Bất động sản mất giá, chứng khoán thua lỗ, tiền số thì bị cấm, người dân Trung Quốc đổ xô gửi tiết kiệm ngân hàng
Các nhà đầu tư ở Trung Quốc cho biết họ không có lựa chọn nào khác, chỉ biết "nằm im chờ thời".
Theo hãng tin Bloomberg, trong nhiều thập niên các hộ gia đình Trung Quốc đã quen tích trữ tài sản vào nhà đất hoặc một số ít khác là thị trường chứng khoán. Vậy nhưng hiện nay, ngày càng nhiều người từ bỏ các thị trường trú ẩn truyền thống này để đổi sang tiền mặt và gửi ngân hàng, bất chấp lãi suất tiền gửi đang ở mức thấp lịch sử.
Giá nhà tại Trung Quốc đã bắt đầu hạ từ tháng 9/2021 trong khi thị trường chứng khoán không khởi sắc. Mảng tiền số thì bị cấm và với tình hình bất ổn do đứt gãy chuỗi cung ứng, đại dịch và xung đột ở Ukraine khiến kinh tế toàn cầu biến động, người dân Trung Quốc đã lựa chọn gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng.
Thua lỗ chứng khoán
Giám đốc Harry Kong của một ngân hàng tại Thượng Hải nói với hãng tin Bloomberg rằng tất cả số tiền kiếm được nhờ chứng khoán trong năm ngoái giờ đã bốc hơi sạch. Anh Kong cho biết đây là thời điểm tồi tệ nhất của bản thân trong 20 năm đầu tư chứng khoán.
"Những gì tôi có thể làm trong năm nay là nằm im chờ thời và gửi số tiền tiết kiệm được vào trong ngân hàng. Bất kể lãi suất có thấp đến đâu thì ít nhất chúng cũng an toàn", giám đốc Kong thừa nhận.
Hãng tin Bloomberg nhận định anh Kong cùng những người dân Trung Quốc khác đang phải sống qua thời kỳ khó khăn, bất ổn của nền kinh tế sau khi một số trung tâm kinh tế lớn của nước này phải cách ly chống dịch.
Theo Bloomberg, một số chuyên gia dự báo nền kinh tế của Trung Quốc có thể sẽ chỉ tăng trưởng hơn 4% trong năm nay, còn các chuyên gia kinh tế của chính Bloomberg thì đưa ra con số chỉ khoảng 2%, thấp hơn nhiều mức mục tiêu 5,5% của chính quyền Bắc Kinh.
Trên thị trường chứng khoán, chỉ số CSI 300 Index đã giảm 18% từ đầu năm đến nay khi nhà đầu tư lo lắng về đại dịch.
"Bất kể bạn có giàu có cỡ nào đi chăng nữa thì quãng thời gian hoàng kim để đầu tư và kiếm lời đã qua", chuyên gia kinh tế Wei He của Gavekal Research tại Bắc Kinh nhận định.
Nằm im chờ thời
"Chẳng có lựa chọn đầu tư an toàn nào khác. Tôi buộc phải nằm im chờ đợi tình hình xem thế nào", nhà đầu tư Clawde Yin, 45 tuổi sống tại Thượng Hải cho biết.
Gần 90% tài sản của Yin được tích trữ dưới dạng bất động sản hoặc chứng khoán. Bất chấp sự bất ổn của thị trường nhà đất sau hàng loạt động thái siết tín dụng và cải tổ hệ thống tài chính, anh Yin cho biết mình sẽ không đổ hết tiền sang chứng khoán bởi cả 2 mảng này đều có thể bị ảnh hưởng từ các quyết định của chính quyền.
Sự lo ngại của nhà đầu tư đã khiến lượng tiền gửi tiết kiệm ngân hàng tại Trung Quốc tăng lên mức 109,2 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 16,3 nghìn tỷ USD tính đến cuối tháng 4/2022. Lượng tiền gửi tiết kiệm ngân hàng của Trung Quốc vốn đã ở mức cao trên thế giới thì nay lại tăng thêm 7% trong 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ này của năm 2021 là 5,5% trong cùng kỳ.
Trong những năm tháng bùng nổ kinh tế, người dân Trung Quốc thường mua nhà để đầu tư hay tích trữ tài sản. Hơn 70% số tài sản của người Trung Quốc tính đến năm 2021 được tích trữ dưới dạng bất động sản.
Tuy nhiên xu thế này đã biến đổi trong vài năm trở lại đây khi chính phủ siết chặt nguồn vốn tín dụng cũng như chống đầu cơ nhà đất. Một loạt các tập đoàn bất động sản vỡ nợ như Evergrande đã khiến nhà đầu tư mất niềm tin, qua đó làm giảm doanh số bán nhà mới.
Tính đến cuối tháng 3/2022, tăng trưởng tín dụng bất động sản Trung Quốc đã ở mức thấp lịch sử.
Theo Bloomberg, Trung Quốc đang cố gắng phát triển thị trường vốn, chống đầu cơ bất động sản để mọi người đổ tiền sang các kênh đầu tư như chứng khoán trong dài hạn. Tuy nhiên sự bất ổn của nền kinh tế thế giới nói chung và đại dịch tại Trung Quốc nói riêng lại đang khiến chứng khoán nước này ảm đạm.
Thêm vào đó, chính sách thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, điều chỉnh sự tập trung giữa các ngành nghề và việc một số đại gia tại Trung Quốc bị điều tra đã khiến nhà đầu tư lo lắng hơn. Thị trường chứng khoán của nước này đã có thời điểm bốc hơi ít nhất 1 nghìn tỷ USD vốn hóa khi có thông tin một số tỷ phú công nghệ nổi tiếng bị điều tra.
Cắt lỗ hay không cắt lỗ
Li Ming, chủ một cửa hiệu bán giày tại Taizhou cho biết ngân hàng là nơi trú ẩn an toàn nhất cho số tiền tiết kiệm của mình. Dù gửi tiền tiết kiệm không phải cách sinh lời tốt nhất nhưng anh Minh cho rằng nó an toàn nhất.
Vị chủ cửa hàng này cho biết sẽ gửi tiết kiệm toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình sau khi đã rút khỏi các thị trường đầu tư khác. Trước đó khoảng 60% số tiền tiết kiệm của anh Ming được đem đi mua các sản phẩm đầu tư.
"Số cổ phiếu tôi mua đã mất giá 50% từ đầu năm đến nay. Bởi vậy tôi chẳng muốn mạo hiểm đầu tư những thứ khác nữa", anh Ming ngán ngẩm.
Một trường hợp khác là cô Grace Liu, 36 tuổi đang làm việc cho một công ty đầu tư tại Hubei. Sau quãng thời gian kiếm lời lớn từ thị trường chứng khoán, giờ đây cô Liu đang phải đau đầu với việc có nên cắt lỗ hay không.
Công ty đầu tư của cô Liu đã lâm vào cảnh khó khăn tài chính, thậm chí không đủ tiền trả lương nhân viên. Bản thân cô Liu đang phải dùng tiền tiết kiệm để trả lãi vay mua nhà thế chấp, nuôi 2 con và chu cấp cho cả người chồng, vốn kinh doanh nhà hàng nhưng thua lỗ do đại dịch. Hiện vị nữ nhân viên đầu tư này đang phân vân liệu có nên bán cắt lỗ chứng khoán hay không.
"Trong thời buổi hiện nay thì tìm đâu ra được nơi đầu tư đảm bảo? Tôi đã từng đổ tiền vào chứng khoán và giờ thì mất hết", cô Liu chán nản.
Tại Trung Quốc, các quy định ngặt nghèo khiến người dân khó lòng chuyển tiền ra nước ngoài đầu tư. Hơn nữa do hạn chế về thông tin cũng khiến kênh đầu tư này không hấp dẫn.
*Nguồn: Bloomberg
Huyền Băng
Theo Nhịp Sống Kinh Tế