Bảo vệ mã vùng cho “vua trái cây“
Việt Nam chính thức xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc là cơ hội lớn cho loại quả được mệnh danh “vua trái cây”. Bà con nông dân cần xác định mã vùng sầu riêng là tài sản quý phải được bảo vệ chặt chẽ, nếu gian lận sẽ bị thu hồi, thậm chí bị hủy.
UBND tỉnh Đắk Lắk vừa tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch quản lý, giám sát, phát triển mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu. Đây là địa phương có diện tích sầu riêng đứng thứ hai cả nước (hơn 15.000 héc-ta, sau tỉnh Tiền Giang), ước sản lượng thu hoạch khoảng 170.000 tấn/năm.
Giữa tháng 9/2022, Đắk Lắk xuất lô sầu riêng quả tươi đầu tiên của cả nước sang thị trường tỷ dân bằng hình thức chính ngạch, mở ra cơ hội mới cho loại quả “vua trái cây”.
Dù mới được Trung Quốc phê duyệt 51 mã vùng trồng cho 11 tỉnh và 25 cơ sở đóng gói trong cả nước nhưng vừa qua đã xuất hiện tình trạng mạo danh mã số vùng trồng để xuất khẩu, hay xuất hiện thông tin nhập nhèm mã vùng trồng giữa người dân và doanh nghiệp… Tình trạng này đặt ra vấn đề cho các ban ngành trong việc quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng, nếu không sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam.
Bà Ngô Tường Vy, Giám đốc Cty CP tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, đang xây dựng nhà máy chế biến sầu riêng, dự kiến đi vào hoạt động năm 2023 với công suất 70 nghìn tấn/năm. Đầu ra sản phẩm phía doanh nghiệp đã lo, vấn đề còn lại là khâu sản xuất, liên kết, đăng ký mã số vùng trồng để được tiêu thụ là của người dân và sự hỗ trợ của ban ngành liên quan.
“Chúng ta cần biết sản phẩm của mình như thế nào để đáp ứng được yêu cầu, thị hiếu của thị trường. Đặc biệt, chúng ta cần đề cao chất lượng, uy tín sản phẩm; các ban ngành kiểm soát, ngăn chặn gian lận thương mại, để tạo sự cạnh tranh công bằng, bảo vệ các doanh nghiệp làm thật. Để làm được điều này cần có sự quản lý, kiểm tra chặt chẽ ngay từ khâu cấp, quản lý mã số vùng trồng”, bà Vy thông tin.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, toàn tỉnh có 1.500 héc-ta sầu riêng được cấp 23 mã vùng trồng. Diện tích trồng sầu riêng toàn tỉnh còn rất lớn nên thời gian tới, địa phương tiếp tục xây dựng để được cấp mã vùng trồng, đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch.
Ông Huỳnh Ngọc Dương-Phó giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk cho hay, tiềm năng xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Trung Quốc của Việt Nam rất lớn. Tuy nhiên, mặt hàng này cũng đang chịu áp lực cạnh tranh từ các nước như Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Đặc biệt, khi Việt Nam được xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, chính quyền Thái Lan đã kiểm soát triệt để thủ tục xuất khẩu sầu riêng sang thị trường tỷ dân (từ khâu mã vùng trồng). Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng mà Việt Nam cần lưu ý. Bởi khi xuất khẩu cần phải giữ uy tín, chất lượng, thương hiệu sản phẩm mới có thể cạnh tranh công bằng, bền vững với các nước khác. Ông Dương nhấn mạnh, ngành sầu riêng cần tập trung chế biến sâu. Các bộ, ngành Việt Nam tiếp tục đàm phán với phía Trung Quốc cho xuất khẩu sầu riêng tách vỏ, tách múi..., có như vậy, sầu riêng mới có thị trường bền vững.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị Sở NN&PTNT xem xét diện tích sản lượng sầu riêng so với nhu cầu thị trường. Ông Hà viện dẫn bài học từ cà phê. “Ngày trước, chúng ta cũng làm ngành cà phê phát triển, xuất khẩu bền vững, sản lượng tăng lên nhưng đến nay cơ bản xuất thô. Nếu cà phê được chế biến sâu thì giá trị kinh tế đã rất lớn”, ông Hà đặt vấn đề.
Hiện nay sầu riêng Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Việc phụ thuộc vào một thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, phía ngành công thương đang nỗ lực kết nối, tìm kiếm, mở rộng thị trường quốc tế thông qua tham tán các nước.
Ông Huỳnh Ngọc Dương-Phó giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk