'Bão sa thải' trong ngành công nghệ tăng tốc
Các lãnh đạo trong ngành công nghệ bị chỉ trích vì "xin lỗi suông", sau khi để nhân viên trả giá cho sai lầm của họ.
'Bão sa thải' trong ngành công nghệ tăng tốc
Ngay trước Lễ Tạ ơn tại Mỹ, CEO Amazon Andy Jassy thông báo sẽ sa thải 18.000 nhân viên. Đây là đợt cắt giảm quy mô lớn hơn dự báo ban đầu. Hồi tháng 11/2022, New York Times cho biết công ty dự kiến cắt giảm 10.000 nhân viên. Trước đó 2 tháng, Amazon thông báo công ty có tổng cộng 1,5 triệu người.
Tại Amazon và các công ty công nghệ khác, nửa cuối năm ngoái được nhớ tới với bão sa thải, đóng băng tuyển dụng và cắt giảm những chi phí khác.
Theo CNN , năm 2022 đã đặt dấu chấm hết cho thời kỳ hoàng kim của ngành công nghệ. Nhưng bước sang năm 2023, các nhân viên trong ngành công nghệ đều chuẩn bị tinh thần cho những điều tồi tệ hơn.
Sa thải sau khi tuyển dụng ráo riết
Cùng ngày với Amazon, Salesforce thông báo cắt giảm 10% nhân sự và giảm diện tích thuê văn phòng nhằm tái cấu trúc. Tính đến tháng 12/2022, công ty phần mềm Mỹ tuyển dụng hơn 79.000 nhân viên.
Ngay ngày hôm sau, nền tảng thời trang kỹ thuật số Stitch Fix tiết lộ kế hoạch sa thải 20% nhân viên sau đợt cắt giảm 15% vào năm ngoái.
Các công ty công nghệ đang đối mặt với những thách thức từ mọi mặt. Đại dịch đã mang tới sự bùng nổ trong nhu cầu đối với các dịch vụ kỹ thuật số. Đó là giai đoạn những doanh nghiệp này ráo riết tuyển dụng.
Nhưng việc nới lỏng các hạn chế chống dịch cũng kéo nhu cầu đi xuống. Người tiêu dùng trở lại với cuộc sống thường ngày. Thêm vào đó, lãi suất tăng cao khiến nguồn vốn đổ vào những công ty công nghệ vơi dần.
Các công ty công nghệ cần khoản tiền này để rót vào những ván cược đổi mới. Lãi suất tăng cao cũng khiến các công ty trong ngành không còn được định giá cao ngất ngưởng.
Bước sang năm 2023, lo ngại suy thoái và những bất ổn kinh tế vẫn đang đè nặng lên người tiêu dùng và các cơ quan quản lý.
Các đợt sa thải đã xuất hiện trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và có dấu hiệu sẽ lan sang những khu vực khác. Nhưng tình hình ở Thung lũng Silicon vẫn trái ngược hoàn toàn với nền kinh tế nói chung.
Báo cáo việc làm của Bộ Lao động Mỹ cho thấy số việc làm đã tăng mạnh trong năm 2022. Ở chiều ngược lại, dữ liệu của Challenger, Grey & Christmas chỉ ra tỷ lệ sa thải trong ngành công nghệ đã tăng 649% trong năm 2022 so với năm trước đó. Cùng kỳ, tỷ lệ này của toàn bộ nền kinh tế chỉ 13%.
Trong thư gửi tới các nhân viên trong tháng này, ông Jassy thừa nhận Amazon cần cắt giảm chi phí đáng kể "trong bối cảnh kinh tế bất ổn". Ông cho rằng tập đoàn đã tuyển dụng quá ồ ạt trong vài năm qua.
Đó cũng là lập luận chung của các lãnh đạo khác trong ngành công nghệ.
Vẫn chưa kết thúc
Còn các sếp công nghệ như Mark Zuckerberg của Meta, Marc Benioff của Salesforce cho rằng họ đã đánh giá sai về nhu cầu đối với sản phẩm công nghệ, vốn bùng nổ trong thời kỳ đại dịch.
Trong một bức thư gửi nhân viên, đồng CEO Marc Benioff cho biết khách hàng đang cân nhắc nhiều hơn trước khi quyết định mua hàng do môi trường kinh tế vĩ mô thách thức. Điều đó khiến Salesforce phải "đưa ra quyết định rất khó khăn" là sa thải nhân viên.
"Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về cách giải quyết. Khi doanh thu tăng nhanh nhờ đại dịch, chúng ta đã tuyển dụng ồ ạt. Điều đó dẫn tới vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt khi kinh tế suy yếu", ông thừa nhận.
Vị đồng CEO cho biết ông "chịu trách nhiệm cho việc này".
Nhưng giống như các lãnh đạo công nghệ khác, không rõ Benioff có phải trả bất cứ cái giá nào, về chức vụ hay thu nhập, hay không.
Bà Patricia Campos-Medina - Giám đốc điều hành của Viện Công nhân tại Trường Quan hệ Lao động và Công nghiệp của Đại học Cornell - chỉ trích đó chỉ là những "lời xin lỗi suông". Còn người lao động đang phải trả giá cho sai lầm của các lãnh đạo.
Tuy nhiên, bà dự đoán rằng nhiều nhân viên trong ngành công nghệ sẽ tìm được việc làm và ổn định trong trung, dài hạn.
Nhưng đến nay, làn sóng sa thải vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.
Theo ông Dan Ives - nhà phân tích tại Wedbush Securities, các đợt sa thải tại Salesforce và Amazon cho thấy làn sóng sa thải sẽ lan sang năm 2023, khi lĩnh vực công nghệ ứng phó với môi trường cầu giảm.
Ông cho rằng ngành công nghiệp đang phải cắt giảm chi phí sau khi vung tiền mạnh tay để theo kịp nhu cầu.
Hơn nữa, thị trường lao động đang phát triển mạnh mẽ. Nhưng ngày càng nhiều nhân viên lo ngại rằng tình trạng sa thải trong ngành công nghệ có thể lan rộng sang những nơi khác.
Theo đó, Thung lũng Silicon có thể một lần nữa dẫn đầu xu hướng, nhưng theo cách không ai muốn.
Thảo My