Bất ổn thị trường xăng dầu: Minh bạch nguyên nhân, dự báo tình huống
Tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ nếu để kéo dài càng lâu, những hệ lụy từ sự đình trệ, đứt quãng kia sẽ càng khó lường.
Đã hơn một tháng kể từ khi tình trạng khan hiếm xăng dầu diễn ra, ban đầu chỉ xuất hiện cục bộ ở Tp.HCM và một số tỉnh thành phía Nam, sau đó đã lan rộng. Khan hiếm xăng dầu lại diễn ra phổ biến ở các thành phố lớn, vốn là những đầu tàu kinh tế, trung tâm dịch vụ, văn hóa, giải trí sôi động, càng khiến sự xáo trộn và mức độ ảnh hưởng, tác động của nó lên đời sống người dân càng lớn.
Điều đáng nói là đến nay có rất nhiều nguyên nhân được chỉ ra, kèm theo đó là không ít giải pháp, thế nhưng thực trạng vẫn chưa có gì thay đổi đáng kể. Kết quả, người kinh doanh vẫn tiếp tục than lỗ và không nhập hàng, hoặc nhập về bán cầm chừng; người dân vẫn chưa hết lo lắng với cảnh xếp hàng chờ đổ xăng; trong khi Bộ Công thương vẫn khẳng định xăng dầu không... thiếu! Vì sao có rất nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, không ít giải pháp được triển khai nhưng tình hình vẫn chưa được giải quyết rốt ráo? Phải chăng vì chúng ta “chẩn đoán” sai dẫn đến “toa thuốc” không hiệu nghiệm?
Xăng dầu là mặt hàng quan trọng, thiết yếu đối với kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân; do đó các bộ ngành liên quan cần chủ động phối hợp với các Bộ ngành và thương nhân đầu mối nhằm có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh hiện nay, góp phần đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước. Quan trọng hơn là từ thực tiễn này, rút ra những bài học để nó không lặp lại.
Chi phí kinh doanh là điểm nghẽn mấu chốt
Bộ Công Thương vừa có Công văn số 7197/BCT-TTTN gửi các Bộ, cơ quan ngang bộ và Công văn 7198/BCT-TTTN gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh doanh xăng dầu.
Theo nội dung hai công văn này, có 8 nhóm vấn đề cần lấy ý kiến chỉnh sửa gồm: vấn đề chu kỳ điều hành giá xăng dầu; quy định mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu; đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn; quyền và nghĩa vụ của các thương nhân phân phối xăng dầu; quyền và nghĩa vụ của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; việc thống nhất đầu mối quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu; việc quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu; việc sửa đổi, bổ sung các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Trên cơ sở chức năng quản lý mặt hàng xăng dầu trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các bộ, cơ quan ngang bộ tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, có ý kiến đối với các nội dung đề xuất sửa đổi nêu trên và các nội dung cần sửa đổi, bổ sung khác.
Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, Bộ Công Thương đề nghị cử đại diện tham gia Ban soạn thảo và Tổ biên tập Nghị định sửa đổi Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP.
Góp ý về việc sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam nhấn mạnh “Chi phí kinh doanh là điểm nghẽn mấu chốt” của thị trường thời điểm qua, do đó, để ổn định được thị trường xăng dầu thì cần thiết phải sửa đổi đúng và đủ vấn đề này.
Ông Bảo phân tích, hiện nay chúng ta đang bị lẫn lộn, hiểu chưa đúng các loại chi phí.
Theo ông, trong cấu trúc của Nghị định 95/2021/NĐ-CP, công thức giá cơ sở có hai phần, gồm công thức nhập trong nước và công thức nhập nước ngoài. Nguyên lý không có gì khác nhau, nhưng công thức nhập từ nước ngoài được cộng thêm phụ phí 2-3 USD, trong khi mua hàng trong nước lại không được.
Thực tế, cơ cấu nhập khẩu chỉ chiếm 20-25%, phần còn lại là mua trong nước. Như vậy, điểm vênh này khiến cho phần lớn DN bị tụt vốn, bởi có những phụ phí khi mua hàng trong nước phải gánh khoảng 0,8-1 USD, nhưng phụ phí này không được đưa vào công thức tính giá.
Còn với chi phí lưu thông, vẫn giữ mức 1.350 đồng/lít áp dụng từ năm 2014, theo ông Bảo, cũng cần phải điều chỉnh khi hiện nay còn rất nhiều loại chi phí khác mà doanh nghiệp phải chi như: Hải quan yêu cầu các đầu mối nhập khẩu tự động kết nối; thuế cũng yêu cầu lắp VAT để trả từng hóa đơn bán lẻ cho người tiêu dùng; rồi đòi hỏi của quá trình chuyển đổi số, thanh toán không tiền mặt…
“Tất cả đều phải có chi phí và chi phí rất lớn, vậy nguồn này ở đâu? Đây cũng là lý do các doanh nghiệp đã liên tục kiến nghị các cơ quan chức năng cần có giải pháp”, ông Bảo đặt vấn đề.
Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, công thức tính giá đã lỗi thời, cần có những điều chỉnh theo những chi phí phát sinh hiện nay.
“Điều chỉnh cần theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ thực tế hiện nay bao gồm: Premium (là khoản phải trả cho các nhà cung cấp xăng dầu, coi như lợi nhuận của bên bán- PV) của nguồn nhập khẩu và mua trong nước theo đúng tập quán quốc tế; chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về đến cảng Việt Nam; tỷ giá; chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng và toàn bộ chi phí kinh doanh, định mức kinh doanh xăng dầu”, ông Thỏa nói.
Một điểm cần đổi mới khác được nhiều chuyên gia nhấn mạnh khi góp ý sửa Nghị định 95/2021/NĐ-CP là chu kỳ tính giá. Điều này được nhận định sẽ giải quyết được tính dị biệt của thị trường xăng dầu thời gian qua.
Theo chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, chu kỳ tính giá cần sửa theo hướng rút ngắn từ 10 ngày xuống 5 ngày (Phù hợp với phương thức mua, bán 2-1-2); tránh tính giá thế giới bình quân gồm các ngày nghỉ, lễ, tết,… nhằm để phản ánh sát hơn biến động của giá thế giới, giảm sự “lệch pha” giữa giá trong nước với thị trường thế giới.
“Chỉ có như vậy mới giải quyết việc nhiều đơn vị găm hàng, chờ giá tăng, ảnh hưởng đến việc cung ứng trên thị trường”, ông Thỏa nhấn mạnh.
Đưa thêm giải pháp, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu cho rằng, cần xem xét lại những quy định về điều chỉnh giá.
Ông Bùi Ngọc Bảo cho hay, nhìn lại cơ chế giá hiện nay, và các cơ chế tính giá xăng dầu trong các văn bản trước, thì việc định giá hiện nay khiến giá xăng dầu vừa là giá sàn, vừa là giá trần.
Còn trong Nghị định, DN chỉ được quyền bán buôn nhưng không được vượt giá cơ sở nhà nước đề ra.
Do đó, ông Bảo đề nghị rà soát lại 1 Quyết định và 5 Nghị định liên quan đến xăng dầu.
“Cụ thể, Quyết định 187 (ngày 15/9/2003) về việc ban hành quy chế quản lý xăng dầu. Nhà nước sẽ đưa ra giá định hướng, DN sẽ tự quyết định giá bán trên cơ sở giá định hướng đó. Mức chênh lệch giữa giá bán của DN và giá định hướng của nhà nước không vượt quá mức quy định ngưỡng 10% với xăng và 5% với mặt hàng khác.
Sau đó, năm 2007 đưa ra Nghị định 55. Nghị định này có nhiều chế tài hơn nhưng giá vẫn theo tư tưởng thị trường hóa, cho phép DN điều chỉnh, xăng thả nổi và dầu bù lỗ.
Đến năm 2009, ra Nghị định 84 – đây là Nghị định tính toán kỹ và tương đối tiên tiến, đã đưa ra giá định hướng, DN được quyền tăng, giảm từ 7-13% và được quyền quyết định 60%, còn lại lấy từ Quỹ bình ổn.
Tuy nhiên, đến năm 2014 bắt đầu ra Nghị định 83/2014/NĐ-CP. Nghị định này coi như áp giá cứng, DN không được quyền quyết định. Vô hình chung, xuyên suốt thị trường giai đoạn này là giá bình ổn. Còn ở Nghị định 95/2021/NĐ-CP, sửa đổi một số điều của Nghị định 83/2014/NĐ-CP cũng tương tự”, ông Bùi Ngọc Bảo phân tích.
Do đó, vị này kiến nghị nên rà soát tất cả chi phí, để đặt ra giá trần, trên cơ sở đó, DN tự điều chỉnh mức giá dưới giá trần.
Ngoài ra, các chuyên gia còn góp ý, sắp xếp lại hệ thống phân phối xăng dầu làm sao để chặt chẽ hơn. Không xẩy ra tình trạng các cây xăng bị “bỏ rơi” thời gian qua.
“Bãi bỏ ngay quy định các thương nhân phân phối được mua xăng dầu từ nhiều thương nhân đầu mối, bởi quy định này luôn xảy ra tình trạng: Không thương nhân đầu mối nào chủ động được lượng hàng cho thương nhân phân phối và thương nhân phân phối dễ bị thương nhân đầu mối “bỏ rơi” khi lượng hàng khan hiếm.
Thay thế quy định trên bằng quy định, một thương nhân phân phối chỉ được mua hàng của hai thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối phải đăng kí, cam kết số lượng mua, đăng ký hệ thống thuộc mình quản lý với thương nhân đầu mối mà mình kí kết”, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa hiến kế.
Những góp ý trên, theo các chuyên gia là để dần đưa xăng dầu trả lại hoạt động kinh doanh tuân thủ theo các nguyên tắc thị trường; thực hiện đa dạng hóa các thành phần kinh tế tham gia; đa dạng hóa các các phương thức kinh doanh, trong đó có các phương thức kinh doanh trong thị trường phái sinh.
Từ đó, xóa bỏ tình trạng bảo hộ bất hợp lý, không bình đẳng giữa các DN (ví dụ về việc bao tiêu sản phẩm) nhằm tạo môi trường DN được tự chủ thực sự trong kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh.
Đồng thời, xóa bỏ việc định giá theo chu kỳ, chuyển theo hướng DN tự định giá, cạnh tranh về giá theo tín hiệu khách quan của thị trường...
Theo đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực của Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội, thực tế với xăng dầu hiện nay rõ ràng nguồn nhập khẩu, nguồn cung đầu vào không thiếu mà "tắc nghẽn" chính là do khâu quản lý. Có rất nhiều biện pháp, công cụ quản lý hiện nay đều nằm trong tay Bộ Công Thương, vấn đề là Bộ lựa chọn công cụ nào, giải pháp ra sao để tính toán, cho cả trước mắt và lâu dài.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trách nhiệm thiếu xăng dầu là của Bộ Công Thương, bộ có chức năng trong điều phối doanh nghiệp đầu mối, điều phối doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ chưa tốt nên đã dẫn tới tình trạng ngưng bán hàng, bán hàng nhỏ giọt tại nhiều tỉnh, thành phố, kể cả Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Bộ Công Thương có quyền năng phân giao chỉ tiêu nhập khẩu cho các doanh nghiệp đầu mối theo từng tháng, từng tỉnh, từng địa phương căn cứ theo nhu cầu.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương phân, giao không rõ và khẳng định không thiếu nguồn cung nhưng giao chỉ tiêu theo năm, không giao chi tiết hàng về ngày nào, quý nào, địa bàn nào nên thực tế đã xảy ra thiếu hàng từ các doanh nghiệp nhập khẩu đến doanh nghiệp phân phối, bán lẻ… Bên cạnh đó, cơ chế quản lý doanh của Bộ Công Thương chưa rõ ràng.
"Quản lý làm sao để khâu đầu mối, khâu trung gian cũng như bán lẻ tương đối độc lập với nhau, để có thể xác định được ai làm tốt sẽ được hưởng lãi, làm chưa tốt chịu lỗ, thậm chí phá sản. Hiện nay cơ chế quản lý chưa rõ ràng, doanh nghiệp đầu mối lỗ đổ cho trung gian, trung gian lỗ lại đổ cho doanh nghiệp bán lẻ. Trong khi doanh nghiệp bán lẻ làm tốt nhưng doanh nghiệp đầu mối cứ chiết khấu bằng 0 hoặc âm nên dẫn tới hiện tượng thua lỗ, ngưng bán hàng trong thời gian qua”, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nói.
Bộ Công Thương nêu giải pháp chấm dứt tình trạng thiếu xăng dầu
Bộ Công Thương vừa có báo cáo cung cấp một số thông tin về tình hình xăng dầu trong nước tại hội nghị giao ban báo chí ngày 15/11.
Theo bộ này, từ khi diễn ra cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine, thị trường xăng dầu thế giới có diễn biến phức tạp, nguồn cung khan hiếm, giá liên tục tăng, giảm khó lường.
Đặc biệt, thời gian gần đây có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngưng kinh doanh, bán hàng cầm chừng, ảnh hưởng đến việc đáp ứng nhu cầu xăng dầu cho thị trường.
Tiếp tục chỉ ra các nguyên nhân, bộ này cho rằng do những biến động bất thường của thị trường thế giới, gây khủng hoảng về nguồn cung xăng dầu trên toàn thế giới. Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 20-30% lượng xăng dầu thành phẩm và nhập nguyên liệu dầu thô phục vụ hoạt động sản xuất tại các nhà máy lọc dầu, nên các vấn đề của thị trường thế giới đã ảnh hưởng tới biến động của thị trường xăng dầu trong nước.
Trong khi đó, Bộ Công Thương cho hay nhu cầu xăng dầu trong nước tăng khá cao so với dự kiến do sự phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19, cao hơn dự báo khiến nhu cầu tiêu dùng mặt hàng xăng, dầu tăng cao, trong bối cảnh nguồn cung chưa tăng tương ứng.
Thêm nữa, nguồn sản xuất từ hai nhà máy lọc dầu trong nước 10 tháng đầu năm 2022 chưa đảm bảo theo kế hoạch năm đặt ra. Dẫn tới còn thiếu 170.000 m3/tấn xăng, dầu các loại (nguồn trong nước sản xuất là 9,7 triệu m3/tấn, trong khi kế hoạch đăng ký 10 tháng đầu năm là 9,87 triệu m3/tấn).
Bộ này cũng cho rằng do giá xăng dầu thế giới biến động phức tạp và khác thường, trong 10 tháng đầu năm 2022 đã tăng 37 - 85% so với cùng kỳ năm 2021. Thực tế này khiến cho doanh nghiệp xăng dầu bị thua lỗ do đã nhập khẩu khối lượng xăng dầu tương đối lớn với giá cao, nên đã thu hẹp hoạt động kinh doanh, nhập khẩu cầm chừng, cắt giảm các chi phí nên cắt giảm mạnh ở khâu bán hàng, gián đoạn việc bán hàng.
Ngoài ra là các lý do khác như tỉ giá USD/VND tăng cao dẫn đến chi phi kinh doanh xăng dầu tăng theo làm cho hoạt động kinh doanh xăng dầu càng thêm thua lỗ. Tình hình mưa bão ảnh hưởng đến việc vận chuyển xăng dầu từ các nhà máy sản xuất trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài về kho của doanh nghiệp, làm chậm nguồn cung.
Về nguyên nhân chủ quan, bộ này cho rằng nhiều chi phí kinh doanh xăng dầu thực tế tăng liên quan, nhưng chưa được rà soát, điều chỉnh tăng và tính đúng, tính đủ. Giá xăng dầu tăng, tỉ giá USD/VND tăng nên nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn, khó tiếp cận nguồn ngoại tệ, nguồn tín dụng, nên chỉ duy trì nhập hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối trực thuộc doanh nghiệp và duy trì lượng hàng dự trữ tồn kho theo quy định.
Một số doanh nghiệp đầu mối khu vực phía Nam bị tước giấy phép do vi phạm hành chính nên ảnh hưởng tới nguồn cung, một số doanh nghiệp đầu mối bị Tổng cục Hải quan ngừng thông quan mặt hàng xăng dầu do không đáp ứng điều kiện về việc kết nối dữ liệu điện tử.
Dự báo thời gian tới tình hình thế giới còn phức tạp, khó lường, nguồn cung xăng dầu sẽ còn tiếp tục khó khăn, do đó Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung vào các giải pháp đã được Thủ tướng chỉ đạo tại công điện mới đây.
Theo đó, bộ sẽ tập trung chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước, bảo đảm không để thiếu hụt xăng dầu, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội, tăng cường kiểm tra, giám sát việc bảo đảm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu.
Rà soát sửa đổi nghị định 95/2021/NĐ-CP và nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Định kỳ trước ngày 20 hằng tháng rà soát, tổng hợp, thống kê các chi phí, xem xét điều chỉnh, bảo đảm sát với thực tiễn và thực hiện ngay để phục vụ kỳ điều hành giá ngày 21/11.
Đồng thời chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam chỉ đạo Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn có phương án phân phối xăng dầu hợp lý, ưu tiên nhu cầu mua hàng của doanh nghiệp đã và đang nhập khẩu xăng dầu để hỗ trợ bù đắp chi phí.
T.M (tổng hợp)