Bắt kịp xu hướng thời đại - mua bán thực phẩm trực tuyến
"Mua dễ, giao nhanh, hàng ngon, giá rẻ" là những yếu tố khiến kênh bán hàng thực phẩm thiết yếu có cơ hội bùng nổ trên các sàn thương mại điện tử.
Duy trì tốc độ tăng trưởng cao
"Trước đây, gia đình tôi mua thực phẩm chủ yếu tại siêu thị vì sự tiện lợi và chất lượng được đảm bảo. Tuy nhiên, qua mấy đợt giãn cách xã hội, hạn chế đi lại vì dịch Covid-19, tôi bắt đầu quen với việc đặt mua thực phẩm online, hàng hóa đầy đủ, so sánh giá dễ dàng, có thể chọn nhiều mã khuyến mãi, đặc biệt sự tiện lợi và nhanh chóng được đặt lên hàng đầu.", chị Hải Yến, 35 tuổi, quận Phú Nhuận, cho biết.
Những người tiêu dùng như chị Hải Yến góp phần đẩy mạnh sự phát triển của kênh bán hàng thực phẩm online hiện nay. Theo báo cáo từ Deloitte, bách hóa trực tuyến là ngành duy nhất duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định kể từ khi xuất hiện dịch Covid-19 tại Việt Nam. Hơn 50% người tiêu dùng giảm tần suất đến siêu thị, chợ truyền thống và thay đổi sang hình thức mua sắm trực tuyến. Đáng chú ý, các hệ thống siêu thị, nhà bán lẻ cũng phát triển kênh mua sắm trực tuyến qua ứng dụng, website, trang thương mại điện tử...
Mua sắm trực tuyến đã trở thành thói quen được người tiêu dùng lựa chọn, thúc đẩy các hộ kinh doanh/doanh nghiệp mở kênh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, ngay cả các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, đồ tươi sống… Các sàn thương mại điện tử thu hút người dùng nhờ giá cả ngày càng hợp lý, giao hàng nhanh, hàng hoá đa dạng và tươi ngon. Những yếu tố này đã loại bỏ rào cản tâm lý trước đây của người tiêu dùng là phải đến siêu thị để trực tiếp xem các mặt hàng thực phẩm, hàng tươi sống như rau củ quả, trái cây, tôm cá…
Báo cáo gần nhất của Google về thị trường Việt Nam ghi nhận lượng tìm kiếm từ khóa "mua online" tăng hơn 42%. Mỗi tuần, một người sử dụng trung bình 22 ứng dụng smartphone, bao gồm app mạng xã hội, game, app xem phim/video, mua sắm, giao đồ ăn… Các chỉ số đã cho thấy xu hướng hành vi người dùng đang sử dụng các kênh kỹ thuật số như một kênh hữu ích để ra quyết định mua sắm. Dự báo, xu hướng này trong năm 2022 và trong tương lai có khả năng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn và phủ rộng ở nhiều khu vực hơn.
Bán lẻ đa kênh và chiến lược "đi chợ online"
Theo xu hướng này, ngành hàng thực phẩm và đồ tươi sống nhanh chóng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhờ hình thức đi chợ online ngày càng được ưa chuộng trên tất cả các sàn thương mại điện tử như Tiki, Sendo, Voso, VnPost hay … Chẳng hạn, TikiNGON đang là ngành hàng có tốc độ tăng trưởng cao nhất của Tiki - một trong những sàn thương mại điện tử được nhiều người tin dùng nhất tại Việt Nam - và thu hút mạnh mẽ cả người bán lẫn người mua. Trung bình mỗi tháng, TikiNGON có hơn 5 triệu lượt xem sản phẩm cùng hàng ngàn lượt khách hàng ổn định. Đến nay, các sàn thương mại điện tử như Tiki đã thu hút thêm nhiều nhà bán hàng, siêu thị đăng ký mở gian hàng online để đa dạng hóa danh mục sản phẩm với hàng trăm mặt hàng, qua đó ngày càng thu hút người dùng. Sự tăng trưởng của ngành hàng này trên Tiki thu hút nhiều nhà bán hàng tham gia như Big C, Lotte Mart, Fammer’s Market, Nestle, Grove Fresh...
Báo cáo về nền kinh tế số khu vực Đông Nam Á của Google, Bain và Temasek cũng cho thấy xu hướng mua sắm các mặt hàng nhu yếu phẩm trên nền tảng thương mại điện tử tăng trưởng mạnh trong những năm qua. Cụ thể, tỷ trọng của ngành hàng này trong tổng giá trị hàng hóa được mua sắm online đã tăng từ mức 4% vào năm 2015 lên mức 11% vào năm 2020. Con số này dự kiến sẽ đạt mức 15% vào năm 2025.
Tại Việt Nam, lực đẩy của ngành hàng thực phẩm được những sàn thương mại điện tử như Tiki giải quyết qua 3 "nút thắt" gồm: Tiếp cận khách hàng hiệu quả, logistics (hậu cần) thông suốt, khả năng dự đoán và đáp ứng cung cầu. Ngoài ra, đối với mặt hàng thực phẩm, một trong các yếu tố quan trọng được các kênh trực tuyến đảm bảo là các nhà hàng, cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm phải có đăng ký kinh doanh và chứng nhận an toàn thực phẩm.
Đáng kể nhất là quy trình bảo quản, giao nhận hàng tươi sống tức thời đòi hỏi nền tảng logistics, kho lạnh hiện đại, quy mô lớn đi cùng quy trình vận chuyển phải vừa đảm bảo chất lượng hàng hóa, vừa có chi phí tối ưu. Bên cạnh đó, sự ra mắt hàng loạt các hình thức khuyến mãi khác nhau, liên tục trên nhiều sàn thương mại điện tử tạo ra đòn bẩy doanh thu cho người bán và lợi ích tiết kiệm chi tiêu đáng kể cho người mua.
Theo các chuyên gia đánh giá, bán lẻ đa kênh (Omni-channel) là hình thức mới, kết hợp giữa bán lẻ truyền thống và thương mại điện tử. Mô hình này cho phép kết nối liền mạch việc trải nghiệm mua sắm ở cửa hàng truyền thống và kênh bán hàng trực tuyến. Từ góc độ người bán hàng, bà Nguyễn Bùi Việt Quỳnh, Trưởng bộ phận Bán hàng online Grove Fresh, cho biết, mở gian hàng trực tuyến trên TikiNGON có thể tiếp cận được với hàng trăm triệu khách hàng của Tiki tại các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội.
Mặt khác, nhờ vào việc lựa chọn những nền tảng phù hợp, tiếp cận được nhiều khách hàng, tối ưu được quy trình mua sắm của khách hàng… cơ hội quay trở lại mua sắm cũng như tỷ lệ chuyển đổi thành đơn hàng trực tuyến cũng tăng cao hơn các hình thức bán hàng truyền thống. Tuy nhiên, để bán được nông sản, thực phẩm tươi sống trên sàn thương mại điện tử, các sàn phải có kho lạnh, tổng kho bảo quản thực phẩm và bộ quy chuẩn đóng gói sản phẩm, phương tiện vận chuyển chuyên dụng... Đây cũng là yếu tố của người bán khi chọn nền tảng thương mại điện tử thích hợp cho chiến lược bán hàng online bền vững.