Bật mí hành trang cho các cặp vợ chồng giúp thụ tinh ống nghiệm tăng tỷ lệ thành công
Trước khi thụ tinh ống nghiệm ( IVF- In Vitro Fertilization), cần phải chuẩn bị những gì? Ăn uống thế nào để tăng tỉ lệ thành công có lẽ đây là câu hỏi được nhiều cặp vợ chồng thắc mắc.
Thành công của một chu kỳ thụ tinh ống nghiệm phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Dưới đây là những lưu ý bác sĩ dành cho bạn:
Xây dựng cho mình "thói quen" sinh hoạt lành mạnh
+ Ăn uống đủ chất dinh dưỡng. Ăn đúng bữa, uống đủ nước.
+ Ngừng hút thuốc, tránh sử dụng rượu bia, chất kích thích…
+ Rèn luyện và tập thể dục điều độ, kiểm soát cân nặng của bạn.
+ Tinh thần thoải mái, tránh lo âu, căng thẳng, stress…
+ Kiểm soát các bệnh lý mạn tính nếu đang mắc phải. Ví dụ: đái tháo đường, hen… cần kiểm soát chặt chẽ.
+ Ngoài ra, với người chồng cần tránh các loại thuốc có thể ảnh hưởng xấu đến chất lượng tinh trùng, có thể dùng thêm các loại thuốc cải thiện chất lượng tinh trùng theo chỉ định của bác sĩ. Tránh các nguy cơ lây nhiễm bệnh.
+ Với phụ nữ có thể uống axit folic để ngăn ngừa dị tật bẩm sinh, thăm khám phụ khoa trước khi làm IVF, điều trị nếu cần thiết theo chỉ định của bác sĩ.
Uống và đặt thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Trong khoảng thời gian trước chuyển phôi này, chị em lưu ý uống thuốc, đặt thuốc theo đơn thuốc bác sĩ dặn đều đặn, đúng giờ.
Đối với các chị em chuyển phôi trữ thì thông thường, thời gian chuẩn bị niêm mạc tử cung trước khi chuyển phôi là khoảng 12 – 18 ngày, bắt đầu từ ngày 2 chu kỳ kinh và cũng tùy theo đáp ứng cơ thể với thuốc. Niêm mạc tử cung tối thiểu phải được 8 mm và đạt các tiêu chuẩn hình dáng, vị trí… thì mới đủ điều kiện chuyển phôi. Thông thường, niêm mạc dày từ 8 – 14 mm là ổn nhất.
Nên ăn gì trước chuyển phôi?
Theo kinh nghiệm chuyển phôi của các mẹ hiếm muộn đón con yêu ngay từ lần đầu thực hiện thì trước khi chuyển phôi, mẹ nên có chế độ ăn uống lành mạnh, nhất là những thực phẩm tốt cho niêm mạc.
Sữa đậu nành chứa lượng estrogen tự nhiên cao, rất tốt cho niêm mạc.
Sầu riêng cũng được xem là thần dược cho nhóm phụ nữ có niêm mạc tử cung mỏng và các mẹ đa nang buồng trứng.
Các bà mẹ hiếm muộn cũng nên ăn quả bơ, giàu chất kiềm, chất béo không bão hòa, omega 3…, đều là chất tốt cho quá trình thụ thai.
Cá chép giúp an thai và ổn định thai kỳ, nên ăn 1 tuần 3 lần trước và sau khi chuyển phôi.
Ăn các loại rau lá xanh đậm như: súp lơ, rau chân vịt, cải… và các loại đậu đỗ để tránh táo bón và bổ sung nhiều vitamin (A, C, K, folate), khoáng chất (sắt, canxi) và chất xơ.
Nên ăn các món thịt bò, trứng gà, sò huyết, cua gạch…
Tránh một số loại thực phẩm có khả năng gây sảy thai (đặc biệt các mẹ có cơ địa yếu hay từng có tiền sử sảy thai) như: rau răm, nhãn, đu đủ, mực…
Thực hiện lối sống lành mạnh, kiêng rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích khác…
Uống nhiều nước
Trước khi chuyển phôi, nên uống nhiều nước lọc, sữa đậu nành. Bên cạnh đó kết hợp uống các loại nước ép không đường như: dưa hấu, cà rốt, nước cam, bưởi… để bổ sung vitamin và ngăn ngừa táo bón.
Ngoài ra, không uống bất cứ loại thuốc gì khi chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ, kể cả thuốc bổ, thuốc bắc.
Tập thể dục, vận động
Nếu buồng tử cung không nhận được đủ lượng máu thì sẽ không thể tạo ra một lớp niêm mạc đủ dày mỗi tháng. Vận động, đặc biệt là vận động chân, hông, bụng và lưng giúp giữ cho động mạch máu nuôi buồng tử cung mở, tăng cường máu lưu thông đến cơ quan sinh sản. Bên cạnh đó, vận động còn giúp tinh thần thư giãn, giảm stress.
Vì vậy, nếu phải làm công việc bàn giấy, chị em nên tranh thủ đi bộ, tập thể dục nhẹ nhàng hàng ngày trước đó để làm cho máu xuống tử cung, làm tử cung khỏe mạnh, niêm mạc có độ dày tốt nhất.
Giữ tinh thần và tâm lý lạc quan ổn định
Trong suốt quá trình làm IVF, nhất là thời gian trước khi chuyển phôi nên giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ. Chị em nên tránh xem phim đọc sách mang tính chất bạo lực, kích động mạnh dễ ảnh hưởng đến tâm lý. Gia đình người thân cũng tránh những tác động khiến tâm lý căng thẳng, ức chế cho người phụ nữ vì rất nguy hiểm, ảnh hưởng rất nhiều đến nội tiết và đến phôi thai.
Ths.BS Hà Ngọc Mạnh (
BS chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn, Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt - Bỉ)