Bất ngờ với khảo sát học sinh nhiều trường thích học lịch sử hơn địa lý, hóa học...
Kết quả khảo sát với học sinh lớp 9 của một số trường tại Hà Nội về lựa chọn môn học lớp 10 hé lộ nhiều bất ngờ, trong đó đáng nói nhất là môn lịch sử.
Nhiều trường THPT đã phát huy quyền tự quyết khi xây dựng các tổ hợp môn.
Môn sử không hiu hắt
Trường THCS&THPT Marie Curie (Hà Nội) là một trong các trường tư có lợi thế vì có cả hai cấp học. Do vậy, việc khảo sát nhu cầu chọn môn đối với học sinh lớp 9 có ý nghĩa quan trọng cho việc xây dựng tổ hợp môn học lớp 10.
Theo thầy hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang, việc khảo sát được trường chủ động làm sớm. Kết quả khảo sát cho thấy lựa chọn không quá chênh lệch giữa các môn học trong nhóm môn học lựa chọn. Bất ngờ nhất là trong 401 học sinh lớp 9 được khảo sát, có tới 52,4% lựa chọn môn lịch sử.
Tỉ lệ chọn các môn khác, xếp thứ tự từ cao xuống thấp, là tin học 71,1%, kinh tế và pháp luật 69,8%, sinh học 65,6%, âm nhạc (phân môn trong môn nghệ thuật) 59,1%, công nghệ 48,1%, địa lý 47,4%, vật lý 44,4%, hóa học 27,2% và mỹ thuật (phân môn trong môn nghệ thuật) 13%.
"Học sinh chọn môn theo hai xu thế. Một là chọn đúng theo định hướng lĩnh vực sẽ học đại học và nghề nghiệp sau này. Hai là chọn những môn mà học sinh thấy dễ, học nhẹ nhàng.
Trường hợp thứ 2 ứng với những học sinh được bố mẹ định hướng đi du học từ sớm, hoặc những học sinh xác định chỉ đầu tư nhiều cho các môn học bắt buộc: toán, ngữ văn, ngoại ngữ.
Riêng môn lịch sử, địa lý, kinh tế và pháp luật có tỉ lệ tương đối cao cho thấy số học sinh lựa chọn các môn khoa học xã hội là hướng chính trong nhóm môn lựa chọn chiếm tỉ lệ cao" - thầy Nguyễn Xuân Khang nhận xét.
Bên cạnh bất ngờ với môn lịch sử, môn nghệ thuật cũng được học sinh lớp 9 Trường Marie Curie chọn khá nhiều. Nhưng theo phân tích của thầy Khang, đa số học sinh chọn vì nghĩ "nhẹ nhàng", một số ít có thể có thiên hướng nghệ thuật.
Một khảo sát ở Trường THCS&THPT Lomonoxop (Hà Nội), trong 429 học sinh lớp 9 thì có 204 chọn môn lịch sử, chiếm tỉ lệ 47,55%; 160 học sinh chọn địa lý, chiếm 37,2%; 339 học sinh chọn kinh tế và pháp luật, chiếm 79%; 260 học sinh chọn vật lý, chiếm 60,6%; 191 học sinh chọn hóa học, chiếm 44,5%; 146 học sinh chọn sinh học, chiếm 34%; 189 học sinh chọn công nghệ, chiếm 44%; 326 học sinh chọn tin học, chiếm 75,9%; 248 học sinh chọn nghệ thuật, chiếm 57,8%.
Theo thầy Nguyễn Quang Tùng, hiệu trưởng Trường THCS&THPT Lomonoxop, những môn tưởng có tỉ lệ chọn thấp thì kết quả lại tương đối cao, cụ thể là lịch sử và nghệ thuật.
Thầy Nguyễn Văn Hòa, chủ tịch hội đồng quản trị hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cho hay không có sự chênh lệch lớn trong việc lựa chọn giữa nhóm môn học khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
Trong đó, các môn lịch sử, kinh tế và pháp luật có tỉ lệ lựa chọn tương đương với nhiều môn khác như địa lý, vật lý, sinh học...
Một tham chiếu khác mà các trường THPT dựa vào để xây dựng các tổ hợp môn học lớp 10 sắp tới là lựa chọn hướng khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên theo "truyền thống" địa phương hoặc lựa chọn bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên, khoa học xã hội thi tốt nghiệp THPT hằng năm.
Chủ động với "môn bắt buộc thứ 8"
Thầy Nguyễn Xuân Khang cho biết, theo kết quả khảo sát của trường, học sinh mong muốn chọn tin học chiếm tỉ lệ cao. Đây cũng là môn học công cụ quan trọng nên trong các tổ hợp môn học lớp 10 của trường sắp tới đều có môn tin học.
"Với trường tôi, môn tin học giống như môn học bắt buộc thứ 8, bên cạnh 7 môn học bắt buộc mà Bộ GD-ĐT quy định. Nó có trong 6 tổ hợp môn học lựa chọn mà trường xây dựng" - ông Khang nói.
Tương tự, cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), cũng cho biết tin học được xem như môn học bắt buộc thứ 8.
"Tin học là môn học trường có nhiều thế mạnh, cũng là môn học công cụ cần thiết cho học sinh trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ. Vì thế trong 6 tổ hợp trường xây dựng đều có môn tin học. Có thể xem đó là môn học bắt buộc đối với học sinh Trường THPT Yên Hòa" - cô Nhiếp cho hay.
Xu thế chia hai hướng chính gồm khoa học tự nhiên và khoa học xã hội là cách làm phổ biến của nhiều trường THPT hiện nay khi xây dựng tổ hợp môn học lớp 10.
Theo đó, lấy 3 môn của nhóm khoa học xã hội hoặc khoa học tự nhiên làm lõi, kết hợp thêm 1 trong 3 môn/nhóm của các nhóm còn lại là cách bố trí mà các trường cho rằng phù hợp cả với điều kiện hiện có và nhu cầu học sinh.
Theo cách bố trí này, những môn học mà dư luận lo ngại ít học sinh chọn vẫn ổn. Cụ thể môn lịch sử sẽ vẫn có mặt ở 4/6 tổ hợp môn học. Một số trường thay vì đặt môn tin học là "môn bắt buộc thứ 8" thì xếp lịch sử vào tất cả các tổ hợp môn.
Thiếu giáo viên
Môn nghệ thuật có khá nhiều lựa chọn khi khảo sát nhu cầu của học sinh lớp 9, nhưng nhiều trường cho biết chưa thực hiện được vì thiếu giáo viên. Thầy Nguyễn Xuân Khang dẫn kết quả khảo sát cho thấy 59% và 13% học sinh lớp 9 của trường lựa chọn môn âm nhạc và nghệ thuật.
Để đạt mục đích giáo dục hướng nghiệp ở THPT, yêu cầu với giáo viên nghệ thuật phải cao, khác hẳn với dạy phổ cập ở cấp học dưới. "Không riêng trường tôi, chắc năm tới chưa có nhiều trường dám làm" - thầy Khang nói.
Môn học quan trọng
Nhiều ý kiến cho rằng không nên bắt tất cả học sinh học chuyên sâu lịch sử trong khi định hướng nghề nghiệp của học sinh đi theo lối khác. Vì việc giáo dục lịch sử mang tính phổ cập đã được thực hiện ở 9 năm học trước.
Nhưng một số hiệu trưởng cho rằng, so với các môn học trong nhóm lựa chọn, lịch sử vẫn là môn học quan trọng.
Môn sử: 'Điều chỉnh dạy chứ không được bỏ' Nếu không có sự thay đổi căn cơ thì cho dù môn sử tiếp tục là môn học bắt buộc, học trò vẫn không yêu thích môn học này.