Bao nhiêu tiền mới đủ để làm phim lịch sử?

Chia sẻ Facebook
29/11/2022 14:52:51

Từ thất bại của Huyền sử vua Đinh, có thể thấy dòng phim có yếu tố lịch sử tại Việt Nam đang đi xuống.

Các phim Thiên Mệnh Anh Hùng, Dòng Máu Anh Hùng (ảnh trên, từ trái qua) và Huyền sử vua Đinh (ảnh dưới) - Ảnh: Đoàn phim cung cấp


Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân , người từng làm hai phim giả tưởng là Tấm Cám - Chuyện Chưa KểTrạng Tí Phiêu Lưu Ký - nói nếu có 200 triệu USD thì chị mới dám làm phim lịch sử.


Đường Đến Thành Thăng Long, Khát Vọng Thăng Long, Thiên Mệnh Anh Hùng , thậm chí cả Đêm Hội Long Trì từ năm 1989... các phim kể trên vẫn còn ít hoặc nhiều mặt hạn chế nhưng có sự đầu tư nhất định về khâu sản xuất.


Huyền Sử Vua Đinh là giọt nước làm tràn ly khi mọi thứ - từ kịch bản, sản xuất, diễn xuất, chỉ đạo - đều quá sơ sài.

Huyền Sử Vua Đinh gây tranh cãi về khâu hóa trang - Ảnh: Đoàn phim cung cấp

5.000 tỉ mới làm nổi?


Trong 10 năm qua, từ 2012 với Thiên Mệnh Anh Hùng của Victor Vũ, số phim có yếu tố lịch sử của Việt Nam vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Với một quốc gia có bề dày lịch sử, với một số nhà làm phim có tay nghề vẫn ôm ước mơ làm phim lịch sử kinh phí lớn, đây là điều đáng tiếc.


Cũng sau 10 năm, Thiên Mệnh Anh Hùng vẫn là tác phẩm đáng chú ý khi khán giả nhắc về dòng phim này.


Dựa theo tiểu thuyết Nguyễn Trãi - Bức Huyết Thư của nhà văn Bùi Anh Tấn, bộ phim của Victor Vũ tốt về nhiều mặt, đặc biệt là bối cảnh, võ thuật và chỉ đạo diễn xuất, cũng như gây nuối tiếc về kỹ xảo và dựng phim do kinh phí hạn chế.


Trước 2012 có Dòng Máu Anh Hùng (2007) của Charlie Nguyễn. Đây là đại diện nổi bật của dòng phim có yếu tố lịch sử, lấy bối cảnh thời Pháp thuộc nhưng nghiêng về thể loại hành động võ thuật với câu chuyện kịch tính. Kinh phí của Dòng Máu Anh Hùng là 1,6 triệu USD.

Ngô Thanh Vân và Johnny Trí Nguyễn trong Dòng Máu Anh Hùng của Charlie Nguyễn - Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Đến năm 2022, nhìn nhận sự đi xuống của dòng phim có yếu tố lịch sử, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân thừa nhận dòng phim này còn rất nhiều hạn chế, nhất là khâu sản xuất. Khi làm một bộ phim lịch sử, nhà làm phim phải tìm tòi và hiểu biết về lịch sử.

Theo chị, hạn chế lớn nhất là kinh phí. Phim lịch sử đòi hỏi kinh phí rất lớn mới thỏa sức tái tạo những gì nhà sản xuất mong muốn. Nhưng ở Việt Nam, nếu kinh phí đẩy lên quá cao thì không thể tìm nhà đầu tư vì khả năng hòa vốn thấp.

Ngô Thanh Vân nói với Tuổi Trẻ: "Có lần tôi qua Mỹ tham dự hội thảo để đối thoại với người nước ngoài. Khi họ hỏi nếu có tiền cô sẽ làm gì, tôi nói nếu ai đó đưa cho tôi 200 triệu USD (gần 5.000 tỉ đồng - PV) thì tôi sẽ làm phim về chiến tranh Việt Nam".

Chia sẻ ý kiến về câu chuyện làm phim lịch sử, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cho hay: "Khi làm phim về lịch sử, người làm phim phải đi tìm hiểu về thời kỳ đó rất nhiều và thấu hiểu về thời kỳ đó.

Những bộ phận thiết kế cũng cần đi tìm hiểu về chất liệu cuộc sống của giai đoạn đó từ vật liệu, trang phục, đạo cụ, bối cảnh… đều phải được tìm hiểu kỹ. Ngoài ra, những sự kiện lịch sử phải gắn vào một kịch bản, cấu trúc tốt.

Điều đó dẫn đến việc đôi lúc những kịch bản phim chỉ phóng tác từ lịch sử chứ không thể hoàn toàn trung thành cho nên sẽ gây ra những rủi ro nhất định cho nhà làm phim".

Midu và Huỳnh Đông trong Thiên Mệnh Anh Hùng của Victor Vũ - Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Vì sao phim lịch sử Hàn Quốc là trụ cột phòng vé?

Trong luận án tiến sĩ về phim lịch sử Hàn Quốc tại Đại học Leeds (Anh), tác giả Louisa Mitchell đưa ra khái niệm sageuk - dòng phim kết hợp giữa yeoksa (lịch sử) và geuk (chính kịch), một dòng phim rất mạnh tại Hàn Quốc.


Phim lịch sử Hàn Quốc là một trong những dòng phim trụ cột của phòng vé Hàn Quốc. Tiêu biểu là Đại Thủy Chiến (The Admiral: Roaring Currents, năm 2014) - đến nay vẫn là phim ăn khách nhất Hàn Quốc - do Kim Ha Min đạo diễn.

Phim khai thác trận hải chiến Myeongryang năm 1597, đạt doanh thu 128,4 triệu USD và 17 triệu lượt người xem, vượt qua cả thành tích của "bom tấn" Mỹ Avatar tại Hàn Quốc.


Năm 2022, Hàn Quốc có "bom tấn" Thủy Chiến Đảo Hansan: Rồng Trỗi Dậy (Hansan) đứng đầu phòng vé với 52 triệu USD và hơn 7,2 triệu lượt người xem.


Ngược dòng thời gian, bộ phim Taegukgi (2004) do hai ngôi sao Jang Dong Gun và Won Bin đóng cũng từng gây bão ở thị trường điện ảnh Hàn Quốc và châu Á. Phim thu hút 11,74 triệu lượt người đến rạp.

Đại Thủy Chiến (The Admiral: Roaring Currents) đến nay vẫn là phim ăn khách nhất Hàn Quốc - Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Một trong những yếu tố đẩy dòng phim lịch sử Hàn Quốc lên vị trí quan trọng là niềm tự hào dân tộc của thị trường này. Các phim hầu như đều có thông điệp ngợi ca đất nước, quân đội, con người Hàn Quốc, truyền bá tinh thần tự hào dân tộc cho khán giả mà đặc biệt là thế hệ trẻ.

Với chính sách ưu tiên phát triển phim nội của Hàn Quốc, nhất là với các "bom tấn" có khả năng ăn khách cao, những phim này càng như "hổ mọc thêm cánh".

Louisa Mitchell gọi dòng phim này là "phim di sản", để chứng tỏ Hàn Quốc khai thác di sản rất tốt để phát triển đất nước và từ một chiến lược quốc gia có tầm nhìn dài hạn. Hàn Quốc đưa di sản vào rất nhiều lĩnh vực từ du lịch, ẩm thực, kinh tế, văn hóa (trong đó có điện ảnh).

Để làm được như vậy, Hàn Quốc cần một nền điện ảnh có sẵn nội lực từ mọi khâu: kinh phí, trình độ sản xuất, kịch bản, đạo diễn, diễn viên, phát hành, truyền thông quảng bá cho đến trình độ tiếp nhận của khán giả.

Để đa dạng phim ở rạp chiếu

Trước tình trạng phim dở vẫn được nhập chiếu, ông Lê Ngọc Thành Trung, trưởng phòng tiếp thị kiêm giám đốc cụm rạp Cinestar, giải thích nhà rạp luôn muốn ưu tiên cho phim Việt.

Quách Ngọc Ngoan trong phim Khát vọng Thăng Long (2010) - Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Ông nói: "Đối với phim Việt Nam, chúng tôi luôn đầu tư và hỗ trợ, sắp xếp những xuất chiếu vào những khung giờ đẹp để ủng hộ diễn viên và những nhà làm phim Việt.

Có thể thấy không bộ phim nào làm khán giả ra rạp nhiều như phim Việt. Chúng tôi đã cố gắng hỗ trợ, trừ những bộ phim dù đã hỗ trợ nhưng khán giả không chịu ra rạp chúng tôi mới không thể tiếp sức được. Chỉ cần một khán giả còn đi xem, chúng tôi vẫn sẽ xếp suất".

Chia sẻ Facebook