Bất chấp quan hệ gập ghềnh, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cần nhau

Chia sẻ Facebook
20/11/2023 04:11:28

Thổ Nhĩ Kỳ có thể hưởng lợi từ sức mạnh tài chính và công nghệ của Đức, còn Đức có thể hưởng lợi từ sức mạnh địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ.


Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vừa thực hiện chuyến thăm ngắn tới Đức vào thời điểm căng thẳng vì lập trường rất khác nhau của hai nước về cuộc chiến giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine.


Ông Erdogan hôm 17/11 đã gặp và hội đàm với Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier tại Cung điện Bellevue, trước khi tham dự một bữa tối làm việc với Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Hai bên đã thảo luận về một loạt các vấn đề khu vực và toàn cầu, bao gồm cả xung đột ở Dải Gaza.


Trước chuyến thăm Berlin, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích gay gắt các nước phương Tây vì hỗ trợ toàn diện cho Chính phủ Israel nhưng lại nhắm mắt làm ngơ trước thảm cảnh ở Gaza.


Trong khi đó, Đức là một đồng minh trung thành của Israel. Thủ tướng Scholz nhiều lần nói rằng Israel có quyền tự vệ, đồng thời phản đối lời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza, cho rằng điều này sẽ mang lại thời gian nghỉ ngơi cho Hamas.


Israel đã tiến hành các cuộc tấn công trên không và trên bộ không ngừng vào Dải Gaza kể từ cuộc tấn công xuyên biên giới của Hamas vào ngày 7/10. Ít nhất 11.500 người Palestine đã thiệt mạng kể từ đó, bao gồm hơn 7.800 phụ nữ và trẻ em, và hơn 29.200 người bị thương, theo số liệu mới nhất từ chính quyền Palestine.


Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã được coi là một đối tác “bất tiện nhưng cần thiết” ở Đức, nơi sinh sống của cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ lớn nhất ở nước ngoài, với phần lớn là những người ủng hộ ông Erdogan, bao gồm cả cựu cầu thủ bóng đá quốc tế Mesut Ozil đã nhập quốc tịch Đức.


Mối quan hệ Đức – Thổ Nhĩ Kỳ thường gập ghềnh, khó khăn, nhưng không vì thế mà Berlin phủ nhận vai trò của Ankara trong giải quyết các vấn đề gai góc.


Từ làm trung gian để đưa các chuyến hàng ngũ cốc ra khỏi Ukraine trong bối cảnh xung đột với Nga, cho đến đàm phán một thỏa thuận quan trọng nhằm giảm bớt dòng người tị nạn và người di cư đến châu Âu trong giai đoạn 2015-2016, thành viên NATO này đã chứng tỏ mình là một cường quốc tầm trung quan trọng.

Chuyến thăm trong ngày 17/11/2023 là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tới Đức kể từ năm 2020 khi bà Angela Merkel là Thủ tướng. Mối quan hệ Đức – Thổ Nhĩ Kỳ thường gập ghềnh, khó khăn, nhưng hai bên vẫn cần nhau. Ảnh: Ahval News


Điểm sáng trong quan hệ song phương là hợp tác kinh tế giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn được cải thiện đều đặn. Trong nhiều năm, Đức được xếp hạng là một trong những đối tác thương mại lớn nhất và là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ.


Theo Bộ Ngoại giao Đức, thương mại song phương giữa hai nước “đạt mức cao kỷ lục” là 51,6 tỷ Euro vào năm 2022. So với năm trước đó, xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Đức tăng 26,7% lên 24,6 tỷ Euro, và nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ từ Đức tăng 1/3 lên 27 tỷ Euro.


Đức vẫn là điểm đến quan trọng nhất đối với hàng xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ. Hiệp hội các nhà xuất khẩu Thổ Nhĩ Kỳ (TIM) ước tính rằng quốc gia liên lục địa Á-Âu đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá tương đương 14,5 tỷ Euro sang Đức tính đến cuối tháng 10 năm nay. Những hàng hóa này chủ yếu bao gồm các sản phẩm dành cho ngành công nghiệp ô tô, dệt may, thực phẩm, nồi hơi và hàng hóa trung gian làm từ sắt, thép và nhôm.


Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu nhập khẩu máy móc, phương tiện, sản phẩm nhựa, máy bay, hóa chất và thiết bị y tế từ Đức. Chỉ có Nga và Trung Quốc cung cấp nhiều hàng hóa cho Thổ Nhĩ Kỳ hơn Đức.


Ông Ayhan Zeytinoglu, Chủ tịch Quỹ Phát triển Kinh tế (IKV) có trụ sở tại Istanbul, cho biết quan hệ kinh tế Đức-Thổ Nhĩ Kỳ có nguồn gốc sâu xa và có khả năng chống khủng hoảng.


“Trong số các đối tác thương mại lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, Đức đứng đầu. Chúng tôi có thâm hụt thương mại đáng kể với Nga và Trung Quốc, tuy nhiên chúng tôi có mối quan hệ cân bằng với Đức”, ông Zeytinoglu cho biết.


Minh Đức (Theo DW, AP, Anadolu Agency)

Chia sẻ Facebook