong 2 ứng viên là ông Macron và bà Le Pen sẽ giành chiến thắng?