Bão Noru chuyển thành áp thấp, miền Trung đối diện nguy cơ lớn sạt lở, lũ quét

Chia sẻ Facebook
29/09/2022 14:28:37

Chưa ghi nhận thiệt hại về người sau bão Noru. Mưa lớn diện rộng, lũ trên sông dâng cao gây nguy cơ lớn xảy ra lũ quét, sạt lở tại nhiều tỉnh

May mắn chưa ghi nhận thương vong về người, nhưng nhiều công trình, nhà dân đã bị làm sập đổ, tốc mái; một số khu vực mất điện trên diện rộng, đường ngập sâu do mưa lớn, cây gãy… sau khi bão Noru (bão số 4) đổ vào miền Trung. Mưa lớn diện rộng, lũ trên sông dâng cao gây nguy cơ lớn xảy ra lũ quét, sạt lở khi bão chuyển thành áp thấp nhiệt đới.

Cây cầu tạm bằng sắt nối thôn Thúc và thôn Cây Tăm (xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) bị lũ cuốn trôi vào tối 27/9, khiến hơn 370 hộ dân với gần 1.400 nhân khẩu bị cô lập. (Ảnh: T.T/baoquangtri.vn)

Sáng 28/9, đại diện Chính phủ – Phó Thủ tướng Lê Văn Thành có cuộc làm việc trực tuyến với các địa phương, cập nhật diễn biến và ảnh hưởng của bão Noru (bão số 4) tại các tỉnh thành khu vực miền Trung.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4 và cập nhật từ truyền thông địa phương, nhiều tỉnh ven biển miền Trung trong ảnh hưởng của bão hiện chưa ghi nhận thương vong về người, bước đầu xác định hàng trăm cây xanh bị gãy đổ, cột điện hư hỏng, nhà bị tốc mái.

Cụ thể, tại Quảng Trị, từ chiều 27/9 khi bão chưa đổ bộ, tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh đã có mưa vừa, mưa to đến rất to, lốc xoáy làm sập khoảng 180 quầy hàng, ki ốt; tốc mái, sập tường 120 nhà dân (trong đó có 2 ngôi nhà sập hoàn toàn). Bốn người bị thương (có 1 người bị thương tương đối nặng) đã được đi cấp cứu.

Đáng lưu ý, nhiều cửa hàng bán vàng bạc, đá quý bị thiệt hại nặng nề vì lốc xoáy cuốn phăng các tủ đựng vàng bạc hất ra sát hàng rào chợ. Đến tối cùng ngày, người dân và lực lượng chức năng vẫn cố gắng thu dọn những gì còn dùng được để mang về.

Một cây cầu sắt trên tuyến đường độc đạo dẫn vào xã xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh đã bị nước lũ cuốn trôi, khiến hơn 330 hộ dân với gần 1.400 nhân khẩu trong xã này bị cô lập hoàn toàn. Ngoài ra, các đập thủy điện dọc theo sông Đakrông đã vượt tràn hơn 2m.

Tại Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to, gió giật cấp 7-9. Chưa có báo cáo thiệt hại, sự cố và yêu cầu cứu hộ, cứu nạn.

Tại TP. Đà Nẵng, mưa rất to, gió lớn, giật mạnh; cường độ gió đo được cao nhất từ cấp 9 đến 11. Lượng mưa đo được lớn nhất tại lưu vực sông Cu Đê là 220mm (xã Hòa Bắc), Liên Chiểu 161mm, Ngũ Hành Sơn 146 mm, Sơn Trà 121mm, Cẩm Lệ 117 mm, Hòa Cường Nam 94,8mm…, gây ngập cục bộ một số tuyến đường.

Về thiệt hại, thống kê ban đầu có 2 nhà bị tốc mái, 173 trạm biến áp bị sự cố gây mất điện cho 7.832 khách hàng, hiện đã khôi phục 89 trạm, cấp điện trở lại cho 2.923 khách hàng; đang khôi phục 84 trạm để sớm cấp điện trở lại; 75 cây xanh ngã đổ, và một số biển hiệu hư hỏng. Ngoài ra, chưa có thông tin mới về 60 người ở dưới thuyền nổ máy tại âu thuyền Thọ Quang.


Đường phố, nhà dân tại TP. Đà Nẵng và Quảng Nam vào sáng 28/9 sau khi bão Noru quét qua. (Nguồn: Người dân ghi lại/Trí Thức VN biên tập)

Tại tỉnh Quảng Nam, có nơi mưa to, gió ở các huyện, thị xã ven biển đã đạt cấp 8-cấp 9, Tam Kỳ đã có gió giật cấp 13. 3.997 trạm biến áp bị mất điện (chưa khôi phục).

Tại huyện miền núi Nam Giang, nước lũ bất ngờ đổ về từ đầu nguồn tạo thành sóng nước cuồn cuộn chảy vào nhà dân tại thôn Vinh ở xã Tà Pơơ gây hư hại nhiều tài sản; sạt lở đất nghiêm trọng trên các tuyến đường lên biên giới, có nơi tràn vào nhà dân; có 1 xe tải bị lật. Hiện huyện này chưa ghi nhận thiệt hại về người.

Huyện Quế Sơn ghi nhận 1 người bị thương khi phòng ngừa bão. Khoảng 1.000m3 bị sạt lở trên tuyến ĐT611 qua đèo Le tại xã Quế Long; một số đoạn kênh thủy lợi bị cuốn trôi; ngập cục bộ một số khu vực thuộc xã Quế Xuân 2, Quế Xuân 1, Quế Phú;  hơn 9ha nếp đắng tại xã Quế Hiệp bị hư hại.

Có ít nhất 3 tàu cá bị chìm, gồm 1 tàu cá tại xã Tam Giang, 1 tàu câu mực tại xã Tam Hải (cùng huyện Núi Thành) và 1 tàu lưới vây của ngư dân Thăng Bình đang neo đậu tại âu thuyền Hồng Triều (huyện Duy Xuyên). Ở cảng Kỳ Hà, bão làm rê neo 4 tàu vận tải khiến các tàu này bị mắc cạn.

Tỉnh Quảng Ngãi hiện chưa ghi nhận thiệt hại về người. Tại huyện Lý Sơn và Bình Sơn, bão số 4 làm nhiều cây xanh bị ngã đổ, nhà bị tốc mái;  hơn 216,5 nghìn khách hàng sử dụng điện tại 6 huyện gồm: Lý Sơn, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Trà Bồng, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa bị mất điện.

Một số nhà dân bị tốc mái (chưa thống kê được số lượng cụ thể), chưa có yêu cầu cứu hộ, cứu nạn.

Tỉnh Bình Định có mưa nhỏ, gió khoảng cấp 5; chưa có báo cáo về thiệt hại (tốc mái, cây đổ, bị thương), ghi nhận mất điện tại một số khu vực; ngoài ra chưa có báo cáo thiệt hại, sự cố và yêu cầu cứu hộ, cứu nạn.

Đề phòng mưa lớn diện rộng; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, từ sáng 28/9, sau khi đi sâu vào khu vực Thừa Thiên Huế-Quảng Ngãi, bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Gió mạnh, sóng lớn tiếp tục xảy ra trên biển, tại khu vực Vịnh Bắc Bộ, Quảng Trị đến Cà Mau, với gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; sóng biển cao 2-4m, biển động mạnh. Trên đất liền, khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, Kon Tum có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8.

Mưa lớn xảy ra trên diện rộng. Ở khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi trên 70mm.

Sau khi gây ra các trận lốc xoáy, gió giật mạnh, bão Noru suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, gây mưa lớn trên diện rộng khu vực miền Trung. (Nguồn: vndms.dmc.gov.vn)

Từ ngày 28/9 đến đêm 29/9, ở khu vực Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-250mm, có nơi trên 300mm; khu vực đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Hoà Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70-150mm, có nơi trên 180mm. Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét trượt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng thấp.


Mực nước trên các sông ở Quảng Nam, thượng nguồn sông Thạch Hãn (Quảng Trị) và sông Đắk Bla (Kon Tum) đang lên nhanh. Mực nước trên các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình có dao động; các sông ở Thanh Hóa và Nghệ An biến đổi chậm.

Dự báo trong 6-12 giờ tới, lũ trên các sông ở Quảng Nam và Kon Tum tiếp tục lên. Đỉnh lũ trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa khả năng ở mức 8,5m, trên BĐ2 0,5m; đỉnh lũ tại hạ lưu sông Đắk Bla tại Kon Tum ở mức BĐ1-BĐ2. Trong 12-24 giờ tiếp theo, lũ trên sông Thu Bồn tiếp tục lên và ở mức BĐ1-BĐ2, trên sông Vu Gia và sông Đắk Bla xuông mức BĐ1.

Cơ quan khí tượng cảnh báo từ ngày 28/9 đến ngày 30/9, trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, biên độ lũ lên trên các sông từ 3-5m, hạ lưu từ 2-3m.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Kon Tum, đặc biệt tại các huyện Hướng Hóa, Đăk Rông (Quảng Trị), Phong Điền, A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc (Huế), Phước Sơn, Bắc Trà My,Nam Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước (Quảng Nam), Tu Mơ Rông, Konplong, Đắk Glei, Đăk Tô (Kon Tum).


Minh Sơn

Bão Noru đổ bộ vào Quảng Nam - Đà Nẵng, gió giật điên cuồng

Hình ảnh người dân ghi lại bão Noru đổ bộ vào Quãng Nam, Đà Nẵng rạng sáng ngày 28/09/2022 Nguồn: Người dân ghi lại/Trí Thức VN tổng hợp

Chia sẻ Facebook