Bão số 5 hướng vào Trung Bộ, dự báo có mưa lớn
Cơ quan dự báo cho biết tổng lượng mưa tích lũy cả đợt tính tính từ đêm ngày 13-10 đến hết ngày 16-10 ở khu vực từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, khu vực Bắc Tây Nguyên phổ biến từ 200-500 mm, có nơi trên 600 mm; riêng khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi 400-600 mm, có nơi trên 800 mm.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn quốc gia, hồi 13 giờ ngày 14-10, vị trí tâm bão số 5 khoảng 14.4 độ Vĩ Bắc; 111.0 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 350 km, Quảng Nam khoảng 305 km, Quảng Ngãi khoảng 260 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất: cấp 8, giật cấp 10.
gif .
Vị trí và dự báo huớng di chuyển của bão số 5. nguồn: Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia
Vùng biển phía Tây Bắc của khu vực giữa Biển Đông có mưa rào và dông mạnh; gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh.
Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh. Vùng biển từ Quảng Trị đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10, biển động mạnh.
Trên đất liền: Từ chiều tối ngày 14-10, khu vực đất liền ven biển các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định có khả năng chịu ảnh hưởng của gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9.
Khu vực giữa Biển Đông, sóng biển cao từ 3-5 m; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), sóng biển cao từ 4-6 m; vùng biển từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận, sóng biển cao từ 2-4 m.
Ven biển các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định cần đề phòng nước dâng cao 0,2-0,4 m, kết hợp với triều cường và sóng lớn gây ngập úng vùng trũng, thấp, sạt lở bờ biển.
Trước đó, ngày 13-10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Công điện 939/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum và các bộ ngành về việc tập trung khắc phục hậu quả và chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lũ tại miền Trung.
Công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung ứng phó nguy cơ mưa lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, trong đó: tổ chức rà soát, kiểm tra ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở, khu vực nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, nhất là khu dân cư, trường học, trụ sở để chủ động sơ tán người khỏi khu vực nguy hiểm; bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát chặt chẽ, hỗ trợ, hướng dẫn giao thông qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết để bảo đảm an toàn; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại khi xảy ra mưa lũ, ngập lụt...