Bão Noru mạnh thêm, 60 huyện và đô thị có nguy cơ ngập úng
Hiện siêu bão Noru (bão số 4) đang giật cấp 16, dự báo còn mạnh lên, đổ bộ vào ven biển khu vực các tỉnh từ Quảng Trị tới Bình Định với cường độ cấp 14, giật cấp 16, mạnh nhất trong 20 năm qua ở miền Trung.
Báo Người Lao Động dẫn nguồn tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, vị trí tâm bão số 4 (siêu bão Noru) lúc 6 giờ sáng nay (27/9) ở vào khoảng 15.7 độ Vĩ Bắc; 112.4 độ Kinh Đông, sức gió mạnh nhất cấp 14 (từ 150 – 166km/giờ), giật cấp 16.
Dự báo, trong 3 giờ tới, bão số 4 di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 25km/giờ. Trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20 – 25km và có khả năng mạnh thêm.
Đến 16 giờ chiều nay (27/9), vị trí tâm bão cách Đà Nẵng khoảng 300km, cách Quảng Nam khoảng 250km, cách Quảng Ngãi khoảng 240km về phía Đông; sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 – 15 (từ 150 – 183km/giờ), giật cấp 17, cấp siêu bão.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão số 4 tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20 – 25km. Đến 4 giờ sáng mai (28/9), vị trí tâm bão ở trên vùng ven biển các tỉnh Quảng Trị – Bình Định, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150 – 166km/giờ), giật cấp 16.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới là từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 116,0 độ Kinh Đông; gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4.
Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão số 4 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 20km/giờ, đi vào đất liền Trung Trung Bộ rồi suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).
Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 đến 48 giờ tiếp theo dự báo từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 112,5 độ Kinh Đông; có gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4.
Toàn bộ tàu thuyền, kè biển, đê, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão.
Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển, nước dâng do bão vùng ven bờ
Vùng biển phía Tây Nam khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển phía Tây Bắc khu vực Giữa Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 8 – 10, sau tăng lên cấp 11 – 12, vùng gần tâm bão cấp 14 – 15, giật cấp 17; sóng biển cao từ 9 – 11m, biển động dữ dội.
Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), khu vực từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6 – 7, giật cấp 8 – 9, sóng cao từ 3 – 4m, biển động mạnh.
Từ sáng nay (27/9), vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Bình đến Ninh Thuận (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn, Cù Lao Chàm) có gió mạnh cấp 8 – 9, sau đó tăng lên cấp 10 – 11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 – 14, giật cấp 16; sóng biển cao từ 8 – 10m, biển động dữ dội.
Từ chiều nay (27/9), vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên – Huế đến Bình Định có gió mạnh cấp 9 – 10, sau tăng lên cấp 11 – 12, vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 -1 4, giật cấp 16; sóng biển cao từ 3 – 5m, vùng gần tâm bão từ 6 – 8m.
Khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi nước dâng do bão cao 1 – 1,5m; mực nước tổng cộng (nước dâng bão kết hợp với thủy triều) cao 2 – 2,5m, nguy cơ cao ngập úng tại khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông do nước dâng do bão và sóng lớn.
60 huyện và đô thị có nguy cơ ngập úng
Báo Tiền Phong dẫn lời ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, do mưa rất lớn, lại tập trung trong thời gian ngắn nên nguy cơ rất cao xảy ra lũ trên các dòng sông, ngập úng vùng trũng thấp, sạt lở đất và lũ quét vùng núi. Cơ quan khí tượng nhận định hai kịch bản lũ có thể xảy ra.
Ở kịch bản mưa phổ biến 300mm, các sông Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam ở mức Báo động (BĐ)1 – BĐ2 và trên BĐ2. Các sông ở Bình Định, Kon Tum, Gia Lai ở BĐ2 – BĐ3 và trên BĐ3. Các sông Thừa Thiên Huế ở BĐ1 và trên BĐ1.
Ở kịch bản mưa phổ biến 400mm, đỉnh lũ trên các sông ở khu vực Trung Trung Bộ, bắc Tây Nguyên phổ biến ở mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3. Riêng sông Hương tại Huế lên mức BĐ2 và trên BĐ2. Ngập lụt diện rộng tại các tỉnh Trung Trung Bộ và khu vực bắc Tây Nguyên.
Với kịch bản mưa lớn phổ biến trên 400mm, sẽ có khoảng trên 60 huyện và khu đô thị có nguy cơ ngập lụt. Cụ thể:
Quảng Bình: Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch, TP. Đồng Hới, Tx. Ba Đồn, Lệ Thủy
Quảng Trị: Hướng Hóa, Đakrông, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, TX. Quảng Trị, TP. Đông Hà
Huế: Phú Vang, Quảng Điền, Phú Lộc, TP. Huế
TP. Đà Nẵng: Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Thanh Khê, Hải Châu, Ngũ Hành Sơn
Quảng Nam: Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An, Thăng Bình, Núi Thành, TP. Tam Kỳ
Quảng Ngãi: Trà Bồng, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ, TP. Quảng Ngãi
Bình Định: An Lão, Hoài Nhơn, Hoài n, Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước, TP. Quy Nhơn
Phú Yên: Sông Cầu, Đồng Xuân, Tuy An, Phú Hòa, TP. Tuy Hòa
Kon Tum: Đắk Glei, Đắk Tô, Đắk Hà, Kon Plông, TP. Kon Tum, Sa Thầy, Ia H’Drai
Gia Lai: Mang Yang, Phú Thiện, Ayun Pa, Krông Pa, An Khê, K’Bang, TX. An Khê.
Xuân Hạ (t/h)
Từ Khóa :