"Bắt buộc" học tiếng Anh, Tin học để bảo đảm công bằng giáo dục
Việc mọi học sinh được học 2 môn này chính là đảm bảo cho tương lai của các em cũng như sự phát triển của đất nước sau nhiều năm nữa.
Nghị quyết 88 của Quốc hội đã đưa ra nguyên tắc khi xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là phải đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các ban ngành liên quan đã tổ chức khảo sát, đánh giá thực tế trước khi triển khai.
Ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay: "Phân tích sâu thì thấy, nhóm chưa được học rơi vào các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, hải đảo. Để đảm bảo công bằng trong giáo dục thì phải đưa 2 môn này vào bắt buộc".
Bắt buộc, địa phương nào cũng phải tổ chức dạy. Thế nhưng, ở nơi quá khó khăn, nguồn lực thiếu mà cái gì cũng cần đầu tư, nhiều địa phương băn khoăn, liệu có thể lùi thời gian thực hiện việc này?
Ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết thêm: "Nếu không đưa vào bắt buộc thì có khả năng nhiều địa phương như Hà Giang, Điện Biên, một số xã đảo của Kiên Giang sau hàng chục năm nữa cũng chưa thực hiện".
Vậy là năm học này, học sinh lớp 3 trên cả nước đã và sẽ được học tiếng Anh, Tin học. Đưa vào bắt buộc, không chỉ đảm bảo công bằng cho học sinh vùng khó khăn, việc bắt buộc này còn mang lại lợi ích chung cho học sinh ở các vùng miền khác là sẽ được học tiếng Anh, Tin học mà không phải đóng bất cứ một khoản kinh phí nào. Đó cũng là những chính sách ưu việt của nhà nước trong giáo dục.
Chính sách ưu việt nhưng nguồn lực thực hiện thì sao? Vấn đề lớn hiện nay là thiếu giáo viên. Không chỉ vùng sâu vùng xa, hầu hết các địa phương trên cả nước đều thiếu.
Giáo viên thiếu nhưng chương trình bắt buộc vẫn phải dạy. Vậy là các địa phương, các nhà trường xoay xở đủ cách.
Mọi cách xoay xở khi thiểu giáo viên
Từ năm học này, cứ mỗi tuần, thầy Hòa sẽ phải đi thêm 80km đồi núi. Thầy là giáo viên của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Thượng Phùng. Vì thiếu giáo viên nên sẽ tăng cường dạy thêm cho một trường nữa.
Thầy Hòa chỉ dạy thêm 1 trường chứ có những giáo viên phải dạy thêm 3-4 trường. Cán bộ ở phòng Giáo dục của huyện cũng được huy động để dạy học nhưng thế vẫn chưa đủ. Theo quy định, trường bán trú phải đạt tỷ lệ 2,2 giáo viên cho một lớp nhưng ở trường này, tỷ lệ chỉ có 1 giáo viên/lớp. Giáo viên không dám ốm.
Thầy Cao Duy Chương là Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Sùng Máng, Mèo Vạc, Hà Giang. Vài năm nữa là nghỉ hưu. Nhưng vì thương học trò, lại cũng chịu khó học hỏi, thầy tình nguyện dạy môn Tin học. Tự soạn bài giảng điện tử, chủ động đi xin máy tính hỏng về làm mô hình, thầy đã cố gắng để những học sinh của mình năm nay được học Tin học như các bạn mọi vùng miền khác.
Với những người thầy này, vượt mọi khó khăn, vất vả để dạy học sinh, ngoài nhiệm vụ bắt buộc thì hơn cả, đó vẫn là tình yêu thương với học trò!
Khó khăn trong tuyển dụng giáo viên
Phòng máy tính đã sẵn sàng để dạy học sinh lớp 3 nhưng giáo viên thì chưa có. Cả tỉnh Yên Bái đã 2 lần tổ chức tuyển dụng nhưng vẫn không có đủ giáo viên.
Biết là thu hút giáo viên, nhất là giáo viên tiếng Anh, Tin học lên vùng núi sẽ khó khăn, nên huyện Mèo Vạc đã đưa ra mức lương hợp đồng khá cao nhưng kết quả cũng vẫn chưa đạt.
Ngay cả khi tuyển dụng được thì ở những vùng quá khó khăn, nhiều giáo viên cũng chỉ dạy được thời gian ngắn là bỏ việc.
Lương thấp, công việc nhiều, trách nhiệm cao, áp lực lớn, chẳng cứ vùng khó khăn, ngay cả những vùng thuận lợi giờ tuyển giáo viên cũng chẳng dễ dàng.