Bất chấp gió lớn, doanh nghiệp Đông Nam Á có thể cưỡi sóng lao ra biển lớn

Chia sẻ Facebook
10/05/2022 10:26:13

Những khó khăn từ đại dịch, căng thẳng địa chính trị, thương mại... khó có thể ngăn cản các doanh nghiệp Đông Nam Á vượt lên.


Năm 2022 khởi đầu trong bối cảnh chưa dễ dàng. Biến chủng Omicron ảnh hưởng nặng nề đến các nền kinh tế đang trên đà phục hồi khi nhiều quốc gia phải áp dụng trở lại các hạn chế đi lại kéo theo gián đoạn chuỗi cung ứng cùng với giá nhiên liệu tăng dẫn đến lạm phát cao và xảy ra trên diện rộng hơn mức dự báo ban đầu.

Tiêu dùng cá nhân phục hồi chậm hơn kỳ vọng cũng hạn chế triển vọng tăng trưởng của một số quốc gia. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm từ mức 5,9% của năm 2021 xuống 4,4% cho năm nay, nghĩa là giảm nửa điểm phần trăm so với mức dự báo đưa ra trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (World Economic Outlook) tháng 10 năm ngoái.

Bên cạnh những thách thức đó là tác động do xung đột ở Ukraine khiến thị trường năng lượng thế giới trở nên bất ổn và các dự báo tăng trưởng trở nên kém chắc chắn. Đôi khi họa vô đơn chí, tin xấu dường như cứ nối đuôi nhau xảy ra.

Không ngạc nhiên khi trong những tình huống đó, nhu cầu "tự cung tự cấp " và các chính sách bảo hộ trở nên phổ biến trong hai năm qua trong bối cảnh các nước kiểm soát đường biên chặt chẽ để phòng chống dịch.

Tuy nhiên, đó không phải con đường chúng ta nên đi. Hơn bao giờ hết, các nước cần khôi phục mở cửa biên giới và tăng cường hợp tác.

Hợp tác kinh tế là chìa khóa để đảm bảo tất cả cùng thoát khỏi đại dịch một cách êm thấm. Đó còn là cách giúp giảm thiểu chi phí lâu dài do những hệ quả nghiêm trọng của Covid và tối đa lợi ích từ những nỗ lực tái thiết của các nước do đại dịch.

Nếu muốn một ví dụ điển hình, hãy nhìn vào khu vực Đông Nam Á.


Khai thông con đường mang tên "tự do"

Cả khu vực đều vững tin rằng thịnh vượng kinh tế chung được xây dựng trên nền tảng tự do thương mại, đầu tư và con người. Với việc chuỗi cung ứng chuyển hướng sang Đông Nam Á, sự tăng cường hợp tác đang nâng tầm khu vực trở thành tâm điểm thế giới về sự cởi mở và kết nối. Tương lai còn có thể được cải thiện để trở nên tốt đẹp hơn.

Những đợt giãn cách gần đây cùng các quy định về "hộ chiếu vắc-xin" đã làm gia tăng bất ổn vốn không bao giờ là tin tốt cho các nền kinh tế đang trên đà phục hồi.

Lúc này, động thái của chính phủ có thể giúp bù đắp phần nào cho tình hình đó. Ví dụ, đầu tháng 1, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã ký quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership - RCEP). Kế hoạch nhằm phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức liên quan, quyết định biện pháp chỉ đạo, điều hành và các biện pháp khác để triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả Hiệp định này. Đây là một ví dụ tiềm năng đáng học hỏi.

Không ngạc nhiên khi Việt Nam rất tích cực thúc đẩy nỗ lực để tận dụng Hiệp định RCEP tối đa. Theo báo cáo từ Ngân hàng Thế giới (World Bank), trong kịch bản lạc quan nhất, khi tất cả các điều khoản có lợi được áp dụng, Việt Nam là một trong những nước được hưởng lợi nhất từ Hiệp định. Thu nhập của Việt Nam được dự báo có thể tăng 4,9% so với mức cơ bản, cao hơn tất cả các nước khác trong RCEP. Các nước này có mức thu nhập ước tính chỉ tăng 2,5%.

Thêm nữa, Quy tắc Xuất xứ hàng hóa của RCEP cho phép các thị trường ASEAN được phép nhập khẩu lên đến 60% linh kiện hàng hóa từ các nền kinh tế không tham gia RCEP (theo các điều khoản giá trị gia tăng) để bán hàng miễn thuế trong phạm vi Hiệp định. Điều đó mở ra nhiều cơ hội cho các nước để đa dạng hóa chuỗi cung ứng với các bên thứ ba để "phòng thủ" hiệu quả trước những bất trắc trong tương lai.

Các nền kinh tế muốn kích thích sản xuất và tăng trưởng xuất khẩu có thể tìm cách khai mở dòng vốn thông qua những biện pháp như cải cách đầu tư nước ngoài.

Một số động thái có thể cân nhắc là xem xét danh sách hạn chế đầu tư, ưu đãi thuế cho một số lĩnh vực và tăng tốc quy trình phê duyệt đầu tư. Nhiều thay đổi trong số này cũng đã được trình lên quốc hội các nước và nhiều khả năng các đề xuất này sẽ được thông qua.

Đông Nam Á đã chứng kiến sự bùng nổ của kinh tế số trong vòng hai năm qua, mức độ tăng trưởng không khu vực nào trên thế giới có thể sánh kịp. Chỉ tính riêng trong năm 2020, 40 triệu người dân Đông Nam Á lần đầu gia nhập thế giới trực tuyến (theo báo cáo của Google, Bain và Temasek). Ngày nay, cả khu vực hiện có 400 triệu người sử dụng internet.

Tại Việt Nam, người tiêu dùng chuyển sang tìm kiếm giải pháp trực tuyến để giải quyết khó khăn trong những đợt giãn cách. Kết quả là tính tới 2021, Việt Nam có thêm 8 triệu người dùng dịch vụ số mới kể từ khi đại dịch bắt đầu, tỷ lệ người dùng mới cao hơn mức bình quân của khu vực Đông Nam Á. Khi tiêu dùng trực tuyến đã trở thành một phần của đời sống của người dân, tỷ lệ duy trì sử dụng dịch vụ số cũng rất cao, 97% người dùng mới vẫn tiếp tục sử dụng dịch vụ trực tuyến và 99% có ý định duy trì thói quen này trong tương lai.

Với nhiều doanh nghiệp, hai năm qua là quãng thời gian họ tập trung chủ yếu vào nhanh chóng triển khai ứng dụng công nghệ và duy trì hoạt động trên không gian mạng. Tuy nhiên, nhiều thay đổi vẫn mang tính giải pháp tình thế tạm thời. Những thay đổi này cần tiếp tục được đẩy mạnh và ứng dụng sâu rộng bởi chính người tiêu dùng Đông Nam Á về cơ bản cũng dần chuyển sang mua sắm online rất nhiều, mua sắm trực tuyến đã trở thành một phong cách sống. Doanh nghiệp tất nhiên không thể một tay xoay chuyển được tình thế.


Những điểm sáng đáng lưu ý

Xét dưới góc độ chính sách, cải thiện nền tảng số, trong đó có thể kể đến tăng tốc độ xử lý giao dịch thanh toán cho doanh nghiệp và đồng bộ tiêu chuẩn dữ liệu, sẽ giúp hai bên mua bán tự tin và minh bạch hơn rất nhiều.

Tổng giá trị thanh toán toàn cầu được dự báo sẽ đạt 156 nghìn tỷ USD trong năm 2022, các giao dịch xuyên quốc gia đóng vai trò là đầu mối quan trọng trong kết nối toàn cầu. Tầm quan trọng của giao dịch xuyên biên giới càng được nhấn mạnh trong bối cảnh kinh tê số đóng vai trò chính yếu hơn.

Sự kiện Singapore và Thái Lan kết nối thành công hệ thống thanh toán theo thời gian thực (PayNow and PromptPay) vào năm 2021 không chỉ đánh dấu sự ra đời của một liên kết thanh toán xuyên biên giới đầu tiên trên thế giới mà còn là cột mốc quan trọng trong tiến trình hiện thực hóa tiềm năng kinh tế số của Đông Nam Á.

Trong lần hợp tác này, Cơ quan Tiền tệ Singapore và Ngân hàng Thái Lan hướng tới một mục tiêu chung là mở rộng mạng lưới liên kết này thành hệ thống thanh toán bán lẻ phủ khắp ASEAN. Đã đến lúc ngân hàng trung ương và các hiệp hội ngân hàng ở các nước Đông Nam Á khác cần tính đến nước cờ tiếp theo cho bản thân.

Câu chuyện phát triển thanh toán tại Việt Nam cũng không kém phần thú vị. Ví dụ, theo chúng tôi được biết, đã có doanh nghiệp vận chuyển hàng container quốc tế sử dụng hệ thống thanh toán thời gian thực tại địa phương để thu phí từ khách hàng. Nhờ vậy, quy trình thông quan cho hàng hóa nhập cảng được đẩy nhanh hơn, gia tăng tốc độ dòng chảy thương mại và hiệu quả giao dịch cho doanh nghiệp

Những ví dụ như vậy sẽ thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ hơn của cả ngành dịch vụ tài chính lẫn các thị trường Đông Nam Á khác, hướng tới mục tiêu cuối cùng là một giải pháp thực sự mang tầm cỡ khu vực. Tạo điều kiện cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng giao dịch xuyên biên giới, Đông Nam Á sẽ sớm khai phóng tiềm năng khổng lồ của nền kinh tế số trong khu vực.


Chặng đường phía trước

Chính những sáng kiến kiểu này sẽ đồng thời hỗ trợ và bổ trợ thêm cho những động thái của chính phủ theo nhiều cách. Phối hợp các giải pháp quốc gia về mặt bản chất và thời điểm, đồng thời gia tăng tốc độ dòng chảy thương mại sẽ giúp tạo dựng lòng tin cho các thị trường tài chính và cộng đồng nhà đầu tư.

Ngoài ra, chia sẻ thông tin và tập hợp nguồn lực cũng cho phép cộng đồng quốc tế tìm thấy giải pháp chung cho những vấn đề của thế giới, ví dụ như bài học rút ra từ nền tảng thanh toán theo thời gian thực của Thái Lan/Singapore. Mặc dù thanh toán nội địa của nhiều nước đã có những bước phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, thanh toán xuyên biên giới lại vấp phải nhiều khó khăn để có thể lột xác. Thông thường, có hai cách để đạt được tiêu chuẩn thống nhất trong một ngành, hoặc cả thế giới hiệp lực tạo ra một tiêu chuẩn được tất cả mọi người công nhận, hoặc các bên có liên quan và cùng mối quan tâm cùng ngồi lại để tìm tiếng nói chung. Thành công của MAS và BOT là một minh chứng cho thấy hiệu quả của cách thứ hai, thể hiện sức mạnh của sự hợp tác giữa các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp công nghệ và các tổ chức đa phương nhằm đi đến những kết quả hữu hình. Đây là bài học quý báu không chỉ cho các nước ASEAN mà với nhiều nơi trên thế giới.

Chúng ta đã phải trải qua tình trạng thay đổi trong vòng ba năm qua. Hãy nhìn vào những biến đổi về địa chính trị cũng như tình hình đại dịch trong ba tháng gần đây. Thay đổi này sẽ kéo theo đổi thay khác. Chúng ta cần tận dụng đà này, cưỡi lên những cơn sóng đó để tiến về phía trước.

Sẽ ý nghĩa hơn nhiều nếu cả cộng đồng quốc tế cùng làm như vậy thay vì một thị trường riêng lẻ. Chúng ta đã và đang xây dựng một con đường mang tính quốc tế. Vậy nên, hãy cùng tận dụng tối đa công năng của nó.

Chia sẻ Facebook