Bất chấp Nga tấn công, thành phố lớn thứ 2 Ukraine quyết trụ vững
Ukraine cáo buộc các lực lượng Nga tấn công liên tiếp vào Kharkiv, thành phố nằm cách biên giới với Nga chỉ 25 km.
Tên lửa đã bắn trúng một tòa nhà dân cư ở thành phố lớn thứ hai của Ukraine đêm 17/8, khiến ít nhất 6 người thiệt mạng.
Trong khi nhân viên cứu hỏa gấp rút kéo các nạn nhân ra khỏi đống đổ nát, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã lên án vụ tấn công tên lửa trúng vào một khu dân cư ở Kharkiv vào đêm 17/8.
Ông Zelenskyy cho rằng cuộc tấn công là bằng chứng mới nhất cho thấy Nga, vốn đang vật lộn trên chiến trường ở miền Đông và miền Nam đất nước, đang khủng bố dân thường để thực hiện mục tiêu cuối cùng là tiêu diệt nhà nước Ukraine.
Các quan chức Ukraine cho biết, ít nhất 6 dân thường thiệt mạng và 16 người khác bị thương, cảnh báo rằng con số này có thể sẽ tăng lên.
Kharkiv nằm ở Đông Bắc Ukraine, cách không xa biên giới với Nga và gần thành phố Belgorod của Nga. Kharkiv đã chứng kiến những cuộc giao tranh ác liệt trong 6 tháng qua.
Theo New York Times, các nhà phân tích quân sự Ukraine và phương Tây cho rằng, Điện Kremlin chưa bao giờ từ bỏ mục tiêu kiểm soát thành phố, chỉ cách biên giới Nga 25 km.
Hôm 16/8, một loạt tên lửa đã bắn trúng 5 trong số 9 quận của thành phố. Hôm 17/8, một quả tên lửa đã đánh trúng một ký túc xá trong một khu dân cư.
Trước đó trong ngày 17/8, Thị trưởng thành phố Kharkiv Ihor Terekhov cáo buộc Nga cố tình phá hủy cơ sở hạ tầng để khiến cư dân Kharkiv chết cóng trong mùa đông, đồng thời khẳng định quyết tâm chiến đấu. Ông tuyên bố: “Nhiệm vụ của chúng tôi là trụ vững”.
Các cuộc tấn công diễn ra trong bối cảnh Nga không có bất kỳ bước tiến lớn nào về lãnh thổ kể từ đầu tháng 7 khi chiếm được thành phố Lysychansk, thuộc vùng Luhansk, miền Đông Ukraine.
Các lực lượng Ukraine đã và đang sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây để cố gắng làm suy giảm khả năng tác chiến của Nga, tấn công vào sâu bên trong hậu tuyến của đối phương, nơi có các trung tâm chỉ huy, kho đạn dược và các tuyến đường tiếp tế quan trọng.
Hôm 17/8, người Ukraine tuyên bố đã phá hủy một tòa nhà đang được các lực lượng Nga ở Lysychansk sử dụng.
Trong khi đó, Nga được cho là tiếp tục bắn phá thành phố cảng Mykolaiv trên bờ biển phía Nam của Ukraine. Thành phố - nơi đóng quân chủ chốt của các lực lượng Ukraine khi họ tìm cách cắt đứt hàng nghìn binh sĩ Nga ở phía tây sông Dnipro - đã bị pháo kích liên miên.
Bộ chỉ huy tác chiến phía Nam của Ukraine hôm 17/8 cho biết, máy bay tấn công và máy bay trực thăng của Nga đã tấn công các vị trí của Ukraine 9 lần trong đêm và phá hủy cơ sở hạ tầng cảng quan trọng.
New York Times thừa nhận không thể xác minh độc lập các tuyên bố trên chiến trường.
Thực hư vụ Tư lệnh Hạm đội Biển Đen Nga bị sa thải
Sau một loạt tổn thất gần đây ở Crimea và xung quanh bán đảo này, một số báo cáo truyền thông chưa được xác nhận cho rằng Nga đã bổ nhiệm chỉ huy mới cho Hạm đội Biển Đen đóng tại Sevastopol, Crimea.
Các thành viên trong hội đồng quân sự của Hạm đội Biển Đen Nga đã trình diện chỉ huy mới là Phó Đô đốc Viktor Sokolov, tại thành phố cảng Sevastopol, hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti đưa tin hôm 17/8, trích dẫn các nguồn tin giấu tên trong Hạm đội.
Nếu đúng, ông Sokolov sẽ thay thế chỉ huy hiện tại, ông Igor Osipov. Một nguồn tin giấu tên nói với RIA Novosti rằng lệnh bổ nhiệm đến từ “Tổng tư lệnh”, ám chỉ Tổng thống Nga Vladimir Putin, và rằng không có sự kiện công khai nào cho buổi trình diện.
Reuters, The Moscow Times và một số hãng thông tấn khác cũng đã đưa tin về sự bổ nhiệm trên, trích dẫn bản tin của RIA Novosti.
Nhưng hãng truyền thông Nga RBC hôm 17/8 đưa tin rằng, một người phát ngôn của Hạm đội Biển Đen đã phủ nhận thông tin về bổ nhiệm và mô tả đây là “tin đồn”, theo The Moscow Times.
Newsweek không thể tìm thấy bản tin gốc của RBC, và cũng không thể xác minh độc lập thực hư câu chuyện bổ nhiệm này.
Bộ Quốc phòng Nga và Điện Kremlin đã được liên hệ để xác nhận và đưa ra bình luận.
Trong khi tin tức về việc bổ nhiệm mới vẫn chưa được xác nhận, một số tổn thất gần đây của Nga ở Crimea, nằm ở phía Bắc của Biển Đen, đã thu hút sự chú ý rộng rãi trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.
Hôm 16/8, các video cho thấy hậu quả của một loạt vụ nổ tại một kho đạn ở Dzhankoi, phía Bắc Crimea, đã lan truyền trên mạng xã hội.
Bộ Quốc phòng Nga cho rằng các vụ nổ là "hành động phá hoại", trong khi Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong một bản cập nhật hôm 16/8 rằng những tổn thất ở Biển Đen cho thấy Nga đang đấu tranh để duy trì quyền kiểm soát hiệu quả trên biển.
Vụ nổ kho đạn ở Dzhankoi diễn ra sau khi một căn cứ không quân Nga ở phía Tây Crimea bị rung chuyển bởi một loạt vụ nổ mà Bộ Quốc phòng Nga cho là do đạn dược hàng không phát nổ.
Nga cũng đã chứng kiến một số sự kéo lùi ở Biển Đen. Vào tháng 4, Ukraine tuyên bố đã tập kích và đánh chìm soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen Nga – có trị giá ước tính 750 triệu USD, mặc dù Nga nói rằng đó là một vụ hỏa hoạn trên tàu dẫn đến tàu tuần dương bị hư hại và lật úp.
Vào tháng 6, quân đội Nga đã rút khỏi Đảo Rắn (Zmiinyi) trên Biển Đen, thuộc vùng Odessa, miền Nam Ukraine.
Kiev nói rằng họ đã đánh đuổi các lực lượng Nga khỏi hòn đảo, trong khi Moscow cho biết họ rút lui để cho thấy một “cử chỉ thiện chí”.
Nga “sơ tán” máy bay khỏi các căn cứ không quân ở Crimea?
Các vụ cháy và nổ gần đây đã làm rung chuyển nhiều khu vực trên bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập từ năm 2014.
Bộ Quốc phòng Ukraine hôm 17/8 cho biết, thiệt hại từ các vụ việc đã buộc ít nhất 24 máy bay và 14 trực thăng phải rời bỏ các căn cứ và rút lui về các địa điểm sâu hơn trong lãnh thổ Nga.
“Sau những sự kiện gần đây ở Crimea, người Nga đang khẩn trương di chuyển máy bay và trực thăng của họ vào sâu trong bán đảo và tới các sân bay của Liên bang Nga”, một bài đăng trên Facebook từ Tổng cục Tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết.
“Đối phương đang thực hiện các biện pháp để di chuyển một phần thiết bị hàng không từ các sân bay tiền phương ở Crimea sang các sân bay dự trữ và sân bay thường trực trên lãnh thổ Liên bang Nga”, bài đăng cho biết thêm.
Các máy bay Nga mà Ukraine cho biết đã được chuyển đi bao gồm 3 máy bay phản lực Su-27, 3 máy bay phản lực Su-34, 3 máy bay phản lực Su-35S và 3 máy bay khác được cho là máy bay đánh chặn siêu thanh Mikoyan MiG-31.
Một trong những chiếc máy bay được cho là MiG-31 được quan sát thấy bốc cháy khi đang bay ra khỏi Crimea, theo phía Ukraine. Chiếc máy bay này được cho là đã cất cánh từ căn cứ vào ngày 17/8 và ngày 11/8.
Ít nhất 14 máy bay trực thăng của Nga cũng được cho là đã bay khỏi Crimea hôm 17/8, trong đó có 6 chiếc Kamov Ka-27. Ngoài ra, 8 máy bay trực thăng của một loại không xác định được cho là đã bay về phía Đông đến một căn cứ của Nga ở Krasnodar.
Nhiều video được chia sẻ trực tuyến vào tuần trước cho thấy các vụ nổ tại một căn cứ không quân Nga ở Saky, phía Tây Crimea. Hôm 16/8, các video trực tuyến cho thấy hình ảnh được cho là các vụ nổ gần các cơ sở quân sự của Nga ở Dzhankoi, phía Bắc bán đảo.
Ukraine diễn tập ứng phó thảm họa hạt nhân gần nhà máy Zaporizhzhia
Các nhà chức trách Ukraine hôm 17/8 đã thực hiện các cuộc diễn tập ứng phó thảm họa gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, nằm gần thành phố Enerhodar ở miền Nam Ukraine.
Nhà máy này đã nằm dưới sự kiểm soát của quân Nga kể từ đầu tháng 3, nhưng vẫn được điều hành bởi các kỹ thuật viên Ukraine.
Kiev và Moscow đã cáo buộc lẫn nhau về các vụ pháo kích vào nhà máy trong những tuần qua. Cả 2 bên đều mô tả đây là “khủng bố hạt nhân”.
Trong cuộc tập trận, các nhân viên thuộc lực lượng phản ứng đầu tiên của Ukraine đã mặc đồ bảo hộ và tiến hành quét bức xạ đối với một người đàn ông đóng vai bệnh nhân. Những nhân viên này sau đó được kiểm tra phóng xạ.
Các nhà chức trách Ukraine cho biết, các cuộc tập trận sẽ được lặp lại trong những ngày tới.
Kiev và Moscow đều kêu gọi các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đến thanh sát nhà máy. Nhưng vì một số vấn đề, đến nay vẫn chưa có chuyên gia IAEA nào tiếp cận được nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres sẽ đến Ukraine để hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trong ngày 18/8. Ông Guterres kêu gọi thành lập khu phi quân sự xung quanh nhà máy này.
Nga sẽ “kiếm bộn” từ xuất khẩu năng lượng trong năm nay
Nga dự kiến sẽ bỏ túi 337,5 tỷ USD trong năm nay chỉ tính riêng xuất khẩu năng lượng, theo một tài liệu của Bộ Kinh tế Nga được hãng thông tấn Reuters nhìn thấy và đưa tin hôm 17/8.
Khối lượng xuất khẩu dầu cao hơn, cùng với giá xăng dầu tăng, sẽ thúc đẩy thu nhập của Nga từ xuất khẩu năng lượng lên 337,5 tỷ USD trong năm nay, tăng 38% so với năm 2021, theo tài liệu trên.
Doanh thu tăng vọt, nếu thành hiện thực, sẽ giúp củng cố nền kinh tế Nga trước làn sóng trừng phạt của phương Tây.
Nó sẽ cung cấp cho Tổng thống Vladimir Putin thêm tài chính để tài trợ cho các hoạt động quân sự hoặc tăng lương và lương hưu vào thời điểm nền kinh tế Nga rơi vào suy thoái và lạm phát đang làm xói mòn mức sống.
Tuy nhiên, sự bùng nổ về thu nhập từ năng lượng chỉ bù đắp một phần thiệt hại từ các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế Nga nói chung, các nhà phân tích cho biết.
“Tác động của các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế Nga là rất không đồng đều. Trong một số lĩnh vực, tác động là rất thảm khốc, chẳng hạn như ngành công nghiệp xe hơi. Trong khi lĩnh vực dầu mỏ tương đối không bị tổn hại”, ông Janis Kluge, cộng sự cấp cao tại Viện Các vấn đề Quốc tế và An ninh Đức, cho biết.
Bên cạnh công nghiệp ô tô, ông cho rằng CNTT và tài chính là 2 trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ông Kluge lưu ý: “Những lĩnh vực này có mối liên hệ chặt chẽ nhất với phương Tây và do đó chịu ảnh hưởng nặng nề nhất”.
Tài liệu của Bộ Kinh tế Nga cũng dự báo thu nhập từ xuất khẩu năng lượng của Nga sẽ giảm xuống còn 255,8 tỷ USD trong năm tới, vẫn cao hơn con số năm 2021 là 244,2 tỷ USD, theo Reuters.
Bộ Kinh tế Nga đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Gã khổng lồ năng lượng Đức báo lỗ do xung đột ở Ukraine
Nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Đức là Uniper đã lỗ hơn 12,3 tỷ Euro (12,5 tỷ USD) trong nửa đầu năm 2022, DW đưa tin hôm 17/8.
Theo DW, công ty cho biết, khoản lỗ bao gồm 6,5 tỷ Euro liên quan đến việc gián đoạn vận chuyển khí đốt từ Nga do cuộc xung đột quân sự ở Ukraine.
Trong nhiều tháng qua, Uniper đã đóng một vai trò quan trọng trong việc ổn định nguồn cung khí đốt của Đức - với cái giá phải trả là hàng tỷ Euro thiệt hại do lượng khí đốt từ Nga giảm mạnh, CEO của Uniper Klaus-Dieter Maubach cho biết.
C hâu Âu cạn kiệt viện trợ quân sự cho Ukraine?
Hỗ trợ quân sự của châu Âu dành cho Ukraine đã giảm dần kể từ tháng 4, theo dữ liệu từ Viện Kiel, trang Politico.eu đưa tin hôm 17/8.
Dữ liệu cho thấy, trong suốt tháng 7, sáu quốc gia lớn nhất châu Âu không đưa ra cam kết quân sự song phương mới nào cho Ukraine. Tháng 7 là tháng đầu tiên xảy ra tình trạng này kể từ khi Nga phát động tấn công quân sự vào đất nước Đông Âu.
Tiết lộ này là một dấu hiệu cho thấy, bất chấp những thay đổi lịch sử trong chính sách quốc phòng của châu Âu - vốn đã từng chứng kiến những quốc gia từng miễn cưỡng như Pháp và Đức chuyển vũ khí cho Ukraine - viện trợ quân sự cho Ukraine có thể sẽ suy yếu ngay khi Kiev đang tiến hành một cuộc phản công quan trọng.
Dữ liệu mới, dự kiến được công bố chính thức hôm 18/8, đến từ Viện Kinh tế Thế giới Kiel, cơ quan đã duy trì một Bộ theo dõi Hỗ trợ Ukraine trong suốt cuộc chiến. Dữ liệu cho thấy một điểm mà giới các quan chức quân sự và chính trị gia Ukraine đã nhiều lần cảnh báo: Các cường quốc lớn của châu Âu không theo kịp Anh, Ba Lan và Mỹ về viện trợ quân sự cho Ukraine và các sáng kiến viện trợ mới có xu hướng cạn kiệt.
Minh Đức (Theo Newsweek, NYT, DW, Al Jazeera)