Bất cập phương thức tuyển sinh, nhiều trường thiếu sinh viên

Chia sẻ Facebook
04/10/2022 11:47:40

Chưa tuyển đủ số thí sinh theo chỉ tiêu đăng ký nên đến thời điểm này, hàng loạt trường Đại học trên cả nước đã thông báo tuyển sinh bổ sung chỉ tiêu.


Theo quy định, đến hết ngày 30/9, thí sinh dù đã có tên trong danh sách trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học trên hệ thống được xem là từ chối nhập học. Điều này đồng nghĩa các trường đã kết thúc việc tuyển sinh. Tuy nhiên, do chưa tuyển đủ số thí sinh theo chỉ tiêu đăng ký nên đến thời điểm này, hàng loạt trường Đại học trên cả nước đã thông báo tuyển sinh bổ sung chỉ tiêu. Đáng chú ý, các trường thiếu chỉ tiêu không chỉ rơi vào các trường tư thục mà cả các trường Đại học công lập, những trường có điểm chuẩn đầu vào cao.


Nhiều trường Đại học phải xét tuyển bổ sung


Tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm nay của trường Đại học Hùng Vương là trên 2.000. Kết thúc đợt xét tuyển đầu tiên, trường chỉ mới tuyển được dưới 500 chỉ tiêu. Vì thế trường phải tuyển sinh bổ sung đến 1.600 chỉ tiêu, gấp 3 lần so với con số đã tuyển được đợt 1.

Nhiều trường Đại học cả công lập và ngoài công lập cũng chung tình trạng này. Thậm chí một số trường, số thí sinh nhập học dựa trên kết quả thi THPT năm nay thấp hơn, chỉ đạt khoảng 70% năm 2021. Các trường chưa lý giải được vì sao có tình trạng cạn nguồn thí sinh như vậy.

PGS.TS Trần Mạnh Hà - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ tin học (Huflit) - chia sẻ: "Năm nay bị cạn nguồn, một số ngành du lịch khách sạn, luật năm ngoái không còn nguồn, không đạt chỉ tiêu tuyển sinh đối với phương thức xét tuyển THPT. Dù kéo về điểm sàn vẫn không đủ nguồn, chưa hiểu vì sao có sự biến động như vậy, kéo về sàn nhưng không còn thí sinh nữa".

Theo các trường Đại học, năm nay việc xét tuyển bổ sung của các trường tăng cả ở khối trường công lập và ngoài công lập. Thậm chí có trường, những ngành xét tuyển bổ sung lại là những ngành có điểm chuẩn cao.

Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Gia Định - thông tin: "Chưa có năm nào như năm nay, nhiều trường đại học công lập mà cũng phải bổ sung rất nhiều chỉ tiêu. Chúng tôi không hiểu thí sinh đang ở đâu, quy định như vậy có phù hợp với hiện tại không?".

Kết thúc đợt 1 kì tuyển sinh năm 2022, cả nước có khoảng 90 trường Đại học xét tuyển bổ sung. Điều này khiến cho nhiều trường băn khoăn, liệu rằng, việc xét tuyển 1 nguyện vọng duy nhất và thực hiện quy trình tuyển sinh mới có tác động đến kết quả tuyển sinh hay không?

Nguyên nhân và hệ lụy khi nhiều trường đại học khó tuyển sinh

Tuyển không đủ chỉ tiêu không chỉ khiến các trường bị động mà ngay cả các thí sinh cũng phải đôn đáo từ quê lên thành phố, tranh thủ nộp hồ sơ ngay để chắc chân vào trường và ngành mình mong muốn. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này là câu hỏi đặt ra hiện nay.


Ngay khi biết trường và ngành mong muốn tuyển bổ sung chỉ tiêu bằng hình thức xét học bạ, nhiều sinh viên đã vội vàng nộp hồ sơ nhập học vào các trường. Thay đổi trong quy chế tuyển sinh năm nay khiến các trường gặp khó khi không chủ động dự báo trước được chỉ tiêu tuyển sinh .

PGS.TS Đinh Đức Anh Vũ - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh - cho biết: "Thí sinh gặp khó khăn khi đăng ký nguyện vọng trên hệ thống tuyển sinh và chính các trường đại học cũng gặp khó khăn với hệ thống này".

TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh - cho hay: "Dữ liệu ban đầu có vẻ như chưa chính xác nên có thể dẫn đến chính sách chưa hoàn chỉnh ngay từ thời điểm các em đăng ký trên hệ thống. Chúng ta đã thấy rõ viễn cảnh các trường chắc chắn thiếu chỉ tiêu và thiếu rất nhiều".


Theo các trường, một trong những nguyên nhân khiến các trường không tuyển đủ chỉ tiêu là do thiếu cân đối cung cầu, số chỉ tiêu gần bằng số thí sinh đăng ký nguyện vọng . Lẽ ra chỉ tiêu tuyển sinh phải dựa trên nhu cầu lao động và số dân chứ không thể chỉ dựa vào nhu cầu tuyển sinh của các trường.

Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Quốc tế TP Hồ Chí Minh (ICH) - nói: "Chỉ tiêu tuyển sinh phải căn cứ trên nhu cầu lao động, loại hình lao động và bậc lao động trên thị trường chứ không thể căn cứ vào nhu cầu của mỗi trường. Hiện nay, tổng chỉ tiêu Đại học và Cao đẳng vượt hơn 1,1 chỉ tiêu tuyển sinh của cả nước nên có tình trạng một số trường tuyển không đủ thí sinh".

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh (UEF) - cho rằng: "Các trường phải xây dựng được kế hoạch về các phương thức xét tuyển và đo lường độ ảo khi các bạn nộp hồ sơ. Tuy nhiên, năm nay các trường bị động nên công tác tự chủ giảm đi rất nhiều so với trước".

Để khắc phục tình trạng này, các trường đã phải chuyển hướng, điều chỉnh bổ sung chỉ tiêu ngay để có đủ thí sinh. Thế nhưng, hàng trăm trường thiếu thí sinh sau khi kết thúc tuyển sinh đợt 1, nghĩa là chừng đó trường bị động trong bố trí lớp học. Công tác đào tạo của nhiều trường bị đảo lộn, khi đã bước sang tháng 10 nhưng nhiều khoa, ngành vẫn chưa đủ sinh viên để khai giảng.

Giải pháp cho tuyển sinh và đào tạo đại học và đào tạo nghề

Năm 2022, cả nước có khoảng hơn 1 triệu thí sinh thi tốt nghiệp THPT nhưng có khoảng trên 620.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng vào đại học. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu vào các trường Đại học là 560.000 thí sinh. Tức là số chỉ tiêu đang gần bằng số thí sinh đăng ký nguyện vọng vào Đại học. Điều đó có nghĩa là cứ đăng ký là trúng tuyển Đại học. Số còn lại, trên 300.000 thí sinh sẽ vào Cao đẳng, Trung cấp nghề, đi du học hoặc những con đường khác như lao động trong nước hoặc xuất khẩu lao động.

Điều này cho thấy sự mất cân đối trong quy hoạch đào tạo, "thầy" nhiều hơn "thợ". Do đó, cần có giải pháp để tránh tình trạng các trường đại học cạn nguồn, tuyển không đủ thí sinh; mất cân đối giữa "cung" đào tạo và "cầu" nhân lực.

Lịch khai giảng của một trường Đại học tại TP Hồ Chí Minh đã phải lùi lại khoảng 1 tháng so với những năm học trước. Những năm trước, tân sinh viên có 2 - 3 tuần làm quen với môi trường giáo dục đại học trước khi chính thức bước vào năm học mới. Năm nay, thực hiện việc tuyển sinh theo quy trình mới khiến kế hoạch tuyển sinh và đào tạo của trường thay đổi. Mong muốn của các trường là được tự chủ về quy trình tuyển sinh như trước đây.

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh (UEF) - cho hay: "Bộ vẫn quản lý nhưng công tác tuyển sinh và chương trình và thời gian nên để các trường chủ động để cân đối kế hoạch thời gian đào tạo".

Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Gia Định - nói: "Bộ nên trả lại quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học để các trường chủ động hơn".

PGS.TS Đinh Đức Anh Vũ - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh - chia sẻ: "Tuyển sinh là công tác tự chủ của các trường đại học. Bộ có thể định hướng, hỗ trợ các trường, nên để công tác tuyển sinh cho các trường đại học".

Theo các chuyên gia, việc tư vấn hướng nghiệp cho học sinh cần làm sớm, chú trọng công tác hướng nghiệp phân luồng sớm cho học sinh phổ thông đặc biệt, tập trung ngay từ cấp THCS.

TS Lê Thị Thanh Mai - Trưởng Ban Công tác sinh viên Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh - nói: "Cần chú trọng công tác quy hoạch, phân luồng, hướng nghiệp học sinh sớm, tránh để bị động đào tạo cung - cầu không cân đối".

Theo ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nguồn nhân lực, cần có quy hoạch tổng thể giữa cung đào tạo và cầu nhân lực của xã hội. Đặc biệt cần điều phối của một nhạc trưởng, để đảm bảo người cung và cầu giữa các đơn vị đào tạo và dạy nghề phù hợp với nhu cầu tuyển dụng nhân lực của xã hội.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội giáo dục nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh - cho biết: "Đại học và hệ thống giáo dục nghề nghiệp, cao đẳng và trung cấp phải là một thể thống nhất trong hệ thống đào tạo gắn liền cùng với nền tảng giáo dục phổ thông, trung học giáo dục phổ thông cơ sở. Chúng ta phải tính toán đến tổng nguồn lực cũng như tổng thị trường lao động để có những con số cân đối điều chỉnh cho hợp lý".

Các chuyên gia cho rằng, để tránh tình trạng các trường đại học bị động trong tuyển sinh, cần phát huy vai trò điều phối chỉ tiêu đào tạo đại học và dạy nghề ở bậc cao đẳng, trung cấp. Có quy hoạch rõ chỉ tiêu đào tạo nhân lực sẽ tránh mất cân bằng cung - cầu: sinh viên ra trường không có việc làm trong khi doanh nghiệp khát nhân lực, tuyển không ra người.

Chia sẻ Facebook