Bất chấp nguy hiểm tính mạng, người di cư vẫn tìm cách tới châu Âu
Thống kê cho thấy hơn 155 nghìn người di cư đến Liên minh châu Âu trong 7 tháng đầu năm nay, tăng 86% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đó là chưa tính đến hàng triệu người Ukraine xin lánh nạn tại EU từ cuối tháng 2. Cả trên đường biên giới đất liền và trên biển, nhiều người di cư vẫn bất chấp tính mạng để tìm cách tới châu Âu.
Thành phố Melilla của Tây Ban Nha là một trong số những nơi hiếm hoi tại châu Âu có đường biên giới trực tiếp trên bộ với châu Phi. Người di cư thường xuyên cố gắng vượt qua hàng rào kéo dài 12 km này. Cuối tháng 6 vừa qua, một cuộc đụng độ bạo lực đã nổ ra tại đây khi gần 2.000 người di cư từ Maroc xông qua hàng rào. Ít nhất 27 người di cư đã thiệt mạng, hàng trăm người khác bị thương, trong đó có cả cảnh sát bảo vệ biên giới của Maroc và Tây Ban Nha.
Chủ tịch thành phố Melilla ghi nhận có sự gia tăng người cố gắng nhập cư vào Tây Ban Nha qua tường rào.
Ông Eduardo De Castro Gonzales - Chủ tịch thành phố Melilla, Tây Ban Nha cho biết: "Nhiều người cố gắng vượt qua biên giới ở đây. Mọi người đều lo lắng. Chiến tranh, giá ngũ cốc tăng cao, nạn đói. Tất cả những điều này đều là tác nhân".
Hình ảnh của hơn 300 người di cư vừa được lực lượng bảo vệ bờ biển Tây Ban Nha cứu hộ ngoài khơi quần đảo Canary cuối tuần trước. Năm ngoái, khoảng 4.400 người đã mất tích trên biển trong khi tìm cách di cư tới Tây Ban Nha.
Địa Trung Hải bấy lâu đã trở thành nghĩa trang trên biển đối với những người di cư. Những nguồn lực để cứu hộ từ phía chính phủ các nước cũng như từ các tổ chức dân sự đều đang dần cạn kiệt.
Theo ông Santino Severoni - Giám đốc Chương trình Y tế và Di cư, Tổ chức Y tế thế giới (WHO): "Các quốc gia vẫn thường có xu hướng tự giải quyết vấn đề di cư, cố gắng triển khai các biện pháp cấp quốc gia. Nhưng những bằng chứng, những câu chuyện và kinh nghiệm mà chúng tôi thu thập được cho thấy sự hợp tác giữa các nước, giữa các khu vực, là tối quan trọng để thành công trong việc quản lý hoạt động di cư".
Trở lại với những người di cư châu Phi bị trục xuất về Maroc sau sự việc hồi tháng 6. Họ đang trú tạm tại một trường học bỏ hoang ở ngoại ô Casablanca, và sống qua ngày nhờ sự hỗ trợ từ cư dân địa phương. Dù biết có thể phải đánh đổi bằng mạng sống, nhưng họ đều tuyên bố sẽ tiếp tục tìm cách vượt qua hàng rào để tới châu Âu.
EU điều chỉnh chính sách về nhập cư
Tình trạng gia tăng số lượng người nhập cảnh hoặc cố tìm cách nhập cảnh vào EU cho thấy các hành động và biện pháp được áp dụng từ cuộc khủng hoảng di cư năm 2015 đã không thực sự phát huy tác dụng.
Từ tháng 9/2020, Ủy ban châu Âu đã đề xuất các nước thành viên thông qua Hiệp ước về Di cư và Tị nạn. Trong tháng 6/2022, hàng loạt văn bản kỹ thuật liên quan hiệp ước này đã được các nước thành viên thông qua, cụ thể: Quy chế sàng lọc giúp tăng cường kiểm soát người nhập cư ở ngoài biên giới châu Âu và nhanh chóng hướng những người bị sàng lọc theo quy trình thích hợp, có thể là chuyển đến các trại tị nạn, hay cho phép nhập cảnh, hoặc phải hồi hương. Các nước châu Âu đã thống nhất chia sẻ dữ liệu sinh trắc học của người nhập cư để quản lý việc di chuyển của họ trong lãnh thổ châu Âu.
Đáng chú ý, các nước thành viên cũng xác nhận việc thông qua tuyên bố cùng đoàn kết và thống nhất cơ chế tự nguyện đóng góp tài chính để xử lý vấn đề liên quan người nhập cư.
Giải pháp lâu dài cho vấn đề di cư
Người di cư đến châu Âu chủ yếu xuất phát từ các nước Bắc Phi - Trung Đông, như Syria, Afghanistan, Congo, Nigieria, mang theo cả những thuận lợi và thách thức an ninh, kinh tế và an sinh xã hội. Ngoài việc kiểm soát những vấn đề này, một số nước châu Âu như Đức đã có chính sách tạo thu hút người nhập cư có trình độ, giúp người tị nạn nhanh chóng hòa nhập, đóng góp tích cực cho nền kinh tế Đức.
Tuy nhiên, đây chưa phải là giải pháp chiến lược khi mà dòng người di cư còn tăng và không phải quốc gia châu Âu nào cũng có nhu cầu và điều kiện đón người nhập cư như Đức. Bởi vậy, trước mắt các nước châu Âu có thể tính đến giải pháp hỗ trợ các nước láng giềng của Syria, Afghanistan, Congo, Nigieria tiếp nhận và lo cho người tị nạn. Còn về lâu dài, sự đóng góp tích cực của châu Âu nhằm ổn định tình hình an ninh, chính trị và kinh tế tại những quốc gia này là chìa khóa giải quyết triệt để vấn đề.