Bảo tồn rừng Trường Sơn
Andrew Tilker là một trong số ít những nhà khoa học phương Tây đã dành nhiều năm tháng cho núi rừng Trường Sơn.
Anh hiện là cán bộ châu Á của tổ chức quốc tế Re:wild, đặc biệt tập trung vào các loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Đông Nam Á.
Đến Việt Nam từ năm 2012, Tilker vừa làm công tác bảo tồn, vừa nghiên cứu, góp sức vào nhiều khám phá nổi bật về hệ động vật của nước ta.
* Trong số các "báu vật sống" ở Trường Sơn, loài vật nào mang đến cho anh nhiều cảm xúc nhất?
Andrew Tilker: Với tôi, loài thỏ vằn thật đặc biệt, vì đây là loài tôi rất quan tâm trong suốt sự nghiệp của mình. Khi bắt đầu làm nghiên cứu tiến sĩ, một trong những mục tiêu của tôi là phải hiểu hơn về loài vật này, để dùng kiến thức đó cho việc bảo tồn.
Chúng tôi đã khảo sát nhiều vùng ở Việt Nam và Lào, nhận thấy rằng loài này vẫn hiện diện trong khu vực, nhưng số lượng cá thể suy giảm đáng kể.
Nhờ kết quả nghiên cứu đó mà thỏ vằn được đưa vào Sách đỏ IUCN ở mức độ Nguy cấp (Endangered). Sự kiện này đã thật sự thay đổi cách chúng ta bảo tồn chúng. Kế hoạch giải cứu thỏ vằn hiện bao gồm trong tự nhiên thông qua các vùng rừng đặc dụng, nhưng cũng cần tiến hành nhân giống bảo tồn…
Đây là ví dụ cho thấy một khối lượng công việc lớn đã dẫn đến sự am hiểu về mức độ quý hiếm của một loài, sau đó dẫn đến chính xác những gì chúng ta cần làm để ngăn chúng không tuyệt chủng.
Tôi đã được nhìn thấy một con thỏ vằn ngoài đời, điều mà không ai trong chúng tôi dám kỳ vọng. Được gặp tận mắt một loài động vật quá bí ẩn và quý hiếm là trải nghiệm đáng nhớ nhất mà tôi có ở Việt Nam.
* Với một loài động vật lẩn trốn quá tốt, thành ra quá bí ẩn, quá ít người bắt gặp, cuộc sống có dễ dàng hơn vì không có con người?
Thỏ vằn đang bị đe dọa, ở mọi nơi, vì bẫy thú rừng đang rải rác khắp Việt Nam. Có hàng trăm ngàn cái bẫy trong những khu vực được bảo vệ, đe dọa bất kỳ con thú nào, kể cả thỏ.
* Với những kẻ săn bắt trái phép động vật hoang dã, liệu công bố về một phát hiện thú quý hiếm có thể bị lợi dụng?
Tôi cho rằng các nhà khoa học và nhà bảo tồn phải hết sức thận trọng khi công bố về một phát hiện liên quan đến bất kỳ loài quý hiếm nào.
Đã từng có những trường hợp được ghi nhận, khi nhà khoa học công bố về một loài bò sát hiếm chẳng hạn, ngay sau đó quần thể loài gặp áp lực khủng khiếp vì người ta đổ vào rừng để tìm chúng.
Tôi và các đồng nghiệp vừa thảo luận chính câu hỏi này cách đây không lâu, liên quan đến loài cheo cheo. Chúng tôi muốn tiếp tục nghiên cứu trước đó bằng những hoạt động bảo tồn thực tế.
Nhưng để làm được điều đó, chúng tôi cần phải huy động tiền, và vì vậy cần phải công bố thông tin về cheo cheo… Rất khó để gây quỹ cho một ý tưởng bí mật, phải không nào?
Đây là một tình huống rất khó xử. Chúng tôi đi đến giải pháp là công bố cheo cheo được "tái" phát hiện, chúng ta thực sự cần phải bảo vệ chúng… nhưng tôi sẽ không nói bạn biết chúng đang ở đâu.
* Từ nghiên cứu đến bảo tồn, quá trình đó thường diễn ra như thế nào?
Tôi nghĩ có 2 thứ quan trọng nhất mà nhà khoa học có thể cung cấp cho nhà bảo tồn. Đầu tiên, chúng tôi có thể xây dựng các mô hình phân bố để giúp hiểu hơn về vị trí sinh sống của loài đó trên một bối cảnh rộng lớn.
Khi biết các loài thú đang ở đâu, chúng ta có thể tăng cường việc bảo vệ những khu vực đó, chẳng hạn bằng cách đẩy mạnh hoạt động tháo bẫy thú. Thứ hai, chúng tôi xác định đường cơ sở về số lượng cá thể. Ý tưởng là theo dõi một quần thể theo thời gian và xem liệu các nỗ lực bảo tồn của ta có thực sự hiệu quả hay không.
* Anh có góp ý nào cho công tác bảo tồn ở Việt Nam hiện nay?
Theo kinh nghiệm của tôi, những vùng rừng đặc dụng của Việt Nam đã làm rất tốt trong việc ngăn chặn khai thác gỗ bất hợp pháp.
Hầu như ở bất cứ nơi nào tôi đến, phá rừng bị xem xét rất nghiêm trọng. Động lực chính trị tương tự như thế lại chưa được dành cho nạn giăng bẫy, đặt bẫy. Nên tôi nghĩ rằng điều này cần thay đổi.
Ngoài ra, bên ngoài các khu vực được bảo vệ, như ở thành phố lớn như TP.HCM, các bạn cần ra sức giảm thiểu các nhu cầu (về thịt rừng). Chừng nào ở các thành phố còn có người sẵn sàng trả tiền cho thịt thú rừng, thì sẽ luôn có nhu cầu, và áp lực lên rừng sẽ còn mãi.
* Quay lại điểm bắt đầu, lý do gì đã đưa anh đến Việt Nam?
Mắc kẹt trong tâm trí tôi là mấy điều mà E.O. Wilson, một nhà khoa học Mỹ nổi tiếng, đã từng viết. Ông ấy nói rằng với một nhà khoa học trẻ mới vào nghề, bạn nên cố gắng đi đến những nơi chưa nhiều người đến.
Và khi tôi càng đọc về đa dạng sinh học ở Việt Nam, tôi càng nhận ra sự đặc biệt của nơi này, và tôi càng bị sốc khi biết rằng chẳng có mấy người - ít nhất là từ phương Tây - đang làm việc ở đó. Nó có vẻ là một giới hạn mới của tôi.
* Có ý kiến rằng với những nước đang phát triển, bảo tồn là công việc xa xỉ. Anh nghĩ sao về điều đó?
Tôi có thể hiểu được tại sao tồn tại ý kiến đó. Góc nhìn của tôi là: ta có thể vẽ lên bản đồ để phân biệt nước này với nước khác, nhưng đến cuối cùng, chúng ta đều ở trên cùng một hành tinh, một mái nhà, và chúng ta chỉ có một mà thôi.
Vì vậy, chúng ta phải bảo vệ đa dạng sinh học ở mọi nơi, bất kể là Đức hay Mỹ, Việt Nam hay Campuchia. Tôi không tin rằng nhân loại có quyền trì hoãn cuộc chiến này.
* Xin cảm ơn anh.
Không chỉ hổ, một số loài động vật có vú đặc hữu quý hiếm đang lẩn khuất trong núi rừng Trường Sơn rộng lớn, không thể tìm thấy ở nơi nào khác. Với chúng, tuyệt chủng tại khu vực này đồng nghĩa với việc biến mất khỏi Trái đất vĩnh viễn…
Những "báu vật sống" của dãy Trường Sơn hiện nay có thể kể đến: sao la (Pseudoryx nghetinhensis), mệnh danh là "Kỳ lân châu Á", được phát hiện lần đầu năm 1992; mang lớn (Muntiacus vuquangensis) được công bố năm 1994 tại huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh).
Mang Roosevelt (Muntiacus rooseveltorum), thuộc hàng bí ẩn nhất thế giới, được "tái" phát hiện ở Thanh Hóa năm 2014 - sau hơn 80 năm bị xem là đã tuyệt chủng. Và loài thỏ vằn Trường Sơn (Nesolagus timminsi), mới được mô tả chính thức vào năm 2000…
Có một sự thật đáng bận tâm là khi giới khoa học bắt đầu biết đến những loài kể trên, tức là vào những năm 1990, chúng đã đối mặt nguy cơ tuyệt chủng rồi. Ngày nay, số lượng cá thể của những loài này ở nước ta tuy còn rất ít, nhưng đủ để thắp lên hy vọng bảo tồn.
Mặc dù con người đã đào bới và chiếm lĩnh gần như toàn bộ hành tinh này, ít nhất là trên đất liền, vẫn còn nhiều loài vật mà khoa học chưa biết đến, không rõ chúng đang ở đâu và tập tính như thế nào.
Trên thực tế, những loài bị đe dọa nhiều nhất thường cũng là những loài bí ẩn và khó tìm nhất, đặc biệt là ở những khu rừng nhiệt đới rậm rạp như của nước ta.
Đó là một vấn đề khó chịu, bởi vì mức độ thành công của hoạt động bảo tồn sẽ phụ thuộc vào mức độ am hiểu về loài vật được bảo vệ. Làm sao ta có thể bảo vệ một thứ mà chẳng biết được nó đang ở đâu?
Thỏ vằn Trường Sơn là một trường hợp như thế. Loài thỏ nhỏ nhắn này có bộ lông màu gỉ sắt với những sọc sẫm màu chạy khắp cơ thể. Chúng thường kiếm ăn vào ban đêm và sống đơn độc, cộng với bản tính cảnh giác cao độ của nhà thỏ.
Các phương pháp nghiên cứu động vật hoang dã truyền thống đã trở nên vô ích, như bắt nhốt tạm thời để lấy mẫu máu, mẫu lông, hay chờ đợi nhiều ngày trong rừng để quan sát...
Vì vậy, sau hơn 20 năm biết mặt nhau, thỏ vằn vẫn là một bí ẩn đầy quyến rũ với các nhà khoa học.
Nhưng với sự giúp đỡ đầy đức hy sinh của loài vắt hút máu, chúng ta có thể gián tiếp thu được mẫu máu của thỏ vằn, tức là có được gene của chúng mà không tốn nhiều công sức tìm kiếm. Kỹ thuật này sử dụng "invertebrate-derived DNA" (iDNA), tạm dịch là ADN lấy từ động vật không xương sống.
Từ bữa ăn cuối cùng của loài ký sinh - bên cạnh vắt còn có ve, muỗi và ruồi - iDNA được trích xuất và giải trình tự gene, nhà khoa học sẽ nhận dạng mã di truyền, qua đó xác định được các loài động vật có vú nào đã hiện diện trong khu vực đó vào thời điểm vắt "đi săn".
Mặc dù nguồn vật liệu di truyền thu thập từ những con vắt bị phân hủy tương đối, iDNA đã được chứng minh là một giải pháp nhiều hứa hẹn, theo nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học trong nước và quốc tế đăng trên tập san Environmental DNA tháng 9-2021.
Đầu năm ngoái, nhóm này cũng công bố một nghiên cứu khác sử dụng vắt để đánh giá sự đa dạng gene của loài thỏ vằn.
Một trong các tác giả của 2 nghiên cứu trên, nhà sinh vật học Nguyễn Văn Thành (Viện nghiên cứu vườn thú và động vật hoang dã Leibniz, Đức) đã chia sẻ với Tuổi Trẻ Cuối Tuần về một ngày "bắt vắt" điển hình.
Khoảng 6 - 7 giờ sáng, nhóm nghiên cứu rời vị trí đóng trại và đi bộ khoảng 2km để đến các địa điểm được chỉ định trong rừng.
H ọ thu thập vắt xung quanh các vị trí đặt bẫy ảnh, hoặc ở những vị trí được xác định bằng phương pháp khoa học.
Sau 7 - 10 hôm ngang dọc khắp một mảng rừng, nhóm ra ngoài nghỉ ngơi vài ngày, chuẩn bị thêm lương thực, rồi quay trở lại rừng.
"Khó khăn lớn nhất hiện là thiếu nguồn nhân lực, thiếu những người theo đuổi lâu dài, ở nhiều vị trí… Máy móc, thiết bị tuy tương đối đắt đỏ nhưng cố gắng xoay xở để hỗ trợ nhau được" - anh Thành nói. Việc phân tích iDNA từ những con vắt bắt ở Trường Sơn hiện vẫn phải mang sang Đức để xử lý.
Những nghiên cứu sử dụng iDNA như trên là những mảnh ghép đầu tiên cho một bức tranh lớn hơn: xây dựng cơ sở dữ liệu di truyền của các loài vật ở Việt Nam.
Về cơ bản, như hành động tra cứu danh bạ, người dùng có thể so sánh, nhận diện trình tự gene của các mẫu vật, thậm chí khi chúng đã qua chế biến, khó có thể phân biệt, nhận dạng bằng hình thái bên ngoài.
Anh Thành đưa ra ví dụ: "Khi phát hiện một con tê tê bị bán ở Việt Nam, nhờ mã di truyền mà ta sẽ biết được nó bị bắt từ Malaysia sang", từ đó góp phần ngăn chặn việc khai thác và buôn bán trái phép động vật hoang dã.
Kho dữ liệu gene động vật Việt Nam còn phục vụ công tác nghiên cứu và bảo tồn.
Chẳng hạn trong việc tái thả động vật hoang dã, mã di truyền giúp ta biết được nên thả con vật ở đâu, phía Bắc hay phía Nam, để nó quay về môi trường sống ban đầu và tránh trộn lẫn các nguồn gene.
Viện tài nguyên và môi trường thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội đang xây dựng một "bức tranh" như thế.
Nội dung: LÊ MY Đồ hoạ: NGỌC THÀNH