Báo nước ngoài nhận định ra sao về việc Việt Nam trở thành “con hổ mới của châu Á”?
Báo nước ngoài nhận định ra sao về việc Việt Nam trở thành “con hổ mới của châu Á”?
Agefi (Thụy Sĩ)
Mới đây, tờ Agefi đăng bài báo với tiêu đề “Việt Nam là con hổ mới của châu Á”. Bài báo nhận định, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam và Indonesia đang nổi lên như là những cường quốc kinh tế mới của châu Á bên cạnh Hàn Quốc, Singapore.
Từ tháng 1 - tháng 7/2022, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam ước tính đạt 11,57 tỷ USD, tăng 10,2%/năm, và là mức cao nhất trong 5 năm qua. Tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến đạt 7,5% vào năm 2022, trong khi lạm phát dự kiến sẽ ở mức 3,8%.
Việt Nam đứng thứ 5 trong số 35 thị trường châu Á về độ mở của nền kinh tế, với số điểm 74,6/100, cao hơn hẳn mức trung bình của châu Á (46) và mức trung bình của thế giới (49,5) và đang nổi lên như một trung tâm sản xuất ở khu vực Đông và Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, Agefi cũng đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam khi ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc sau khi đã đảm nhiệm thành công vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và cho rằng sự khéo léo và trạng thái cân bằng sẽ có lợi cho Việt Nam về lâu dài trong các quan hệ quốc tế.
La Repubblica (Italy)
Cuối tháng 9/2022, La Repubblica nhận định Việt Nam sẽ trở thành "con hổ mới" ở châu Á sau khi Ngân hàng thế giới (WB) nâng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
WB cho biết, kinh tế khu vực trong năm nay có thể đạt mức 3,2%, trước khi tăng tốc lên mức 4,6% vào năm tới. Việt Nam được dự báo dẫn đầu khu vực với mức tăng trưởng là 7,2%, tăng từ mức 5,3% trong dự báo hồi tháng 4. Mức tăng trưởng của một số nước khác trong khu vực được dự báo lần lượt là Malaysia (6,4%), Philippines (6,5%), Indonesia (5,1%) và Campuchia (4,8%).
Báo cáo của WB cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Trung Quốc từ mức 5% đưa ra hồi tháng 4 xuống còn 2,8%. Theo La Republica, đây là lần đầu tiên sau 30 năm, Trung Quốc ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn các nền kinh tế mới nổi khác trong khu vực châu Á.
Le Petit Journal (Pháp)
Đầu tháng 6/2022, Le Petit Journal có bài báo phân tích về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam và nhấn mạnh "Việt Nam thực sự sẽ trở thành con hổ mới của châu Á". Bài báo nhận định, Việt Nam là nước Đông Nam Á duy nhất có mức tăng trưởng dương 2 năm liên tiếp trong bối cảnh cả thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19.
Theo Le Petit Journal, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia cạnh tranh nhất hành tinh, và ngành công nghiệp của Việt Nam sở hữu tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới. Có thể thấy sự tương đồng với 4 con hổ châu Á nguyên bản tại đây.
Báo cáo mới nhất từ công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit (Vương quốc Anh) chỉ ra ngành sản xuất Việt Nam tăng rất mạnh vào tháng 1/2022. Cơ quan xếp hạng Fitch Credit cũng dự đoán một tương lai tươi sáng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam với việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do. Về xuất khẩu, Việt Nam đã khép lại năm 2021 với con số kỷ lục 668,54 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020.
Bài báo chỉ ra, trên thực tế, người Việt Nam đã sớm chuyển từ đi xe đạp sang xe máy, và bây giờ từ xe máy sang ô tô. Việt Nam cũng đã bắt đầu tự sản xuất ô tô, nổi bật là thương hiệu Vinfast…
Việt Nam cũng có vẻ rất năng động trong lĩnh vực khởi nghiệp và gia công phần mềm. So với các nước Đông Nam Á khác, Việt Nam đang dần có những thành tựu đáng nể trong các lĩnh vực này. Kết hợp những báo cáo này, bài báo nhận định, có thể thấy Việt Nam đang dần hoá thân thành hổ trong năm 2022.
Tạp chí Chính trị Harvard (HPR) (Mỹ)
Theo tạp chí Foreign Policy, từ năm 1986, tăng trưởng GDP đạt mức trung bình ấn tượng 5,3%/năm. Đặc biệt hơn nữa, Việt Nam đã vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu với mức tăng trưởng 7% hàng năm từ năm 2005 đến năm 2010.
HPR nhận định nếu mức tăng trưởng này duy trì bền vững, Việt Nam sẽ sánh ngang với 4 “con hổ châu Á” hiện tại.
Bài nghiên cứu của Chương trình Harvard Việt Nam có tựa đề "Lựa chọn thành công", nền kinh tế Việt Nam khá đa dạng, với nền nông nghiệp và khai khoáng mạnh, đồng thời mở rộng nhanh chóng các lĩnh vực sản xuất, du lịch, tiện ích, xây dựng và tài chính.
Chính phủ thậm chí đã tận dụng thời kỳ tăng trưởng ổn định này để đầu tư vào các chương trình xóa đói giảm nghèo và điện. Theo ông David Dapice, giáo sư kinh tế của Đại học Tufts, Massachusetts, những yếu tố này làm cho mô hình phát triển của Việt Nam trở thành một tấm gương cho các nước đang phát triển khác đang tìm cách sử dụng tối đa các nguồn lực hiện có.
Theo IMF, nền kinh tế của Việt Nam vẫn nhỏ hơn so với Thái Lan và Philippines, nhưng với khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên dồi dào, kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Việt Nam có tiềm năng giữ vững mức tăng trưởng hiện có trong tương lai gần.
HPR nhận định, tiếp tục thực hiện cải cách là việc cần thiết để duy trì tăng trưởng kinh tế từ nguồn nhân lực và vật chất dồi dào. Nếu thành công, Việt Nam rất có thể trở thành "con hổ châu Á" thực sự tiếp theo, và hàng triệu người sẽ được hưởng mức sống cao hơn.