Bất động sản đi xuống, giá thép giảm về đáy năm 2020

Chia sẻ Facebook
28/08/2023 08:43:54

Đà giảm của giá thép xây dựng trong nước vẫn chưa dừng lại, một số doanh nghiệp thép tiếp tục thông báo giảm giá 100.000 – 810.000 đồng/tấn đối với mặt hàng này. Giá thép hiện quanh mức 13,5 – 13,7 triệu đồng một tấn, thấp nhất từ năm 2020.

Một số doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thép ống tròn của Việt Nam đối diện nguy cơ bị kiện chống lẩn tránh thuế tại Hoa Kỳ. (Ảnh: angiang.gov.vn)

Ngày 27/8, giá thép cuộn CB240 của Hòa Phát (thương hiệu chiếm 30% thị phần trong nước) được các đại lý tại Hà Nội báo giá 13,5 triệu đồng/tấn; thép CB300 D10 (đường kính 10mm) là 13,74 triệu đồng. So với tuần trước, mỗi tấn thép của thương hiệu này giảm 300.000 – 400.000 đồng, theo báo Vnexpress.

Ngưỡng giá dao động 13,5 triệu đồng/tấn với thép cũng được nhiều thương hiệu khác như: Thép VAS, Tungho, Thép Mỹ niêm yết một tuần trở lại đây.

Số thương hiệu còn lại (thép miền Nam, Pomina…) bán ở quanh mức 14 – 14,3 triệu đồng/tấn, tùy loại. Đây là lần giảm thứ 18 của thép trong nước từ đầu năm đến nay, đưa giá mặt hàng này về đáy 3 năm.

Thị trường bất động sản – phân khúc tiêu thụ chính của thép xây dựng vẫn đang trầm lắng, cầu giảm sâu được cho là nguyên nhân khiến giá thép liên tục lao dốc.

Ông Hùng Vũ, chủ một tổng đại lý thép tại Thanh Hà (Hà Đông), cho biết thép bán rất chậm dù vào cao điểm mùa xây dựng.

Theo dự báo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá thép xây dựng vẫn chưa dừng đà giảm với cầu yếu như hiện nay.

Thị trường ảm đạm, các doanh nghiệp sản xuất thép lớn đều giảm sản lượng sản xuất. Như Hòa Phát, lũy kế 7 tháng, tập đoàn này sản xuất gần 3,5 triệu tấn thép thô, giảm 30% so với cùng kỳ 2022. Sản lượng bán hàng của “ông lớn” ngành thép cũng đi lùi 23% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 3,46 triệu tấn.

Riêng thép xây dựng, sản lượng bán của Hòa Phát là 1,9 triệu tấn sau 7 tháng, giảm 30% so cùng kỳ 2022.

Dữ liệu thống kê của Bộ Công thương cho thấy nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng cần cho sản xuất như thép đã giảm gần 31% trong 7 tháng đầu năm do những khó khăn về đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp. Lực cầu trên thị trường thế giới giảm sâu cũng khiến giá xuất khẩu sắt thép các loại của Việt Nam hạ gần 25%.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VBCS) trong báo cáo gần đây duy trì quan điểm giá thép chưa thể phục hồi trở lại trong nửa cuối năm nay, do nhu cầu thép tại Trung Quốc vẫn yếu khi thị trường bất động sản chưa tan băng. Trong khi đó, dự báo của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) lạc quan hơn khi kỳ vọng giá thép nội địa sẽ phục hồi trở lại theo xu hướng giá thép thế giới.

Ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam cũng cho rằng chưa thể nói giá thép đã “chạm đáy”, bởi phụ thuộc vào cung cầu trong nước và giá thép thế giới. Ở trong nước, nhu cầu đang rất yếu, quý 3 thường là giai đoạn thấp điểm trong tiêu thụ nên nhu cầu yếu, trong khi giá thép thế giới vẫn đi xuống, theo báo Công thương.


“Chúng tôi hy vọng giá thép không giảm thêm, phải nói chưa có năm nào nhu cầu thị trường thép giảm mạnh như năm nay với con số trên 20%, nguyên nhân chủ yếu là thị trường bất động sản gặp khó”, ông Phạm Công Thảo cho biết.

Theo ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký VSA, ở thời điểm đầu năm, Hiệp hội dự báo nửa cuối năm thị trường của ngành thép sẽ phục hồi. Tuy nhiên, đến thời điểm này dự báo trên có thể hơi lạc quan, vì quý 3 thường trùng vào mùa mưa bão và có tháng 7 âm lịch thông thường ít công trình dân dụng khởi công, nên hy vọng đầu quý 4, nhu cầu sẽ tăng.


Đức Minh (t/h)

Doanh nghiệp có lượng công nhân lớn nhất TP.HCM cắt giảm nhân sự lần thứ 3 Công ty TNHH Pouyuen - doanh nghiệp có lượng lao động nhiều nhất TP.HCM vừa có lần thứ 3 cắt giảm lao động trong năm 2023.

Chia sẻ Facebook