Bạo phát bạo tàn: Số phận nghiệt ngã của loài kiến điên ở Texas

Chia sẻ Facebook
03/04/2022 23:16:10

Những con kiến này từng đuổi chim ra khỏi tổ, cắn mù mắt thỏ, giết chết gà và sống nhởn nhơ trong ổ điện của con người.

Trong khi nhân loại đã có 3 năm hứng chịu đại dịch COVID-19, trong một thế giới nhỏ bé, bên dưới những đám cỏ xanh và nền rừng ở Texas, một nỗi kinh hoàng cũng xảy đến với các loài côn trùng, bò sát và thú nhỏ: Kiến điên.


Không phải là một biệt danh, đó là cái tên gần như chính thức để các nhà khoa học Mỹ gọi loài kiến có danh pháp Nylanderia fulva ở Texas. Loài kiến này không phải một loài bản địa ở Mỹ, nhưng chúng đã "quá giang" từ Argentina và Brazil vào Texas trên những con tàu viễn dương.


Ngay sau khi tìm được miền đất mới, kiến Nylanderia fulva đã phát triển một cách điên loạn.


Tại sao lại gọi là kiến điên?

Đó là bởi những con kiến nhỏ thó có màu nâu cam này không bao giờ di chuyển theo hàng lối mà toàn chạy loạn.


Khi chúng đi từ điểm A đến điểm B, thay vì tạo thành một " sợi chỉ" xuyên suốt, đàn kiến điên sẽ tạo thành " những dòng sông " giống như dung nham núi lửa, nhà sinh vật học Ed LeBrun đến từ Đại học Texas cho biết. " Đó là một cảnh tượng kinh dị".

Trên đường đi, kiến điên sẽ tấn công bất kể sinh vật nào nó bắt gặp, từ nhện, bọ cạp, thằn lằn cho đến rắn. Những con kiến điên này còn đuổi chim ra khỏi tổ và từng cắn mù mắt thỏ.

Mặc dù kiến điên cắn không đau bằng kiến lửa, nhưng nồng độ axit formic mà chúng tiết ra tương đương như một liều nọc độc. Trong cuộc chiến giữa hai loài kiến, các nhà khoa học nhận thấy kiến điên có thể dùng chính axit formic để giải 98% nọc độc kiến lửa.

Với sức mạnh ấy, kiến điên không ngán bất kỳ loài động vật nào, kể cả gia súc và gia cầm của con người. Xác một con gà đã từng được tìm thấy giữa một bầy kiến, trong khi gia súc thường bị tấn công vào móng guốc, lỗ mũi và khu vực xung quanh mắt.

Kể từ năm 2019 tới nay, khi kiến điên lan rộng ra tới 27 quận của Texas, các nhà sinh vật học nhận thấy một số quần thể động vật địa phương đã suy giảm mạnh. Hoặc là những con vật này buộc phải chạy sang khu vực khác lánh nạn, hoặc là chúng đã trở thành mồi cho lũ kiến.

Còn đây là nạn nhân khác, một con dế.

Và một con chim, kiến điên thường tấn công xung quanh mắt những con vật lớn.


" Không chỉ phá hủy hệ sinh thái, loài kiến này còn làm rối loạn cuộc sống của con người" , LeBrun nói. Vì một lý do nào đó, kiến điên bị thu hút bởi dòng điện. Chúng thường làm tổ trong các thiết bị điện của con người như máy bơm nước thải hay thùng kỹ thuật.

Ở đó, lũ kiến có thể đục thủng lớp cách điện, cắn nát dây dẫn và đã nhiều lần làm chập cầu dao và bộ xoay chiều. Các nỗ lực thông thường để tiêu diệt kiến điên của con người đều thất bại. Loài kiến này có thể tránh bẫy và kháng các loại thuốc diệt côn trùng phổ thông.

Đến nỗi, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) phải đặc cách cho Texas sử dụng một loại thuốc trừ sâu phổ rộng được gọi là fipronil để tiêu diệt chúng.

Fipronil có thể gây rối loạn hệ thần kinh trung ương của côn trùng từ đó giết chết chúng. Nhưng loại thuốc này khi được sử dụng trong hệ sinh thái cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, bao gồm tiêu diệt cả các quần thể sinh vật có ích và làm ô nhiễm nguồn nước của con người.

Kiến điên làm tổ trong một hộp điện.


Bạo phát bạo tàn

Tuy nhiên, mới đây trong một nghiên cứu đăng trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ, LeBrun đã thông báo một tin vui. Theo đó, ông và các đồng nghiệp của mình tại Đại học Texas đã tìm thấy một cách hữu hiệu để tiêu diệt kiến điên, sử dụng một loài nấm được gọi là Microsporidia.

Trước đây, loài nấm này từng lây nhiễm một số loài kiến khác không phải kiến điên. Nhưng trong quá trình 8 năm LeBrun theo dõi 15 đàn kiến điên ở Texas, ông nhận thấy gần đây nấm Microsporidia đã tiến hóa thêm một chi mới gọi là Myrmecomorba nylanderiae.

Chi M. nylanderiae bây giờ có thể tấn công kiến điên bằng cách ăn mô mỡ trong bụng của chúng, biến những con kiến nhiễm bệnh thành nhà máy sản xuất bào tử, giết chết chúng rồi tiếp tục lây nhiễm những con kiến khác.

Các bào tử nấm M. nylanderiae lây nhiễm và giết chết kiến điên.


Đối với loài kiến điên, nấm M. nylanderiae bây giờ giống như một đại dịch. Bởi loài kiến này có dân số rất lớn và sống tập trung thành những thuộc địa khổng lồ giống như những siêu đô thị của con người, tốc độ lây lan nấm M. nylanderiae trong quần thể kiến điên là khủng khiếp.


"Nó làm giảm tuổi thọ của kiến thợ và làm giảm khả năng ấu trùng phát triển được thành kiến thợ trưởng thành ", Lebrun nói. "T ốc độ tăng trưởng giảm trong khi tỷ lệ tử vong tăng lên " sẽ là thảm họa với quần thể kiến.

Quan sát cho thấy tất cả các quần thể kiến điên nhiễm nấm đều có dân số suy giảm mạnh, thường là trong mùa đông. Tới 62 quần thể kiến điên thậm chí đã bị nấm M. nylanderiae xóa sổ hoàn toàn.

Chúng tôi đã theo dõi những quần thể kiến điên ngoài tự nhiên và thấy rằng nhiều trong số đó đang biến mất – những quần thể này đang sụp đổ và sắp tuyệt chủng – đó là một bất ngờ lớn"


Dưới bàn tay vô hình của tiến hóa

Ngay khi bạn có một thứ nào đó phát triển đến mật độ cao, chính thứ đó sẽ trở thành nguồn năng lượng. Và rồi đột nhiên chúng trở thành nguồn năng lượng tiềm năng cho một thứ khác xuất hiện",

Ứng với một loài xâm lấn như kiến điên, chúng có thể phát triển mạnh nhờ khai thác năng lượng từ cảnh quan và các loài bản địa. Nhưng chính khi loài này chạm được đến đỉnh cao, nó có thể đột ngột sụp đổ bởi sự xuất hiện của một loài khác coi nó là thức ăn.

Trong trường hợp này, nấm Microsporidia đang lây nhiễm các loài kiến khác đã thấy kiến điên là một vật chủ dồi dào. Chúng đã tiến hóa thành chi mới M. nylanderiae chỉ để lây nhiễm loài kiến này.

Nhưng cũng chính bởi vậy, M. nylanderiae không lây nhiễm các loài kiến khác. LeBrun đã làm các thí nghiệm cho thấy chi nấm này chỉ đặc biệt tương thích với gen của kiến điên, điều này càng khiến nó lây lan mạnh, nhưng chỉ trong quần thể kiến điên mà không ảnh hưởng đến các loài kiến và côn trùng bản địa khác.

Và thế là LeBrun nảy ra một ý, ông muốn dùng nấm M. nylanderiae như một thứ vũ khí sinh học để kiểm soát loài kiến này. Trong một thí nghiệm, LeBrun đã cố tình hợp nhất hai tổ kiến điên, một tổ đã bị nhiễm nấm M. nylanderiae và một tổ thì chưa.

Ông làm điều này bằng cách rắc xúc xích giữa hai tổ kiến để khi chúng đi kiếm ăn sẽ chạm trán với nhau. Kết quả là tổ kiến điên sạch bệnh đã nhiễm bệnh. Mức độ lây nhiễm đã tăng theo cấp số nhân.

Cùng một thủ thuật đó, LeBrun đã thả những con kiến điên nhiễm nấm M. nylanderiae và xóa sổ được toàn bộ quần thể kiến điên trong Công viên Tiểu bang Estero Llano Grande. Các loài động vật bản địa, vì vậy, đã có cơ hội quay trở lại công viên này, khi lũ kiến điên đã bị quét sạch.


LeBrun cho biết sự xuất hiện của nấm M. nylanderiae đem lại " một sự nhẹ nhõm ". Ít nhất nó đã cho thấy những quần thể điên khùng trong tự nhiên cũng có một tuổi thọ. Chúng không thể phát triển mãi mãi.

Cái gì bạo phát thì cũng bạo tàn và luôn phải chịu sự kiểm soát của một bàn tay vô hình từ tiến hóa. Những con kiến điên một thời từng tung hoành ở Texas bây giờ sẽ phải làm mồi cho nấm M. nylanderiae.

Chia sẻ Facebook