Bạo lực súng đạn - cơn "ác mộng" dai dẳng tại Mỹ

Chia sẻ Facebook
25/05/2022 02:30:56

Hơn 45.000 người đã chết vì bạo lực súng đạn ở Mỹ vào năm 2020, tăng 35% so với năm trước đó. Dịch bệnh, bất ổn xã hội khiến hàng triệu người Mỹ lần đầu đã mua súng.


Ngày 22/5, người đàn ông 48 tuổi đã bị bắn chết trong tàu điện ngầm ở thành phố New York. Nghi phạm bỏ trốn khi tàu dừng ở ga kế tiếp và hiện chưa xác định được danh tính, cảnh sát đang cố gắng truy bắt đối tượng.


Thành phố New York thời gian gần đây chứng kiến nhiều vụ bạo lực và tấn công nhắm vào những người đi tàu điện ngầm. Tháng trước, một tay súng đã đặt bom khói và nổ súng trong toa tàu điện ngầm ở New York khiến hơn 20 người bị thương.

Vấn nạn này vẫn phủ bóng đen, gây ám ảnh đối với người dân Mỹ. Cơn "ác mộng" dai dẳng này đã và đang gây chia rẽ sâu sắc trong nội bộ nước Mỹ.

Theo Forbes, năm 2021, gần 20 triệu khẩu súng đã được bán tại Mỹ, tức là trong số 100 người Mỹ thì có 6 người đã quyết định mua súng. Đại dịch kéo theo sự suy giảm kinh tế khiến nhiều người lo lắng về bất ổn xã hội. Số người mua súng nhiều hơn, hậu quả là số người chết vì súng cũng tăng cao đột biến.

Các tập đoàn vũ khí của Mỹ mỗi năm kiếm được khoản tiền khổng lồ nhờ kinh doanh súng đạn. Ảnh: Reuters

Một cuộc khảo sát tại Đại học Chicago cho biết, 18% các hộ gia đình Mỹ đã mua súng từ khi bùng phát dịch, làm tăng tỷ lệ người trưởng thành ở Mỹ sử dụng súng lên 46%. Trong khoảng thời gian này, cứ 20 người trưởng thành có 1 người mua súng lần đầu.

Sở hữu nhiều súng nên các vụ nổ súng cũng diễn ra thường ngày tại Mỹ, có thể bất chợt ở tàu điện ngầm, siêu thị, khách sạn hay công viên. Vậy tại sao kiểm soát súng đạn lại không hề đơn giản tại Mỹ?

Thời báo New York có bài phân tích về nguyên nhân nước Mỹ khó kiểm soát được bạo lực súng đạn. Theo tác giả, với mức độ sở hữu súng cao, với hơn 393 triệu khẩu súng nhỏ tại Mỹ, tức là mỗi người sở hữu hơn 1 khẩu súng, là nguyên nhân hàng đầu khiến Mỹ là quốc gia hứng chịu nhiều bạo lực súng đạn.

Sở hữu súng cũng ăn sâu vào tâm lý của nhiều người Mỹ. Và người Mỹ không thực sự coi vấn đề kiểm soát súng là ưu tiên hàng đầu. Trong khi, với hệ thống chính trị phức tạp, rất khó để Quốc hội Mỹ có thể đưa ra một đạo luật thắt chặt việc kiểm soát súng đạn.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tìm cách thắt chặt kiểm soát súng. Thế nhưng, một thực tế là rất khó để có một đạo luật tước súng khỏi tay người Mỹ sớm được thông qua. Và như thế, cuộc khủng hoảng súng đạn vẫn là nỗi ám ảnh từng ngày, từng giờ với hơn 330 triệu người dân Mỹ.

Chia sẻ Facebook