Bắt đầu những cuộc "thiên di"
Năm nào cũng thế, tết là những cuộc dịch chuyển khổng lồ của rất đông người về quê.
Cũng không biết tôi dùng từ "thiên di" có đúng không, nhưng quả là những cuộc về quê của hàng triệu người ấy nó là nỗi ám ảnh của rất nhiều người dân Việt mỗi khi đến tết.
Dẫu bây giờ đã nhiều đổi mới với những quan niệm hiện đại của một bộ phận người trẻ và gia đình trẻ, tết đi du lịch, ra nước ngoài chơi, thì đại bộ phận còn lại vẫn là tết thì về nhà.
Thành phố về nông thôn. Hà Nội thì về các tỉnh miền Trung, các tỉnh giáp Hà Nội, Sài Gòn thì ra Bắc, về miền Tây, điểm đến miền Trung cũng nhiều.
Việc đầu tiên để về quê ăn tết phải là mua vé.
Mỗi nhà hoặc một cộng đồng nhỏ, bà con, hàng xóm... thường có một người mua vé rất giỏi. Họ tập hợp yêu cầu và “thi triển”, trước tết vài tháng. Nắm được tấm vé trong tay họ mới yên tâm lo nghĩ đến các việc khác, vé khứ hồi, tất nhiên, bao giờ cũng thế.
Nhà tôi việc lấy vé cho con về là của vợ, cô ấy rất giỏi và kỹ, phải chọn hãng xe, chọn phòng nằm nào tránh bánh xe, tránh đuôi xe.
Hôm nọ đang ngủ trưa tôi bị vợ đánh thức: Em vừa đi tất cả các hãng xe, đều hết vé. Anh xem thế nào?
Còn thế nào nữa, vận dụng hết các mối quan hệ, với cả sở Giao thông Vận tải và đồng nghiệp báo chí, cuối cùng một phóng viên báo ngành thường trú xoay cho được một cặp vé khứ hồi. Tin nhắn chuyển đến, vợ tôi phóng lên ngay hãng xe, lấy cặp vé trả tiền tươi xong về hể hả như... chuẩn bị có thêm cháu ngoại.
Hôm sau cà phê với một ông bạn có 2 đứa con học ở Sài Gòn, tất nhiên năm hai lần nó sẽ về là hè và tết, kể chuyện vé, ông ấy bảo vợ ông ấy lấy vé từ... tháng trước. Còn bảo tưởng con bé nhà bác đi máy bay nên không nhắc. Đúng là ban đầu nó mua vé máy bay, nhưng một là đắt, và hai là cũng rất khó mua đúng ngày, thế là chuyển sang đi xe.
Theo dõi chuyện di chuyển về quê, tôi thấy có lẽ Việt Nam chỉ sau mỗi Trung Quốc về lượng người di chuyển mỗi khi lễ tết. Rất vất vả, nhưng quả là không thể không về.
Nông thôn Việt Nam giờ khá buồn, về quê ngày thường thấy toàn người già và trẻ con, thanh niên và trung trung đi vào thành phố và các khu công nghiệp làm hết. Chỉ tết thì quê mới vui. Nên không thể không về, về với con cái, với quê, với ông bà tổ tiên.
Các doanh nghiệp lớn, các tổ chức công đoàn các thành phố đông công nhân xắn tay áo lên tổ chức những chuyến xe nghĩa tình, xe không đồng chở công nhân nghèo về. Hàng trăm chuyến xe như thế làm ấm lòng rất nhiều người thu nhập thấp.
Lãnh thổ nước ta trải dài, lượng người tập trung ở hai đầu đất nước, nên những dịp di chuyển cao điểm như thế này, đa phần các phương tiện chuyên chở chỉ một chiều có khách, chiều còn lại chạy không. Nên nó dẫn đến hai việc, một là phải tăng giá vé để bù chuyến chạy/ bay không, và hai, với ô tô, sự quay đầu liên tục khiến tài xế mệt mỏi, nhất là các hãng xe nhỏ, chỉ có một hai xe, tài xế ít chạy liên tục như thế rất nguy hiểm. Tôi từng có lần từ Pleiku về Huế dịp trước tết, xe đến Huế lúc 3 giờ sáng, thả khách xong quay đầu chạy luôn về Pleiku để chiều lại đón khách tiếp.
Lại nhớ cái thời bao cấp trước đổi mới, tết là niềm vui, ao ước của mọi người, đặc biệt là trẻ con vì sẽ được ăn tết, nhưng cũng lại là nỗi lo, thậm chí là khiếp đảm của các bà nội trợ. Trước tết cả tháng là canh cánh nỗi lo sắm tết. Làm thủ trưởng cơ quan thì những dịp tết phải tỏ cái sự mẫn tiệp quảng giao của mình bằng cách trổ tài quan hệ để lo thêm tết cho cán bộ công nhân viên của mình, nhiều khi chỉ là nửa cân thịt hoặc cân cá, thậm chí chỉ là chai nước mắm, gói chè, vài thìa mì chính (bột ngọt), cân đường, vài lon nếp...
Hồi ấy, tất cả mọi nỗi lo sắm tết là chỉ nhăm nhăm vào mâm cỗ và một ít bánh trái tự làm lấy. Nào là bánh tét bánh chưng, bánh thuẫn, bánh in, mứt dừa mứt gừng, mua một thang thuốc ngâm dăm lít rượu. Nhà nào sang làm cân thịt bò thưng mắm, không thì ít tai heo ngâm dấm, đơn sơ nữa thì lọ kiệu muối. Hoa thì chủ yếu hoa vạn thọ đặt bàn thờ, hoa đồng tiền đơn cắm bàn nước, thêm một ít hoa hướng dương đặt ngoài hè. Thế mà quần quật cả tháng trời, xong tết xoa tay thở phào để rồi lại thon thót lo... tết năm tới.
Giờ tết, chuyện ăn chuyện mặc chuyện chơi... không còn nan giải như xưa, chỉ còn lo chuyện di chuyển. Cũng may, phương tiện di chuyển bây giờ đều rất hiện đại. Thời tôi về Huế đi xe than hai ba ngày mới tới qua rồi, giờ ít nhất là ghế mềm, còn đa phần là giường, buồng nằm, xe xịn như máy bay, nên có xe tự quảng cáo là “hàng không mặt đất”, và cũng không còn cảnh cơm tù như ngày xưa, mà các trạm dừng phục vụ như nhà hàng, khách sạn.
Thêm nữa là đường. Trước tết năm nay Thủ tướng vừa phát lệnh khánh thành bốn dự án giao thông quan trọng, đặc biệt là hai dự án cao tốc về miền Tây. Tôi cũng từng đón tết ở miền Tây, cụ thể là Cần Thơ, chỉ khoảng gần hai trăm cây số mà lần ấy đi hết 7 tiếng. Một lần nữa xuất phát từ Sài Gòn lúc 8 giờ sáng và 17h chiều mới tới. Năm nay hy vọng những cảnh này sẽ chấm dứt, hoặc ít nhất là xe không phải bò trên đường.
Ngày xưa tôi về quê, một ngôi làng cách thành phố Huế chừng ba chục cây số, nhưng phải đi vòng ra Quảng Trị rồi về nếu đi đường bộ, còn đường sông thì hết hơn ba giờ đồng hồ ngồi đò. Giờ cây cầu Ca Cút bắc ngang phá Tam Giang, phóng xe chưa đầy tiếng đồng hồ đã tới.
Hiện tại thì các báo một mặt thông báo vé tàu xe máy bay ngày càng căng thẳng, mặt khác thông tin các hãng xe, tàu và cả máy bay tăng chuyến, thậm chí có mấy hãng hàng không thuê ướt tàu bay để đáp ứng nhu cầu khách bay.
Và cũng tất nhiên cũng sẽ không có ai bị bỏ rơi lại ở bến xe, bến tàu. Nhớ có tới mấy năm, tối ba mươi, lãnh đạo một số tỉnh có mặt ở các bến xe bến tàu tỉnh mình kiểm tra, thấy ai chưa về được thì tìm cách giải quyết, hoặc bố trí xe đưa về, hoặc mời về nhà khách nghỉ. Lại nhớ, thời sinh viên, tôi có anh bạn, cứ tết là mua mấy ổ mì, lên tàu ngồi, du lịch một chuyến xuyên Việt. Bạn ấy kể, giao thừa nhà tàu sẽ gom tất cả hành khách về một toa, cũng tổ chức đón giao thừa, có cả hát hò và... khóc. Bạn ấy kể hay tới mức có năm tôi suýt bắt chước, đi theo bạn ấy. Sau mới biết, nhà bạn bố mẹ đều liệt sĩ, tết về buồn nên bạn làm thế...
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả