Bất bình đẳng vẫn tồn tại dai dẳng trên thế giới
Đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng hơn tình trạng bất bình đẳng trên toàn cầu.
Trước đại dịch COVID-19, tình trạng bất bình đẳng có xu hướng cải thiện. Tuy nhiên, đại dịch đã lật ngược mọi xu hướng tích cực trước đó. Nhóm người có thu nhập thấp có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, khoảng cách về thu nhập giữa các nhóm nước cũng bị nới rộng.
Năm 2021, trước thềm Diễn đàn kinh tế thế giới Davos, tổ chức từ thiện Oxfam đã ra báo cáo, trong đó cảnh báo đại dịch COVID-19 làm trầm trọng hơn tình trạng bất bình đẳng trên toàn cầu khi giúp tăng tài sản cho nhóm người giàu nhất thế giới nhưng ngược lại cũng khiến những người nghèo nhất phải mất nhiều năm mới có thể phục hồi.
Trong báo cáo có tựa đề "Virus bất bình đẳng", tổ chức Oxfam cho biết, đây là lần đầu tiên tất cả các nước trên thế giới cùng lúc ghi nhận gia tăng tình trạng bất bình đẳng. Theo báo cáo này, 1.000 người giàu nhất thế giới đã bù đắp được thua lỗ do COVID-19 chỉ trong 9 tháng. Song những người nghèo nhất có thể mất hơn 10 năm mới có thể phục hồi.
Trong giai đoạn từ tháng 3 - 9/2020, tài sản tích lũy của các tỷ phú thế giới đã tăng thêm 3.900 tỷ USD lên 11.950 tỷ USD. Trong đó, tài sản ròng của 10 người giàu nhất thế giới đã tăng thêm tới 540 tỷ USD. Số tiền này đủ để không ai bị rơi vào cảnh nghèo đói do đại dịch và chi trả mua vaccine ngừa COVID-19 cho tất cả mọi người trên thế giới.
Ngày 27/4, Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) công bố báo cáo cho thấy tình trạng bất bình đẳng và thiếu đầu tư cho bảo trợ xã hội và y tế cộng đồng là nguyên nhân khiến Mỹ Latin có tỷ lệ tử vong cao do COVID-19 và biến khu vực này trở thành tâm điểm của cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch gây ra.
Báo cáo nghiên cứu do AI và Trung tâm về Quyền kinh tế xã hội (CESR) thực hiện đánh giá rằng, mặc dù Mỹ Latin chỉ chiếm 8,4% dân số thế giới nhưng lại là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về kinh tế và sức khỏe, với 56,4 triệu ca mắc COVID-19 và 1,2 triệu người không qua khỏi, chiếm 28% tổng số ca tử vong toàn cầu. Báo cáo khẳng định những quốc gia có chỉ số bất bình đẳng cao nhất và dành chi tiêu công thấp nhất cho y tế và bảo trợ xã hội là những nước phải gánh chịu thiệt hại nhiều nhất.
Cụ thể, những quốc gia bất bình đẳng nhất trong khu vực như Mexico, Brazil và Peru - nơi 1% dân số giàu có nhất tích lũy hơn 30% tài sản quốc gia - có tỷ lệ ca tử vong trên tổng số dân cao nhất ở Mỹ Latin. Tình trạng tương tự diễn ra ở Chile, nơi 20% dân số giàu nhất có thu nhập gấp 10 lần so với 20% tổng số người nghèo nhất.
Theo báo cáo, trong thời kỳ đại dịch, gần như không quốc gia Mỹ Latin nào mở rộng bảo hiểm y tế hoặc thực hiện những biện pháp cần thiết để triển khai các cơ chế an sinh xã hội toàn dân. Quyền giám đốc điều hành CESR Kate Donald nhận định, nếu các quốc gia trong khu vực hành động từ những thập kỷ trước đại dịch, Mỹ Latin đã có thể tránh được đáng kể thiệt hại về người. Mặc dù vậy, các chính phủ trong khu vực vẫn còn cơ hội ngăn chặn thảm họa tiếp theo do bất bình đẳng gây ra và chuyển sang nền kinh tế dựa vào huy động các nguồn lực một cách chủ động.