Bắt đầu cuộc chiến pháp lý Trung – Mỹ xung quanh việc bang Montana cấm TikTok

Chia sẻ Facebook
24/05/2023 12:14:27

VietTimes – Vào ngày 22/5 theo giờ địa phương, TikTok đã đệ đơn kiện lên Tòa án Liên bang Mỹ, yêu cầu ngăn chặn bang Montana thực hiện lệnh cấm đối với ứng dụng chia sẻ video của Trung Quốc.

Cuộc chiến pháp lý Mỹ - Trung xung quanh việc TikTok bị cấm sử dụng đã bắt đầu (Ảnh: WorldJournal).


Theo hãng tin Reuters , TikTok đã lập luận trong đơn kiện rằng lệnh cấm dự kiến được thực thi từ năm 2024 của chính quyền bang Montana đã vi phạm quyền tự do ngôn luận theo hiến pháp Liên bang Hoa Kỳ. Một người phát ngôn của TikTok cho hay: "Chúng tôi tin rằng dựa trên hàng loạt tiền lệ và sự thật thuyết phục, thách thức pháp lý của chúng tôi sẽ thắng".

Trước đó, ngày 17/5, Thống đốc bang Montana Greg Gianforte đã ký một đạo luật cấm TikTok, ứng dụng video ngắn thuộc sở hữu của một công ty Trung Quốc và đang vận hành tại bang này. Động thái khiến Montana trở thành bang đầu tiên của Mỹ thực hiện lệnh cấm triệt để đối với ứng dụng vốn được nhiều người, nhất là giới trẻ, ưa chuộng.

Montana sẽ coi việc các cửa hàng ứng dụng của Google và Apple cung cấp ứng dụng TikTok trong ranh giới tiểu bang là bất hợp pháp. Lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

Thống đốc bang Montana Greg Gianforte ký lệnh cấm TikTok hôm 17/5 (Ảnh: Getty)

TikTok là phiên bản nước ngoài của Douyin, một nền tảng chia sẻ video ngắn của Trung Quốc, công ty mẹ của nó là ByteDance. TikTok hiện có hơn 150 triệu người dùng Mỹ. Hiện nay ngày càng có nhiều nhà lập pháp và quan chức chính phủ Mỹ kêu gọi thực thi lệnh cấm toàn quốc đối với ứng dụng này, nguyên nhân là lo ngại về ảnh hưởng tiềm ẩn của chính phủ Trung Quốc đối với nền tảng này.

Hồi tháng 3/2023, một ủy ban của Quốc hội Mỹ đã chất vấn gay gắt Giám đốc điều hành TikTok Châu Thụ Tư (Shou Zi Chew) về việc liệu chính phủ Trung Quốc có nhận được dữ liệu của người dùng hoặc gây ảnh hưởng khác tới người dùng hay không.

Thống đốc bang Montana Greg Gianforte (đảng Cộng hòa) nói rằng đạo luật mới sẽ thúc đẩy thêm "ưu tiên chung của chúng ta là bảo vệ Montana khỏi sự giám sát của Trung Quốc".

Trong một tuyên bố, TikTok cho rằng đạo luật này đã "vi phạm các quyền của người dân Montana trong Tu chính án thứ nhất Hiến pháp Hoa Kỳ bằng cách cấm TikTok một cách bất hợp pháp". Tuyên bố nói thêm rằng công ty "sẽ bảo vệ quyền lợi của người sử dụng sản phẩm của chúng tôi ở trong và ngoài bang Montana”.

Yêu cầu cấm TikTok đang là một xu thế trong một bộ phận người Mỹ (ảnh: MGN)

TikTok trước đó đã phủ nhận việc họ chia sẻ dữ liệu với chính phủ Trung Quốc.

Bang Montana có dân số chỉ hơn 1 triệu người. Bang này cho biết nếu TikTok vi phạm lệnh cấm, công ty này có thể bị phạt cho mỗi vi phạm và cộng thêm 10.000 USD mỗi ngày.

Người dùng có thể tải xuống ứng dụng chia sẻ video TikTok từ cửa hàng ứng dụng trực tuyến qua các thiết bị của Apple và Google. Công ty mẹ của Google, Alphabet Inc., Apple và Google cũng có nguy cơ bị phạt 10.000 USD mỗi ngày nếu vi phạm lệnh cấm.

Lệnh cấm của Montana có thể phải đối mặt với nhiều thách thức pháp lý. Những người phản đối cho rằng lệnh cấm vi phạm quyền tự do ngôn luận của người dùng được bảo đảm bằng Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ.Năm 2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã định cấm tải TikTok và phiên bản WeChat ở nước ngoài thông qua lệnh của Bộ Thương mại, nhưng lệnh cấm đã bị nhiều tòa án chặn lại và không thể có hiệu lực.

Các đồng minh về quyền tự do ngôn luận của TikTok bao gồm một số thành viên đảng Dân chủ trong Quốc hội, trong đó có Hạ nghị sĩ Alexandria Ocasio Cortez và các tổ chức ủng hộ các quyền của Tu chính án thứ nhất như Liên minh Tự do công dân Hoa Kỳ (ACLU).

Thống đốc Greg Gianforte cũng cấm tất cả các các thiết bị do chính phủ cấp cài đặt các ứng dụng truyền thông xã hội nhằm thu thập thông tin hoặc dữ liệu cá nhân để cung cấp cho đối thủ nước ngoài.

TikTok hiện đang thực hiện một nỗ lực có tên là "Project Texas". Dự án này tạo ra một thực thể riêng biệt để lưu trữ dữ liệu về người dùng Mỹ trên máy chủ do công ty công nghệ Oracle của Mỹ điều hành.

Bà Mao Ninh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Phía Chính phủ Trung Quốc đã có phản ứng chính thức về lệnh cấm của bang Montana tại cuộc họp báo thường kỳ chiều ngày 23/5 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan tới việc TikTok kiện bang Montana, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mao Ninh trả lời nói: “Điều tôi muốn nhấn mạnh là Mỹ cho đến nay vẫn chưa đưa ra bất kỳ bằng chứng nào chứng minh TikTok đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ, nhưng đã nhiều lần kết tội và đàn áp vô lý các công ty có liên quan, hạ thấp khái niệm an ninh quốc gia, lạm dụng sức mạnh quốc gia".

Các hành động của phía Mỹ đã đi ngược lại ý muốn của dân chúng và gây tổn hại để độ tin cậy của chính nước Mỹ. Chúng tôi kêu gọi phía Mỹ thiết thực tôn trọng các nguyên tắc kinh tế thị trường và cạnh tranh công bằng, chấm dứt đàn áp một cách vô lý các công ty từ các quốc gia khác và cung cấp một môi trường cởi mở, công bằng, bình đẳng và không phân biệt đối xử cho các công ty nước ngoài đầu tư và hoạt động tại Mỹ”, bà nói thêm.


Theo Reuters, People.cn

Chia sẻ Facebook