Bất ngờ USD lao dốc trong khi vàng, chứng khoán và cả tài sản rủi ro đồng loạt tăng vọt sau khi Fed nâng lãi suất

Chia sẻ Facebook
29/07/2022 13:51:13

USD giảm sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản như thị trường đã dự đoán với lời bình luận của Chủ tịch Jerome Powell khiến thị trường gia tăng hy vọng về việc Fed sẽ không cần phải tăng tốc độ nâng lãi suất thêm nữa.

Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc phiên 27/7 giảm 0,756% xuống 106,310, trong đó đồng euro tăng 0,97% lên 1,0212 USD. Đây là phiên mà đồng bạc xanh giảm giá nhiều nhất kể từ ngày 19 tháng 7. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 0,05 điểm phần trăm, tương đương 2,73%.

Trái lại, chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI tăng 1,71% trong phiên này, với chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 436,05 điểm, tương đương 1,37%, lên 32.197,59, S&P 500 tăng 102,56 điểm, tương đương 2,62%, lên 4.023,61 và Nasdaq Composite tăng 469,85 điểm, tương đương 4,06%, lên 12.032,42 điểm.

Tương tự, giá vàng tăng hơn 1%. Đặc biệt, tiền điện tử tăng giá mạnh, với Bitcoin tăng gần 10% trong khi ether tăng 17%.

Ngân hàng trung ương Mỹ vừa quyết định tăng lãi suất thêm 3/4 điểm phần trăm lần thứ 2 liên tiếp trong nỗ lực nhằm kiềm chế lạm phát, nhưng cho biết thị trường lao động Mỹ vẫn mạnh trong khi các chỉ số kinh tế khác đã giảm bớt.

"Đây rõ ràng là thông điệp chính sách ‘diều hâu’, nhưng phù hợp với những gì họ (Fed) đã nói trong mấy cuộc họp gần đây – họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất – với tính toán rằng nền kinh tế sẽ chậm lại một chút", Marvin Loh, chiến lược gia cấp cao về thị trường toàn cầu của State Street, trụ sở ở Boston, cho biết.

Theo ông Loh: "Về mặt lý thuyết, đồng đô la sẽ mạnh hơn trong một môi trường mà Fed ‘diều hâu’, nhưng việc Fed đang làm những điều đúng như dự đoán. Chúng ta đã thấy đồng USD trong tháng này đã biến động rất mạnh."

Đồng bạc xanh ban đầu tăng lên sau tuyên bố của Fed về việc nâng lãi suất thêm 75 điểm phần trăm một lần nữa, nhưng nhanh chóng đảo chiều và suy yếu cùng với lợi suất trái phiếu kho bạc về cuối phiên, trong khi chứng khoán Mỹ tăng điểm bởi các nhà đầu tư coi những bình luận của Chủ tịch Fed Jerome Powell sau tuyên bố chính sách là ôn hòa.

George Bory, trưởng chiến lược gia đầu tư về thu nhập cố định của Allspring Global Investments, cho biết: "Thị trường bắt đầu hy vọng về tốc độ tăng lãi suất chậm lại trong thời gian tới đã đẩy lợi tức trái phiếu giảm xuống, chênh lệch tín dụng thắt chặt hơn và giá cổ phiếu tăng lên". "Bất chấp việc giá các tài sản rủi ro cao bắt đầu ‘bùng nổ’, phần lớn mọi thứ vẫn phụ thuộc vào lạm phát và khả năng của Fed có thể đưa 'lạm phát trở lại mục tiêu 2%'."

Theo CME's Fedwatch Tool , kỳ vọng Fed tăng lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 9 tới đã tăng lên 60,9%, tăng mạnh so với 50,7% hôm thứ Ba (26/7 – ngay trước ngày Fed tăng lãi suất), trong khi tỷ lệ dự đoán Fed tăng 75 điểm cơ bản giảm từ từ 41,2% xuống 35,2%.

Trong thời gian qua, việc thị trường đặt cược vào việc Fed sẽ tăng lãi suất mạnh mẽ đã giúp đẩy chỉ Dollar index tăng lên mức cao nhất trong vòng 2 thập kỷ vào đầu tháng 7/2022, là 109,29, nhưng gần đây đã giảm xuống do dữ liệu kinh tế cho thấy khả năng suy thoái của nền kinh tế Mỹ.

Nhưng những dữ liệu công bố hôm thứ Tư (27/7) cho thấy thâm hụt thương mại của Mỹ đã thu hẹp mạnh trong tháng 6 do xuất khẩu tăng vọt, trong khi đơn đặt hàng đối với hàng hóa phi quốc phòng, không bao gồm máy bay, được coi là đại diện cho các kế hoạch chi tiêu kinh doanh, đã tăng 0,5% trong tháng 6. Những thông tin đó có khả năng xoa dịu những lo ngại về nền kinh tế số một thế giới.

Đồng euro đã lấy lại gần như toàn bộ mức giảm của phiên trước – phiên mà euro giảm giá mạnh nhất trong vòng 2 tuần, nhưng lo ngại về suy thoái kinh tế ở châu Âu vẫn ở mức cao khi Nga tiếp tục giảm nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua đường ống Nord Stream 1.

Các nhà phân tích của JPMorgan cho biết cuộc khủng hoảng khí đốt, cùng với những bất ổn chính trị ở Ý, sẽ đẩy khu vực này vào một cuộc suy thoái nhẹ vào đầu năm tới và hạn chế con đường tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Đồng yên Nhật kết thúc phiên vừa qua tăng 0,26% so với đồng bạc xanh lên 136,58 JPY/USD, trong khi bảng Anh cũng tăng 1,25% lên 1,2175 USD.

Hầu hết các đồng tiền châu Á suy yếu trong phiên vừa qua bởi châu Á đóng cửa giao dịch trước khi Fed quyết định tăng lãi suất.

Đồng won của Hàn Quốc, đồng tiền của thị trường mới nổi hoạt động kém nhất châu Á trong năm nay, giảm thêm 0,4%, sau khi đã giảm ở phiên liền trước. Tuy nhiên, hai quan chức hàng đầu của Hàn Quốc đã từ chối xác nhận sự sụt giảm gần đây của đồng won xuống mức thấp nhất trong 13 năm trong một sự thay đổi quan điểm tinh tế trong bối cảnh ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy nước này được hưởng lợi từ đồng nội tệ yếu đi và giá nguyên liệu thô toàn cầu giảm. Họ bác bỏ đề xuất của một số nhà lập pháp rằng cần có các biện pháp tích cực hơn để hỗ trợ đồng won, ngay cả khi một thành viên hội đồng quản trị của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc khẳng định rằng ngân hàng trung ương cần giữ lập trường tăng lãi suất trong thời điểm hiện tại.

Các đồng tiền peso của Philippines, Rupiah của Indonesia và đồng Bạt Thái Lan giảm từ 0,2% đến 0,6%.

Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng giảm giá trong phiên 27/7 trong bối cảnh nhu cầu tín dụng yếu khiến lãi suất liên ngân hàng của nước này giảm xuống khi mà thị trường vẫn chưa hết lo lắng về lĩnh vực bất động sản.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đặt tỷ giá tham chiếu cho nhân dân tệ trong ngày 27/7 là 6,7731 CNY/USD, giảm so với 6,7483 CNY ở phiên trước đó. Trên thị trường giao ngay, CNY kết thúc ngày giảm 12 pip xuống 6,7661 CNY.

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đang suy yếu hướng về "mức 6,77 do lo ngại diễn biến trên thị trường bất động sản có thể xấu đi và tình trạng dư thừa thanh khoản", Ken Cheung, trưởng chiến lược gia ngoại hối châu Á tại Mizuho Bank, cho biết.

Các tiền điện tử tăng giá sau khi Fed tăng lãi suất đúng như dự kiến, với Bitcoin có lúc tăng mạnh hơn 10%, kết thúc phiên 27/7 theo giờ Mỹ vẫn tăng 8,65% lên 22.792,02 USD, trong khi Ether tăng 16,8% lên 1.601 USD.

Diễn biến đồng Bitcoin trong 24 giờ qua

Giá vàng cũng tăng hơn 1% do USD yếu đi và lợi suất trái phiếu Mỹ giảm. Vàng giao ngay trên sàn New York kết thúc phiên tăng hơn 1% lên 1.735,49 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 8 trên thị trường London tăng 0,1% lên 1.719,1 USD.

David Meger, giám đốc kinh doanh kim loại của High Ridge Futures, cho biết: "Nếu thị trường bây giờ tin rằng lãi suất có thể không tăng cao (và) nhanh như vậy thì đó là một môi trường tương đối tích cực cho thị trường vàng và là lý do tại sao chúng ta đang thấy một động thái tích cực (trên thị trường vàng) sau cuộc họp của Fed".

Sự thoái lui của đồng đô la đã củng cố sức hấp dẫn của vàng đối với những người mua ở nước ngoài.

Song nhà phân tích Suki Cooper của Standard Chartered cho biết: "Tuy nhiên, rủi ro đối với giá vàng có vẻ nghiêng theo chiều hướng giảm khi thị trường tiếp tục thu tín hiệu từ USD trong bối cảnh nhu cầu chậm lại theo mùa do giá thị trường kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 9". Việc tăng lãi suất để chống lại lạm phát tăng cao có xu hướng làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi, vốn không mang lại lãi suất.


Tham khảo: Refinitiv, Coindesk

Chia sẻ Facebook