Bầu cử giữa nhiệm kỳ Quốc hội Mỹ: Vấn đề kinh tế tác động tới lựa chọn của cử tri

Chia sẻ Facebook
09/11/2022 01:42:33

Đêm 8/11 (theo giờ Việt Nam), cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Quốc hội Mỹ sẽ chính thức diễn ra.


Vấn đề kinh tế đang đè nặng lên suy nghĩ của không ít cử tri Mỹ khi đi bầu. Công việc không thiếu, lương gần đây cũng tăng, nhưng liệu đồng lương có cập nhật với lạm phát hay không? Bên cạnh đó, việc FED tăng lãi suất khiến việc đi vay chi tiêu cũng khó khăn hơn. Theo đó, việc bầu cho ai lúc này là liên quan trực tiếp tới túi tiền.

TS. John Zogby, nhà sáng lập hãng khảo sát quốc tế Zogby, nói: "Thẳng thắn mà nói, lợi thế lớn nhất mà đảng Cộng hòa có được trong vấn đề lạm phát là họ không nắm quyền ở vị trí nào cả. Chắc chắn anh không muốn liên đới trách nhiệm khi mà người dân đang phải chịu mức lạm phát 8%, 9%. Điều đó làm giảm lá phiếu cho đảng Dân chủ, trong khi lại giúp đảng Cộng hòa".

Chính quyền của Tổng thống Biden đã cắt được nguy cơ suy thoái trong năm nay bằng GDP quý III tăng 2,6%. Tuy nhiên, việc FED mới đây tiếp tục tăng lãi suất khiến nhiều người lo ngại, điều này sẽ kìm đà tăng trưởng kinh tế, dẫn tới suy thoái trong tương lai. Do đó, kết quả bầu cử có thể bất lợi cho đảng Dân chủ.

Với các nhà đầu tư chứng khoán, kết quả này không hẳn là tệ. Lịch sử cho thấy, nhà đầu tư thường mua vào nếu lưỡng viện chia đều cho hai đảng, hoặc đảng Cộng hòa kiểm soát Quốc hội, còn Tổng thống là đảng Dân chủ.

Ông Sam Stovall, Trưởng Bộ phận Tư vấn Chiến lược, Công ty CFRA, Mỹ, cho biết: "Trên thực tế, chứng khoán thường tăng trung bình 13% giá trị với các kịch bản đó. Ít nhất chúng ta đã chứng kiến 10 lần như vậy. Thêm vào đó, lịch sử cũng ghi nhận một năm kể từ ngày 31/10 của năm bầu cử giữa nhiệm sang năm thứ 3 của Tổng thống, chứng khoán thường tăng trung bình 21% và chưa từng có ngoại lệ".

(Ảnh: PBS Wisconsin)


Các nhà đầu tư thường mua vào trong hai kịch bản kể trên bởi họ cho rằng sẽ ít có thay đổi lớn về chính sách, ít nhất trong hai năm tới. Tuy nhiên, đó là chuyện của hậu bầu cử. Các nhà đầu tư phố Wall vẫn còn 2 đêm dài chờ đợi kết quả phía trước. Và ngay sau bầu cử 2 ngày, sẽ có báo cáo lạm phát tháng 10. Đây sẽ là chỉ dấu quan trọng cho thấy, FED kiểm soát được lạm phát đến đâu bằng công cụ lãi suất.

Dự kiến, vào sáng 8/11 (giờ địa phương, tức tối 8/11theo giờ Việt Nam), cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu bầu Quốc hội giữa nhiệm kỳ. Và theo số liệu từ "Dự án Bầu cử Mỹ", trên 42 triệu cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu sớm, cao hơn con số bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 4 năm trước.

Trong số hơn 40 triệu lá phiếu được bỏ sớm, có hơn 19,3 triệu phiếu được bỏ trực tiếp và 22,7 triệu phiếu được gửi qua đường bưu điện. Tại kỳ bầu cử lần này, các cử tri Mỹ sẽ bầu lại toàn bộ 435 ghế hạ nghị sĩ liên bang, 35 trong tổng số 100 ghế thượng nghị sĩ liên bang cùng nhiều vị trí cấp bang và địa phương.


Hầu hết trong số 50 bang của nước Mỹ đều cho phép cử tri bỏ phiếu sớm, trực tiếp hoặc qua đường bưu điện, điều đã trở nên phổ biến trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020. Tuy nhiên, tại cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ này, các nghị sĩ đảng Cộng hòa đã lên tiếng phản đối việc bỏ phiếu sớm ở một số bang mà tỉ lệ thắng thua được dự báo rất sít sao.

Tổng thống Joe Biden không có tên trong các lá phiếu, nhưng cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ lần này sẽ quyết định ai kiểm soát Quốc hội.

Chia sẻ Facebook