Bất công cho người trẻ khi bị nói không tiết kiệm, vung tiền quá lố

Chia sẻ Facebook
04/07/2023 16:41:41

Mỗi thời đại, mỗi thế hệ đều có cái khó riêng, nên việc so bì thiệt hơn, cho rằng 'Gen Z sống quá hoang phí' có lẽ là một nhận định vội vàng, chưa được suy sét kỹ càng.

Gen Z – thế hệ có thể nói là được lớn lên trong cảnh bình yên, đất nước phát triển, công nghệ thông tin và các phương tiện hiện đại giúp cuộc sống trở nên dễ dàng hơn. Có lẽ cũng vì thế mà Gen Z dưới cái nhìn của nhiều người được đánh giá là chẳng phải lo lắng gì nhiều vì luôn có bố mẹ, gia đình ở bên hỗ trợ, chăm sóc. Thậm chí nhìn các bạn thoải mái đi du lịch, mua sắm, theo đuổi đam mê nên đã có những phản ứng trái chiều, những định kiến cho rằng Gen Z quá đầy đủ, tự do và sống một cách hoang phí, không tiết kiệm và không suy nghĩ cho tương lai. Thế nhưng phải chăng chúng ta đã quá khắt khe với thế hệ này.

Gen Z ngày nay chịu nhiều áp lực từ cuộc sống.

Thời đại thay đổi thì áp lực cũng cao lên gấp cả ngàn lần

Theo báo cáo "Year in Search 2022" dành cho Việt Nam của Google cho thấy gần 30% người Việt (so với 23% người tiêu dùng ở Đông Nam Á) dự định chi tiêu nhiều hơn cho việc cải thiện bản thân, bao gồm nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần, thể lực và kiến thức sau khi dịch Covid-19 diễn ra. Thay vì chi tiêu tiết kiệm, dành tiền đầu tư, ngày càng có nhiều người chọn “vung” tiền để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ cá nhân.

Nhiều người trẻ sẵn sàng "vung" tiền cho sở thích cá nhân. (Ảnh: Xiaohongshu)

Từ xưa đến nay người Việt Nam chúng ta nổi tiếng với lối sống cần kiệm. Có lẽ cũng vì thế khi nhìn những con số này, những phân tích này có thể mọi người sẽ đặt câu hỏi liệu rằng ngày nay thế hệ trẻ có đang quá phung phí, sống ngược lại với những gì mà ông cha ta đã từng làm.


Thế nhưng, khi thời đại thay đổi, xã hội vận động và phát triển không ngừng, thị trường lao động cạnh tranh, kiến thức là bao la rộng lớn,… thì việc Gen Z đầu tư vào bản thân để phù hợp với xu thế thời đại có lẽ cũng là điều hiển nhiên. Đơn giản là bởi mỗi thời đại đều có cái khó riêng, không nên so bì thiệt hơn. Thế hệ trước đã sống khổ cực, tằn tiện để qua ngày không có nghĩa đó là quy chuẩn của thế hệ sau. Thời trước mục tiêu cuộc sống là "cơm, áo, gạo, tiền", trình độ cao ít nên cạnh tranh công việc, cuộc sống cũng "dễ thở". Bây giờ do dân số đông, lạm phát, ai cũng học đại học nên yêu cầu con người phải đạt trình độ rất cao cấp mới có thể gọi là ổn.

Gen Z  có lối sống phóng khoáng, thích trải nghiệm. (Ảnh: Xiaohongshu)


Bạn Q.A (sinh năm 2000, Freelancer) chia sẻ với Yan : “Mình hiện đang làm công việc tự do và dành nhiều thời gian để sáng tạo nội dung, quay các video ngắn trên các nền tảng mạng xã hội. Để làm mới nội dung và đầu tư cho các sản phẩm mình cần phải đầu tư cho học các khóa học, đầu tư quần áo, ngoại hình để luôn chỉn chu mỗi lần lên hình, mình cũng thường xuyên đi đây đi đó để tìm cảm hứng làm việc,… Việc mình đầu từ số tiền lớn vào bản thân vào kiến thức thực sự mình không tiếc bởi nó khiến mình tốt lên và cũng giúp mình có uy tín hơn trong mắt các đối tác, từ đó con số thu nhập của mình cũng được nâng lên”.

Gen Z không tiếc tiền đầu tư vào bản thân .(Ảnh: Xiaohongshu)


Hay như Thành Lâm (1999) một thành viên của Cột sống Gen Z đã bỏ ra hơn 30 triệu chỉ để học một khoá IELTS. Để có được số tiền này, Thành Lâm đã phải đi làm và chạy nhiều jobs cùng lúc chứ hoàn toàn không xin trợ cấp từ gia đình. Thành Lâm cho hay: “Mình bỏ ra số tiền lớn như vậy để đầu tư học tiếng Anh là đáng. Hiện tại muốn có một mức lương gọi là dư giả thì bạn buộc phải biết thêm ngoại ngữ nếu không thì chắc có lẽ cũng chỉ làm những công việc với lương tầm 8-10 triệu. Ở thành phố lớn còn phải lo toan nhiều thứ, mình nghĩ như thế không đủ để chi tiêu. Do vậy đầu tư 30 triệu vào bản thân là hoàn toàn xứng đáng”.

Người trẻ phải "update" bản thân để phù hợp với nhịp sống hiện tại. (Ảnh: Baidu)


Giải oan cho Gen Z

Nói đi cũng phải nói lại, bởi thời cha chú ngày trước hay thế hệ Gen Z bây giờ, dù thời nào cũng đều có người phung phí, người tiết kiệm. Chẳng qua, ngày trước không có điều kiện để phung phí nhiều như bây giờ. Ngày xưa người ta cũng đổ tiền, đầu tư vào những thú vui của bản thân khi ấy đó thôi, nên không thể nói Gen Z bây giờ phung phí hơn thời trước.

Mỗi thời đại lại có một cách sống và lối suy nghĩ riêng về cách sống. (Ảnh: Baidu)

Theo một khảo sát trên 4.500 thanh thiếu niên châu Á - Thái Bình Dương (Trung Quốc, Hong Kong, Indonesia, Nhật, Philippines, Singapore, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam), những người trẻ thuộc thế hệ Z dành phần lớn thu nhập cho các nhu cầu thiết yếu hằng ngày. Tuy nhiên, họ vẫn muốn tiết kiệm cho tương lai. Có 76% cho biết họ chủ yếu chi tiêu cho các nhu cầu của bản thân; 66% số người được khảo sát tiết kiệm một phần tiền lương; 88% người trẻ cho rằng việc tiết kiệm cho tương lai là rất quan trọng; 85% muốn được tiếp cận nhiều hơn với giáo dục về kiến thức tài chính và 65% đã đầu tư vào chứng khoán, trái phiếu hoặc các hình thức tài chính khác.

Gen Z hiện nay cũng đang cố gắng học tập cách tiết kiệm. (Ảnh: Baidu)

Vẫn biết, thế hệ Gen Z chưa va vấp những hỷ, nộ, ái, ố trong đời nhiều nên cha mẹ, người thân của họ có khuyên can thế nào, họ cũng không nghe, mà chọn làm theo ý mình. Thực chất, các bạn trẻ Gen Z ngày nay áp lực hơn gấp nhiều lần so với thế hệ trước.

Bởi các chuẩn mực, xu hướng xã hội cũng là một nguyên nhân khác tạo nên sự lo lắng, sốt ruột muốn cải thiện bản thân của Gen Z. Thế nào là một thân hình đẹp, thế nào là ngành nghề có tương lai hay thế nào là bày tỏ quan điểm nhưng phải theo khuôn phép…Những điều đó vô hình chung khiến một người trẻ khi đứng trước ngưỡng cửa có sự lựa chọn sẽ dần bị bào mòn sự tự tin và chất riêng. Từ đó sinh ra nhiều loại muộn phiền vì tiếc nuối hoặc cái tôi nhút nhát. Có lẽ cũng chính vì vậy mà họ săn sàng dùng tiền để vươt qua giới hạn, học thêm các lớp kỹ năng sống để phần nào cải thiện bản thân, bớt đi sự tự ti.

Hãy động viên, khuyến khích các bạn trẻ sống hết mình và biết đầu tư một cách hợp lý. (Ảnh: Weibo)

Thêm nữa việc chi tiêu nhiều hơn cho việc cải thiện bản thân, bao gồm nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần, thể lực và kiến thức sau đại dịch là điều rất cần thiết và nên làm. Bởi có nhiều người chăm chăm tiết kiệm, đầu tư, để rồi cuối cùng lại sống một cuộc đời không thành tựu, đột phá, cuối đời như cái vỏ không hồn, không trải nghiệm, không đóng góp gì cho nền tảng khoa học đất nước ngoài đóng thuế. Do vậy, việc người trẻ biết chi tiền đầu tư cho chính mình là một điều tích cực, đáng khích lệ bởi từ đó các bạn sẽ có thêm kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm phát triển cho công việc, học tập.

Gen Z được định hình là thế hệ sinh ra trong điều kiện kinh tế đầy đủ, thế giới hòa bình, nhận được sự đầu tư và chăm sóc hết mực từ cả xã hội nên đã có nhiều định kiến, nhiều quan điểm trái triều về thế hệ này. Đặc biệt, sự phát triển của mạng xã hội càng khiến thế hệ này phải chịu những áp lực ở tầm không tưởng. Do vậy, có lẽ chúng ta cũng cần một cái nhìn bao dung hơn, cảm thông hơn bởi mỗi một thời đại, mỗi một giai đoạn là một cách sống khác, đừng nên quá áp đặt và tạo một cái khung chuẩn mực sống cho bất cứ ai.


Cùng tìm hiểu những thông tin thú vị khác TẠI ĐÂY !

Chia sẻ Facebook