Bất chấp kinh tế khó khăn, que kem giá 10 USD hay lon bia hàng trăm USD đang bán chạy và thu lợi nhuận khủng tại quốc gia này, vì sao?
Nếu như trước đây người dân Trung Quốc thường mạnh tay chi tiền cho quần áo hay trang sức xa xỉ thì giờ đây họ đang vung tiền cho các mặt hàng ăn uống đắt đỏ. Những ly kem với giá lên tới 10 USD đang ngày càng bán chạy và mở rộng hoạt động kinh doanh.
Từ xưa đến nay, người tiêu dùng Trung Quốc thường được biết đến với việc chi tiêu xa hoa cho túi xách, quần áo và phụ kiện cao cấp mang thương hiệu xa xỉ phương Tây.
Tuy nhiên trong năm nay, những làn gió tồi tệ trong kinh tế đã ngăn cản những người tiêu dùng Trung Quốc vung tay cho những món đồ xa xỉ đó. Thay vào đó, những món ăn, thức uống thủ công cũng như các thiết bị hợp thời trang thông minh đã lọt vào mắt xanh của họ.
Các thương hiệu đã bắt kịp xu hướng này bao gồm Kweichow Moutai, được biết đến nhiều nhất với chai rượu baijiu trị giá 300 USD, loại rượu phổ biến của Trung Quốc thường xuất hiện trong các bữa tiệc. Họ đã cho ra mắt kem trộn baijiu với giá 10 USD/cốc vào tháng 5 và bất ngờ đạt doanh thu khủng 2,5 triệu nhân dân tệ trong ngày đầu tiên.
Budweiser Brewing Châu Á-Thái Bình Dương, một đơn vị thuộc công ty Anheuser-Busch InBev cho biết bia cao cấp, bia thủ công và những lon bia đóng gói đặc biệt có giá hàng trăm USD đang được bán chạy tốt đến không ngờ.
Ông Mark Tanner, người sáng lập công ty tiếp thị China Skinny, cho biết: “Người tiêu dùng Trung Quốc đang nuông chiều bản thân bằng những món đồ ăn thức uống nhỏ nhặt nhưng có giá đắt đỏ đó”.
Sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng đã chứng kiến nhiều nhóm người trở nên cực kì tiết kiệm trong bối cảnh kinh tế ngày càng ảm đạm.
Chính sách zero Covid của Trung Quốc và việc thường xuyên thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội đã gây cản trở các hoạt động kinh doanh và các mặt hàng tiêu dùng. Lĩnh vực bất động sản cũng đang đối mặt với khủng hoảng trong khi nhóm ngành công nghệ hay gia sư đã hạn chế mạnh việc tuyển dụng, góp phần làm tăng tỉ lệ thất nghiệp ở độ tuổi thanh niên.
Nền kinh tế đã thoát khỏi sự suy giảm trong quý 2 và doanh số bán lẻ tăng 0,5% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 8 so với cùng kỳ năm trước, khác xa với mức tăng trưởng khoảng 8% đến 9% trong những năm gần đây.
Các thương hiệu cao cấp ở phương Tây đang bị tổn hại nặng nề tại thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới này. Tập đoàn Burberry và tập đoàn Pháp Kering, nơi sở hữu các thương hiệu cao cấp như Gucci và Yves Saint Laurent, đều báo cáo doanh số bán hàng tại Trung Quốc giảm 35% so với cùng kì quý 3 năm trước.
Lucy Lu, 31 tuổi, một cư dân Thượng Hải làm việc trong lĩnh vực tiếp thị cho một thương hiệu thời trang trong nước cho biết, cô là một trong nhiều người tiêu dùng đang tìm cách thay đổi thói quen trong cách chi tiêu của mình.
“Trước đây, khi tôi thích một chiếc túi xách hay món đồ mỹ phẩm đắt tiền, tôi sẽ không cần suy nghĩ và mua nó. Nhưng giờ đây với tình hình kinh tế khó khăn, tôi sẽ phải suy nghĩ thật kĩ trước khi định mua nó. Ăn tối giờ đây là cách tôi nuông chiều bản thân”, chị cho biết.
Đối với một số người bán đồ ăn và thức uống thủ công, sự thay đổi mới trong hành vi của người tiêu dùng đang mở ra một cơ hội hoàn hảo để mở rộng.
Ông Gerard Low, người sáng lập thương hiệu kem Dal Cuore có trụ sở tại Thượng Hải, nơi một muỗng kem có giá khoảng 40 nhân dân tệ (5,60 USD) đang có kế hoạch mở cửa hàng thứ 5 tại thành phố lớn này. Lượng khách của họ đang quay trở lại ngày càng lớn sau những ngày tháng thực hiện giãn cách xã hội.
Ông cũng lưu ý rằng nhiều gia đình, thay vì chủ yếu là những người trẻ tuổi, đang đến các cửa hàng của ông để thưởng thức.
Ông Low nói thêm rằng: “Vào những lúc khách hàng cảm thấy tồi tệ trong cuộc sống, mọi người muốn cảm thấy tốt hơn thì việc ăn một que kem có thể rất hữu ích."
Theo WSJ
Theo Như Quỳnh