Bão số 4 di chuyển nhanh, có xu hướng mạnh lên
Cảnh báo vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới sẽ từ vĩ tuyến 12,5 đến 20 độ Bắc; phía Đông kinh tuyến 110 độ Đông.
Bão số 4 gây sóng cao, gió lớn, biển động dữ dội cho nhiều vùng biển
Bão số 4 đang ở cách huyện đảo Hoàng Sa khoảng 650km về phía Đông. Cường độ cấp 12, giật cấp 14. Bão đang có xu hướng mạnh trở lại, do tiến tới vùng biển ấm nhất trên biển Đông. Nhiệt độ mặt nước biển khoảng 31 độ C.
Khả năng khi đi qua phía Nam huyện đảo Hoàng Sa, bão sẽ đạt cấp mạnh nhất trên Biển Đông, cấp 13-14, giật tới cấp 16. Khi ảnh hưởng đến đất liền, bão vẫn còn mạnh cấp 12-13, giật trên cấp 14.
Đây là một cơn bão đi nhanh và cường độ rất mạnh, cực kỳ nguy hiểm, có thể đánh đắm cả những tàu có trọng tải lớn. Trong khi đó, đến sáng 26/9, vẫn còn 177 tàu cá với gần 1.400 ngư dân còn hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão số 4.
Tình huống đang rất cấp bách, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã có Công văn hỏa tốc số 76 gửi các địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đề nghị bằng mọi biện pháp thông báo, kêu gọi, hướng dẫn các tàu cá di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm của bão hoặc về nơi tránh trú an toàn.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý từ trưa 27/9, vùng biển ngoài khơi Quảng Bình đến Ninh Thuận gồm các huyện đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn gió mạnh cấp 8- 9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12-14, giật cấp 17, sóng cao 8-10m, biển động dữ dội.
Từ tối và đêm 27/9, vùng biển ven bờ Thừa Thiên Huế đến Bình Định sóng cao 3-5m, vùng gần tâm bão 6-8m.
Bão số 4 di chuyển nhanh, dự báo chỉ gần 2 ngày nữa, tức sáng sớm thứ Tư sẽ đi vào đất liền Trung Trung Bộ với sức gió mạnh tới cấp 12-13, tương đương với cơn bão SANGSANE năm 2006.
Vì thế, gió mạnh là mối nguy hiểm hàng đầu của cơn bão này. Vùng cảnh báo gió mạnh rất rộng, từ Quảng Trị trở vào Ninh Thuận và Kon Tum, Gia Lai đều có gió từ cấp 6, giật từ cấp 9 trở lên. Trong đó, khu vực Đà Nẵng - Bình Định sẽ hứng chịu gió mạnh nhất.
Cảnh báo từ sáng sớm 28/9, gió ở đây mạnh cấp 8-10, giật cấp 12-13; vùng gần tâm bão cấp 12-13, giật cấp 14-15. Sức gió này gây tốc mái, thậm chí kéo sập các căn nhà không kiên cố. Thời gian không còn nhiều, người dân cần khẩn trương gia cố nhà cửa, sẵn sàng sơ tán khi có yêu cầu của chính quyền.
Dự báo thời tiết ngày và đêm 26/9:
Dải hội tụ nhiệt đới và gió mùa Tây Nam tiếp tục gây mưa cho khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, Tây Nguyên, Nam Bộ trong chiều, tối. Cục bộ có mưa to 20-40mm, có nơi trên 70mm. Trong cơn dông đề phòng lốc sét, gió giật mạnh.
Ở Bắc miền Trung, chiều 26/9, một số thành phố là Huế, Đông Hà, Hà Tĩnh có lúc mưa dông, nhiệt độ 29 - 31 độ C. Còn Vinh, Thanh Hóa hoàn toàn nắng ráo, 32 độ C.
Ở miền Bắc, sau buổi sáng mát mẻ, trưa chiều 26/9 trời nắng mạnh và nóng lên. Nhiệt độ cao nhất tại Hà Nội và các thành phố phổ biến 30 - 33 độ C.
Trên biển, do ảnh hưởng của bão, huyện đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12-14, giật cấp 16; biển động dữ dội. Nam Biển Đông gồm huyện đảo Trường Sa gió cấp 5 - 6, giật cấp 7-8; biển động.
Các địa phương khẩn trương ứng phó bão số 4
Thời điểm này, nhiều tỉnh, thành miền Trung đang chuẩn bị các phương án ứng phó với bão.
Các địa phương khẩn trương hỗ trợ người dân chèn chống nhà cửa, sẵn sàng phương án sơ tán dân sống trong các nhà không bảo đảm an toàn; đáp ứng lương thực, thực phẩm, các điều kiện sinh hoạt tối thiểu cho người dân khi đến nơi sơ tán.
Các công việc này được yêu cầu hoàn thành trong ngày 26/9 đồng thời triển khai phương án phòng chống ngập úng, đảm bảo an toàn về điện. Theo dõi diễn biến của bão, thời tiết để chủ động cho học sinh, học viên, sinh viên nghỉ học.