Bắt nhiều chủ đại lý cấp 2 của đường dây đánh bạc Phan Sào Nam
Nhiều chủ đại lý cấp 2 nằm trong đường dây đánh bạc nghìn tỉ thông qua hệ thống game bài đổi thưởng Rikvip/Tip.club của Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và đồng phạm vừa bị công an bắt giữ.
Ngày 10-5, Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết vừa thi hành lệnh bắt tạm giam đối với bị can Lê Thanh An (75 tuổi, trú huyện Phú Lương, Thái Nguyên), Hoàng Xuân Khánh (33 tuổi, trú huyện Định Hóa, Thái Nguyên) về tội tổ chức đánh bạc.
Ngoài ra, công an cũng thi hành lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Dương Văn Hậu (27 tuổi, trú tại TP Sông Công, Thái Nguyên) và đang truy bắt bị can Nguyễn Hoàng Đạt (27 tuổi, trú tại TP Phổ Yên) hiện bỏ trốn về hành vi trên.
Theo điều tra, trong giai đoạn năm 2015 - 2017, các bị can trên đã liên hệ, trao đổi, thống nhất với các đại lý cấp 1 của hệ thống game bài đổi thưởng Rikvip/Tip.club để nhận làm đại lý cấp 2.
Những người này tự quảng bá đại lý, tiến hành mua bán Rik - là tiền ảo - trên hệ thống đánh bạc cho hàng trăm tài khoản đánh bạc, hưởng phần trăm chênh lệch. Số tiền giao dịch qua các đại lý này ước tính 22 tỉ đồng, các chủ đại lý thu lời bất chính khoảng 400 triệu đồng.
Tại giai đoạn 1 của vụ án, cơ quan tố tụng xác định, dưới sự bao che của ông Phan Văn Vĩnh khi đương chức tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và Nguyễn Thanh Hóa - cục trưởng C50, Nguyễn Văn Dương (cựu chủ tịch CNC) và Phan Sào Nam (cựu chủ tịch VTC Online) đã tổ chức, vận hành game đánh bạc trực tuyến Rikvip và Tip.club với hàng nghìn đại lý, thu hút hơn 43 triệu tài khoản, thu lời bất chính hơn 10.000 tỉ đồng.
Trong 92 bị cáo, Phan Văn Vĩnh bị tuyên phạt 9 năm tù, Nguyễn Thanh Hóa lãnh 10 năm tù, Nguyễn Văn Dương bị phạt 9 năm tù, Phan Sào Nam lãnh 5 năm tù...
Sau hơn 10 tháng được trả tự do nhờ được giảm án, tha tù trước thời hạn, Phan Sào Nam phải quay lại nhà giam vào ngày 23-12-2021 để thi hành nốt bản án hình sự của TAND tỉnh Phú Thọ về tội tổ chức đánh bạc.
Những người liên quan vụ giảm án cho 'trùm' cờ bạc Phan Sào Nam đã bị xử lý kỷ luật nhưng hậu quả của 'tình huống pháp lý hiếm khi xảy ra trong lịch sử tố tụng', như Viện kiểm sát (VKS) cấp cao kháng nghị, đến nay vẫn chưa được giải quyết.