Bắt được cá tưởng đã tuyệt chủng 360 triệu năm trước
Được tin ngư dân Indonesia bắt được con cá lạ, các nhà khoa học Nhật Bản, Pháp, và Indonesia liền mang các thiết bị khoa học tối tân nhất như máy định vị, thiết bị thủy âm… tới hiện trường để nghiên cứu. Rất nhanh chóng, các nhà khoa học quốc tế đã xác định con cá lạ đang được bảo quản ướp lạnh này là một giống cá rất hiếm được gọi là cá vây tay ( Coelacanth ).
Cá vây tay có nguồn gốc 360 triệu năm
Đây là một giống cá cổ nhất trên trái đất. Các hóa thạch cho thấy giống cá này đã từng tồn tại trên trái đất từ cách đây 360 triệu năm. Cá vây tay hiện nay so với thủy tổ của nó có thay đổi tiến hóa nhưng không nhiều. Việc bắt được con cá này khiến các nhà khoa học rất thích thú vì họ có trong tay một mẫu cá “hóa thạch sống”.
Con cá vây tay bắt được ở Indonesia vừa qua nặng khoảng 50 kg, dài 1,3 m, có chân. Các nhà khoa học cho biết giống cá này có thể phát triển đạt đến độ dài 2 m, nặng khoảng 90 kg.
Cá vây tay có họ hàng gần gũi với cá phổi (lung fish)-một giống cá vừa có khả năng thở bằng phổi vừa thở bằng mang. Cá vây tay thường sống ở độ sâu từ 200 m đến 1.000 m.
Việc bắt được con cá vây tay ở Indonesia làm các nhà ngư học phải sửng sốt vì giới khoa học vẫn tin rằng cá vây tay đã bị tuyệt chủng cùng thời với khủng long. Tài liệu lưu trữ cho thấy năm 1938 ngư dân ở đông Phi bắt được một con cá vây tay tại khu vực ngoài khơi quần đảo Commoros.
Ngư dân kể chuyện bắt cá vây tay
Sáng ngày 19 tháng 5 vừa qua, ngư dân Lahama, 48 tuổi, cùng con trai buông lưới tại khu vực ngoài khơi cửa sông Malalayang gần thành phố Manado trên đảo Sulawesi, Indonesia. Lưới của cha con ngư dân Lahama đánh bắt hải sản ở vùng biển cách bờ khoảng 200 m.
Khi đó ông đã nghĩ hay là lưới của mình mắc phải san hô? Hai cha con ngư dân Lahama vật lộn với tấm lưới trong khoảng 30 phút thì kéo được lên đến độ sâu còn khoảng 20 m nước.
Đó là một ngày đẹp trời, sóng yên, trời quang biển lặng, nắng nhẹ. Qua làn nước trong vắt, ông Lahama nhìn thấy một một con cá rất lớn không còn chống cự nữa, ngoan ngoãn chịu để cho cha con người đánh cá kéo lưới lên.
Ông Lahama ngỡ mình nằm mơ khi thấy một con cá rất lạ, to, nằm gọn trong lưới. Hai mắt của con cá này có chất lân tinh ánh lên màu sáng xanh. Đặc biệt là con cá có chân khiến cho hình thù của nó dễ sợ đến mức ngư dân Lahama cho biết nếu bắt được con cá này vào ban đêm ông sẽ rất sợ và phải thả ra đại dương ngay.
Ông Lahama theo cha đi đánh cá từ năm lên 10 tuổi thế mà cho đến nay ông chưa bao giờ được nghe hoặc nhìn thấy con cá lạ như thế. Thấy con cá lớn, ông chắc mẩm sẽ bán được giá cao nên quyết định không kéo cá lên cạn mà quây lưới một góc gần bờ để mọi người được xem con cá lạ.
Giữ được cá lại vì không mê tín
Những ngư dân lớn tuổi nhất vùng được mời đến để nhận diện cá lạ. Nhiều người phán rằng cá có chân là giống cá lạ và rất thiêng, nếu bắt cá này lên người đánh cá sẽ phải gặp điều bất hạnh. Muốn tránh được sự bất hạnh cho người bắt cá lẫn ngư phủ trong vùng, chỉ có mỗi một cách là trả cá về với đại dương.
Ông Lahama vốn là người không mê tín nên quyết định giữ cá này lại. Sau khi bắt lên cạn được khoảng 30 phút cá này vẫn sống sau đó nó được thả xuống vùng bãi biển có lưới quây. Con cá lạ này sống tiếp được 17 giờ thì chết, có thể do không có thức ăn.
Những người đánh cá địa phương đã quay phim và chụp ảnh con cá lạ đang bơi lội ở vùng nước nông, lưu giữ được những hình ảnh rất giá trị trước khi con cá lạ chết. Sau khi đã chết, con cá này được các ngư dân bảo quản trong băng đá lạnh.
Sau khi hỏi kỹ ngư dân Lahama về chuyện bắt được con cá lạ, các nhà khoa học Nhật Bản, Pháp, và Indonesia quyết định giải phẫu con cá này, lấy các mẫu gen để phục vụ nghiên cứu. Hiện nay, con cá lạ đang được bảo quản và sẽ được đưa ra trưng bày tại bảo tàng hải dương học ở Manado, Indonesia.
Nguyễn Đại Phượng