Bát nháo livestream trên TikTok với những điều vô bổ, độc hại: Người xem cần tỉnh táo loại bỏ
Livestream trên TikTok đang là một mảnh đất "màu mỡ" cho những trò bát nháo, vô bổ và thậm chí là dung tục sinh sôi.
Tại sao mọi người đổ xô lên TikTok livestream?
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của TikTok, tính năng livestream ở nền tảng này cũng nở rộ. Thực tế cho thấy, không chỉ TikTok mà Facebook, YouTube, Instagram hay các nền tảng MXH khác đều có tính năng phát trực tiếp. Và thậm chí, tính năng này đã ra đời từ khá lâu và trở nên quen thuộc với đại đa số người dùng mạng.
Tuy nhiên đến khi có mặt trên TikTok - nền tảng tập trung nhiều Gen Z nhất hiện nay, phát trực tiếp lại được chú ý theo một cách khác. Bên cạnh những nội dung tích cực, cũng có không ít người dùng nền tảng này để phát trực tiếp những điều vô bổ, thậm chí là tiêu cực không nên học theo và tần suất của những buổi trực tiếp âm điểm chất lượng này ngày càng dày đặc.
Theo Marketingtrips, 60% người dùng TikTok là Gen Z (những người sinh năm 1997 - 2012) - nhóm đối tượng dành nhiều thời gian cho MXH. Họ cũng là nhóm người dùng chưa có suy nghĩ thấu đáo, dễ bắt chước theo điều chưa tốt và dễ lan truyền những trào lưu nhảm nhí, những nội dung độc hại.
Lợi nhuận kiếm được từ livestream của các TikToker nổi tiếng cũng là 1 trong những nguyên nhân khiến nhiều người đổi livesetram trên Facebook sang TikTok.
Một hot TikToker tên N.N từng công khai tiết lộ mình đã chốt gần 2.000 đơn chỉ sau 2 tiếng livestream bán hàng ngắn ngủi trên TikTok. Một TikToker khác tên Đ.V lại có thông tin kiếm 700 triệu/ tháng nhờ livestream TikTok. Những con số này đã khiến một bộ phận người trẻ muốn trở thành idol trên TikTok, không cần học hành sâu rộng, chỉ cần lên mạng để kiếm tiền.
Ngoài việc kiếm tiền, livestream còn thỏa mãn cả người thực hiện lẫn người xem. Chẳng hạn ở hình thức thách đấu PK (PK là viết tắt của Player Killing - tiêu diệt đối thủ), cuộc thách đấu của 2 nhân vật chính kích thích sự hiếu thắng của người chơi lẫn người xem. Với riêng người xem, việc thả like hay tặng quà không đơn thuần chỉ là sự yêu quý mà còn đem lại cảm giác quyền lực, được điều khiển người khác theo ý mình. Với người livestream, chịu khó đáp ứng vài yêu cầu để nhận quà và điểm thưởng cũng là 1 cách kiếm tiền.
Loạn trào nội dung vô nghĩa
Không kiểm soát, bát nháo, loạn trào nội dung vô nghĩa, bất chấp để câu tương tác... là những cụm từ dùng để miêu tả thực tế những gì đã diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên nền tảng phát trực tiếp của TikTok.
Hiện tại những nội dung vô bổ thường xuất hiện ở 3 nhóm chính: Thách đấu, bán hàng và livestream cho vui.
Vậy họ làm gì mà gọi là vô bổ?
500 lần bốc bùn vã vào mặt
Trong tính năng thách đấu, nhân vật chính đọ xem ai được nhiều lượt thích, quà tặng từ fan hơn. Những món quà này sẽ được quy thành điểm, vật phẩm. Giá trị càng cao, số điểm càng cao. Các vật phẩm này được quy ngược thành tiền và chuyển cho TikToker.
Với cơ chế này, thách đấutừ nơi giao lưu vui vẻ biến tướng thành chỗ kiếm tiền bất chấp. Người tham gia thường ra sức kêu gọi mọi người "thả tim" để cứu mình hoặc làm những hành động quái gở để hút tương tác. Ngoài ra trong quá trình phát sóng trận thách đấu, việc chửi thề, nói chuyện tục tĩu, bậy bạ của người dùng không hề phải chịu bất cứ sự kiểm soát hay kiểm duyệt nào từ phía nhà cung cấp nền tảng.
Đỉnh điểm của nội dung thách đấu nhảm nhí có thể kể đến buổi thách đấu của 2 thanh niên có tên D.S và H.P mới đây.
"Mọi người cứu em phen này với", "Em thua rồi kìa mọi người ơi", "Em không muốn ăn bùn đâu", "Cứu em",... Xen lẫn trong đó là tiếng cảm ơn: "Cảm ơn đã tặng quà cho em", "Cảm ơn đã giúp em",...
Lăn ra ngủ trong tư thế kém duyên để... bán hàng
Livestream bán hàng không còn xa lạ và cũng không có gì phản cảm cho đến lúc việc phát sóng trực tiếp trở thành "sân khấu" của những trò lố để giữ chân người xem hoặc đánh vào lòng thương hại của nhiều người.
Trường hợp dưới đây là 1 ví dụ.
Một thanh niên nọ nằm ngủ trong tư thế khá kém duyên để gây tò mò cho người xem và chốt được không ít đơn hàng với tấm biển để bên cạnh: "Em không biết live nên xả giày chỉ từ 1k tại giỏ hàng" .
"Em chạy xe ôm công nghệ mà không đủ sinh hoạt cho gia đình nhỏ nên em tranh thủ thời gian buổi tổi làm TikTok live kiếm thêm thu nhập cho gia đình và chăm lo cho 2 cháu. Rất mong được sự ủng hộ của mọi người. Em xin chân thành cảm ơn. Giỏ hàng ở bên dưới, mọi người mua giúp em ạ"
Hay ví dụ gần hơn là việc 1 cụm từ dung tục được hô vang khi Erik biểu diễn tại Chung kết Hoa hậu Thể thao 2022 cũng bắt nguồn từ livestream bán hàng của hot TikToker P. Sau khi sự việc diễn ra, cả Erik lẫn P. đều phải lên tiếng xin lỗi dù đây không phải hành động có chủ đích của họ. Tuy nhiên dân tình vẫn rất bất bình, khẳng định đây là trào lưu khó chấp nhận ở một sự kiện lên truyền hình như vậy.
Chưa kể, các chủ cửa hàng kem trộn - mỹ phẩm không rõ nguồn gốc cũng đổ xô lên TikTok phát sóng trực tiếp cảnh đang khuấy kem. Toàn bộ quá trình sản xuất, người phụ nữ không có bất cứ dụng cụ bảo hộ nào, không đeo bao tay, không dùng khẩu trang.
Khoe thân phản cảm
Không bán hàng cũng không có mục đích kiếm tiền, một số người lên phát sóng trực tiếp chỉ để thoả mãn khao khát được nhiều người biết đến mình, được nổi tiếng, được gọi là thần tượng. Hoặc chỉ đơn giản là rảnh quá nên... livestream.
Một số nội dung "vô nghĩa" có thể bắt gặp trong nhóm này có thể kể đến là phát sóng cảnh ăn uống, ngủ nghỉ, đi chơi của một người bình thường đến chuyện 2 "giang hồ mạng" nói đạo lý đều được tung hê lên. Hoặc nhức mắt hơn nữa, khi không nghĩ ra được nội dung livestream thu hút, nhiều người chuyển sang phát sóng trực tiếp cảnh nhạy cảm, khoe thân,...
Cách đây không lâu tài khoản TikTok của 1 cặp đôi tuổi trung niên cũng gây phẫn nộ khi liên tục livestream ghi lại những hành động và âm thanh "đáng ngờ", khiến người xem liên tưởng đến cảnh 18+. Nếu chẳng may lướt trúng nội dung quá trớn như vậy, người trưởng thành có thể bình tĩnh bỏ qua, báo cáo lên nền tảng nhưng với người dùng là trẻ em ở độ tuổi dậy thì hoặc tò mò, chuyện gì sẽ xảy ra đây?
Tạm kết
Thời gian vừa qua, dư luận đã liên tiếp bày tỏ sự bức xúc với những trò lố trên TikTok như trào lưu quay clip nhảy nhót giữa sân bay, tự ý ngồi trên băng chuyền hành lý hay thử đi chợ với 5.000 đồng để xem phản ứng của người bán,... Và hiện tượng bát nháo trên livestream là 1 mảnh ghép trong bức tranh hỗn loạn này.
Đáng quan ngại hơn, những hoạt động trên TikTok không dừng lại trong không gian internet mà còn có tác động mạnh mẽ ở ngoài đời, trong đó có các quán xá và địa điểm được các TikToker đến trải nghiệm. Ví dụ điển hình chính là vụ ồn ào giữa chủ quán chè và TikToker gần đây . Vậy người trẻ có phản ứng thế nào với ồn ào này? Cùng chờ xem!
Cảm giác chẳng may lướt trúng livestream độc hại trên TikTok
"Thú thực là ban đầu mình không hiểu tại sao người ta phải làm vậy nhưng khi xem kỹ thì thấy người livestream được tặng quà gì đó. À, hóa ra là lên mạng làm này làm kia để kiếm tiền. Chuyện này đã quá quen thuộc trên mạng rồi nên mình lướt qua" - H.A (28 tuổi, nhân viên văn phòng).
"Nếu gặp thì mình sẽ chặn ngay và luôn. Một phần vì mình ghét những nội dung này và phần quan trọng hơn là nhà có con nhỏ, thỉnh thoảng các bạn ấy cũng hay nghịch điện thoại bố mẹ nên phải cẩn thận. Mình không muốn con xem như vậy và có thể học theo" - M.T (30 tuổi, nội trợ).
"Mình thấy livestream như vậy cũng vui, coi giải trí. Gặp ai mà mình yêu quý thì vẫn tặng quà như bình thường. Mỗi người một việc, mỗi người một sở thích nên ai không thích thì lướt qua đi" - L.A (25 tuổi, lái xe).
Kinh nghiệm xem livestream TikTok lành mạnh
Giống như các nội dung khác, livestream trên TikTok không chỉ có những trò nhảm nhí, độc hại hay vô bổ mà thay vào đó còn có rất nhiều điều dễ thương và có ích. Chẳng hạn một số TikToker có kinh nghiệm về ngôn ngữ tổ chức dạy ngoại ngữ miễn phí, một số YouTuber khám phá kiêm TikToker chia sẻ những trải nghiệm của mình trong những chuyến đi,...
Đây là kinh nghiệm để được xem livestream lành mạnh và hữu ích, bạn có thể áp dụng những cách như sau:
- Theo dõi những TikToker mà mình yêu quý để nhận thông báo mỗi khi người đó livestream.
- Báo cáo lên nền tảng khi gặp những livestream mà bạn cảm thấy độc hại, ảnh hưởng đến cộng đồng.
- TikTok có cơ chế đề xuất video/ livestream, khi bạn liên tục bỏ qua 1 nội dung thì nội dung đó sẽ ít xuất hiện hơn và ngược lại.