Báo Mỹ chỉ ra điểm xuất sắc của tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Akula

Chia sẻ Facebook
24/05/2024 06:14:43

Được triển khai lần đầu tiên vào giữa những năm 1980, với định danh Dự án 971 “Shchuka-B”, Akula là dòng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân thế hệ thứ 4 của Nga.


Các tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Akula của Nga , sau gần 4 thập kỷ phục vụ, cho đến nay vẫn là trụ cột của lực lượng hải quân “xứ sở Bạch dương”.


Tự hào có khả năng tàng hình âm thanh xuất sắc thậm chí còn vượt hơn cả tàu ngầm Mỹ, các tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Akula, bao gồm gồm nhiều mẫu cải tiến khác nhau như Akula II, vẫn thách thức các chuyên gia tác chiến chống tàu ngầm ngày nay.


Ngược dòng thời gian về đầu những năm 1970, Dự án 971 mới đã được các quan chức Liên Xô phê duyệt. Mỗi chiếc tàu ngầm thuộc lớp này đều do Công ty Cổ phần Nhà máy đóng tàu Amur đóng tại xưởng đóng tàu Severodvinsk.


7 trong số các tàu ngầm này được chế tạo và đưa vào hoạt động từ năm 1986-1992. 3 tàu Akula cải tiến cũng được đưa vào sử dụng từ năm 1992-1995, được đặt tên là Dự án 971U (định danh NATO: Akula I) và Dự án 971A (định danh NATO: Akula II).


Con tàu dẫn đầu trong lớp này là Akula, tiếp theo là Ak Bars, Barnaul, Kashalot, Pantera, Volk, Bratsk, Leopard, Tigr, Magadan, Vepr, Kuzbass, Gepard, Kuguar, Rys, Samara, Nerpa và Iribis. Tổng cộng có 20 tàu ngầm lớp Akula đã được đặt đóng, mặc dù một số chiếc chưa bao giờ được hoàn thành.

Tàu ngầm đa năng tấn công nhanh (SSN) chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Akula II tên Verp. Ảnh: Barents Observer

Tàu ngầm lớp Akula tên Magadan. Ảnh: Naval News


Một lò phản ứng nước điều áp OK-650B cung cấp năng lượng cho mỗi tàu ngầm lớp Akula, công suất 190 MW. Nhưng có lẽ đặc điểm xuất sắc nhất của tàu ngầm lớp Akula là sự yên tĩnh. Mỗi tàu trong lớp này im lặng hơn đáng kể so với các thiết kế tàu ngầm trước đây của Liên Xô.


Trên thực tế, khả năng tàng hình âm thanh (độ ồn cực thấp) của nó thực sự khiến tình báo phương Tây ngạc nhiên và lo ngại. Dài khoảng 110 m, Akula có cấu hình vỏ kép với khoảng cách đáng kể giữa vỏ ngoài và vỏ trong để giảm thiệt hại có thể xảy ra với thân tàu bên trong. Thân tàu được làm bằng thép có từ tính thấp, được chia thành 8 ngăn và có vây phía sau đặc biệt cao.


Trong những năm qua, những cải tiến về thiết kế ngày càng tăng đã giúp các tàu Akula duy trì được khả năng tàng hình âm thanh, bao gồm cả việc bổ sung các kỹ thuật khử tiếng ồn chủ động. Bất chấp tuổi tác của chúng, việc nâng cấp dần dần đã giúp những con tàu đáng gờm này luôn hợp thời.


Về vũ khí, lớp Akula được “trang bị đến tận răng”. Mỗi tàu ngầm lớp này có thể mang tới hơn chục tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm Granit, được bắn từ ống phóng ngư lôi 533 mm.


Tên lửa chống hạm lớp Akula cũng khá đáng gờm. Novator SS-N-15 Starfish và Novator SS-N-16 Stallion có phạm vi hoạt động lần lượt là 45 km và 100 km. Theo Naval Technology, cả hai tên lửa chống hạm này đều có thể được trang bị đầu đạn 200 kiloton hoặc ngư lôi Type 40.

Đặc điểm xuất sắc nhất của tàu ngầm lớp Akula là sự yên tĩnh. Mỗi tàu trong lớp này im lặng hơn đáng kể so với các thiết kế tàu ngầm trước đây của Liên Xô. Ảnh: TASS

Tàu ngầm lớp Akula của Nga có thiết kế vây đuôi đặc biệt cao. Ảnh: Devian Art


Tàu ngầm Akula II duy nhất từng được hoàn thiện có tên là Vepr. Con “thủy quái” này dài hơn 3 m so với các chị em của nó, và có lượng giãn nước lớn hơn khoảng 700 tấn. Khi Vepr được đưa vào sử dụng, nó trở thành tàu ngầm đầu tiên của Nga có độ nhận diện âm thanh thấp hơn so với của các tàu ngầm lớp Los Angeles do Mỹ sản xuất. Các tàu Akula II cải tiến còn được lắp thêm ống phóng ngư lôi ngoài 533 mm.


Trong khi các tàu Akula II vượt trội hơn so với các tàu cùng loại, thì các nhà máy đóng tàu của Nga lại gặp khó khăn trong việc hoàn thiện các tàu ngầm bổ sung một phần do chi phí. Mỗi chiếc tàu Akula II được cho là có giá 1,55 tỷ USD vào năm 1996 (khoảng 2,4 tỷ USD ngày nay).


Giai đoạn liền sau khi Liên Xô tan rã, nước Nga hậu Liên Xô có ngân sách bị hạn chế. Điều này khiến việc đóng mới các tàu ngầm phức tạp trở thành thách thức về mặt tiền bạc .


Minh Đức (Theo National Interest, Total Navy)

Chia sẻ Facebook