Bất ngờ lời khai của quản lý người Trung Quốc ở công ty cho vay qua app

Chia sẻ Facebook
10/08/2022 19:35:56

3 bị cáo và những nhân viên nhắc nợ của công ty cho vay nặng lãi này khai rằng chỉ sử dụng "những lời nói lịch sự" khi gọi nhắc nợ.

Ngày 10-8, TAND TP HCM mở phiên tòa xét xử vụ án cho vay lãi nặng đối với các bị cáo Wu Ru Xi (SN 1989), Yong Lan (SN 1998) và Lin Xin (SN 1993; cùng quốc tịch Trung Quốc).

Theo cáo trạng, từ năm 2018, Yang Bao Jun và Ma Teng (quốc tịch Trung Quốc, chưa rõ lai lịch) tổ chức cho vay tiền qua các app: "Xetiennhanh", "Vay24", "365Vay".

Đến tháng 3-2019, Yang Bao Jun và Ma Teng thành lập 3 công ty là Công ty Code Rock, Công ty In Spring, Công ty Florence và thuê người Việt Nam đứng giấy phép kinh doanh.

Mặc dù công ty không có chức năng cho vay tài chính nhưng Yang Bao Jun và Ma Teng đã tổ chức cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự thông qua các app trên.

Cụ thể, các app được quảng cáo trên mạng xã hội để người có nhu cầu vay tiền tự liên lạc. Khách hàng có nhu cầu vay tiền phải tải 1 trong 3 ứng dụng "Xetiennhanh", "Vay24" hoặc "365Vay" về máy.

Ứng dụng sẽ yêu cầu người vay tạo tài khoản bằng cách cung cấp các thông tin cá nhân (hình ảnh, số CMND, tài khoản…) và chọn vào mục "Đồng ý" cho phép ứng dụng truy cập danh bạ trên điện thoại di động. Sau khi hoàn tất việc tạo tài khoản, ứng dụng tự động báo về hệ thống của 3 công ty trên.

Các ứng dụng trên cho vay số tiền từ 2 triệu- 6 triệu đồng. Thời hạn vay ngắn từ 7-15 ngày. Nếu vay số tiền 2 triệu đồng thì người vay chỉ thực nhận 1,2- 1,3 triệu đồng vì bị trừ trước tiền lãi từ 700.000 đồng – 800.000 đồng. Khi hết hạn vay tiền mà người vay chưa tất toán sẽ bị đóng phạt mức 3% trên tổng số tiền vay.

Các đối tượng người Trung Quốc đã mở nhiều tài khoản tại nhiều ngân hàng để chuyển tiền cho người vay và nhận tiền do người vay chuyển vào. Tại thời điểm bị phát hiện, họ đã thu lợi bất chính với tổng số tiền là hơn 73,8 triệu đồng.

Yang Bao Jun và Ma Teng đã thuê Wu Ru Xi, Yong Lan, Lin Xin vào làm tại các công ty trên với nhiệm vụ quản lý nhân viên thẩm định thông tin khách hàng vay tiền, chăm sóc khách hàng, nhắc nợ, kế toán, nhân sự, thu hồi nợ và phiên dịch.

Trong phần xét hỏi tại toà, các bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Các bị cáo phân bua không biết về số tiền người vay thực nhận và mức lãi suất người vay phải trả.

Chủ toạ phiên toà cho biết tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự của Việt Nam quy định mức lãi suất cao nhất là 20%/năm. Trên thực tế, các đối tượng người Trung Quốc này đã cho khách vay với lãi suất lên tới 1.310%/năm.

Các bị cáo thừa nhận nhân viên thu hồi nợ của mình có gọi điện thoại cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… của người vay tiền để nhắc nợ nhưng không thừa việc nhân viên dùng lời lẽ đe doạ, chửi bới.

Hồ sơ vụ án thể hiện khi đến gần thời hạn trả nợ, các nhân viên thu hồi nợ trên sẽ gọi điện thoại cho người vay. Nếu người vay không trả, các nhân viên này sẽ gọi cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… của người vay nhằm đe dọa, chửi bới, yêu cầu người vay trả nợ.

Theo lệnh triệu tập của toà án, chỉ 6 nhân viên bộ phận thu hồi nợ có mặt tại toà. Những người này nói rằng chỉ dùng "những lời lẽ lịch sự" khi gọi điện thu hồi nợ. Đồng thời, họ nói rằng không biết công ty cho vay lãi nặng.

HĐXX cho rằng những lời khai trên không có căn cứ. Trên thực tế, các công ty này đã bị một số nhân viên tố cáo về hoạt động cho vay lãi nặng sau khi họ làm việc tại đây từ 2-3 ngày.

HĐXX quyết định hoãn phiên toà, trả hồ sơ cho VKSND cùng cấp để điều tra bổ sung vụ một số vấn đề như số tiền các bị cáo cho vay lãi nặng, hành vi của một số người giúp sức cho các bị cáo...

Chia sẻ Facebook