Bạo lực gia đình nhiều vụ tàn bạo: chú trọng hòa giải có hợp lý không?
'Hòa giải như thế nào khi một bên là người vi phạm pháp luật, một bên là người bị vi phạm' là vấn đề mà nhiều luật sư đặt ra khi góp ý dự thảo Luật phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi. Các ý kiến cho thấy báo cáo giảm nhưng thực tế lại tăng.
Chiều 9-5, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tổ chức hội thảo chuyên đề góp ý dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi.
Báo cáo giảm nhưng thực tế lại tăng
Theo luật sư Lê Thị Hằng, 15 năm thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức. Tuy nhiên, ở một số vùng miền, sự chuyển biến chưa nhiều, hành vi bạo hành trong gia đình diễn ra khá phổ biến.
Bà Hằng cho rằng theo báo cáo của cơ quan chức năng, số vụ việc bạo hành trong gia đình giảm sâu nhưng trên thực tế thì hình như các vụ việc không giảm, mức độ bạo hành ngày càng nghiêm trọng.
"Trước đây làm gì có việc đánh đập, đóng đinh vào đầu trẻ nhỏ, làm gì có việc cha ruột và ông nội hiếp dâm con, cháu gái của mình và sau khi thực hiện hành vi đồi bại, loạn luân thì đe dọa nếu nói với ai sẽ đánh giết, sẽ đuổi ra khỏi nhà", bà Hằng dẫn chứng.
Theo bà Hằng, luật đã ban hành cách đây 15 năm nên nhiều nội dung không còn phù hợp với xã hội, chưa đáp ứng được yêu cầu phòng chống bạo lực gia đình và cam kết quốc tế của Việt Nam về nhân quyền, bình đẳng giới.
Còn theo bà Nguyễn Thị Lệ - chủ tịch HĐND TP.HCM - thực tế các vụ việc bạo lực gia đình ở một số địa phương ngày càng tàn bạo. Do đó, việc góp ý, sửa đổi Luật phòng, chống bạo lực gia đình là phù hợp.
Bà Lệ cho rằng luật sửa đổi lần này phải đưa việc phòng là chính, quan tâm đến việc giáo dục tư tưởng, hành vi. Hiện nay, tỉ lệ ly hôn cao, bạo hành tàn bạo chủ yếu ở giới trẻ. Việc phòng chống bạo lực gia đình bên cạnh vai trò của phụ nữ, mặt trận tổ quốc thì phải có lực lượng thanh niên để giáo dục sâu cho giới trẻ.
Bạo lực gia đình mà hòa giải có hợp lý?
Đưa ý kiến tại hội thảo, luật sư Trần Thị Hồng Việt cho rằng dự thảo luật đã chú trọng đến truyền thông, giáo dục về bạo lực gia đình, trong đó lấy hòa giải làm chính. Tuy nhiên luật sư này cho rằng hòa giải không phòng chống được bạo lực gia đình, cơ quan chức năng cũng sẽ không quyết liệt để vào cuộc.
"Bạo lực gia đình mang tính hình sự bởi xâm hại đến thể chất, tinh thần và kinh tế của người bị bạo lực. Nếu nguyên tắc hòa giải đưa lên hàng đầu, người bị bạo lực bị ức chế, kiểu gì đưa ra cũng sẽ hòa giải", bà Việt nói.
Bà Việt đặt câu hỏi nguyên tắc hòa giải trong bạo lực gia đình có nên đưa lên hàng đầu hay không hay chỉ xem nó là biện pháp để hàn gắn khi các bên tự nguyện?
Đồng quan điểm với bà Việt, luật sư Lê Thị Hằng cũng đề nghị bỏ quy định hòa giải ở mục 2 từ điều 17 đến điều 22 vì không khả thi.
Theo luật sư Hằng, nếu muốn có quy định hòa giải nên theo hướng mở là "Nhà nước khuyến khích việc hòa giải, giải quyết mâu thuẫn, bạo lực gia đình bằng thương lượng, hòa giải".
Đồng thời, cần có quy định kiểm điểm, phê bình người vi phạm trước tổ dân phố nơi cư trú, trước cơ quan, đơn vị, tổ chức, nơi làm việc. Làm bản kiểm điểm, bản cam kết không tái phạm trước cơ quan công an xã, phường.
Còn theo luật sư Võ Thị Như Ngọc, trong Luật Hình sự có những tội danh không được phép hòa giải. "Một người bị bạo hành dẫn đến chết thì là tội danh giết người, tội phạm hiếp dâm trẻ em thì làm sao hòa giải, hòa giải ở đâu?", bà Ngọc đặt vấn đề, đồng thời cho rằng nếu đã đưa ra quy định hòa giải thì không được mâu thuẫn với những luật khác.
Bà Ngọc cũng cho rằng người bị bạo lực gia đình phải có các quy định được giúp đỡ.
"Khi tôi trực tư vấn luật, tôi nghe được câu chuyện một cô kế toán trưởng tại một trường đại học bị chồng bạo hành, đến trường quậy phá. Nhưng thay vì được giúp đỡ, người này bị hạ điểm thi đua năm, đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ vì không có hạnh phúc gia đình", bà Hằng nói và cho rằng cần có quy định để giúp đỡ những người bị bạo lực gia đình.
Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh hiện nay các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em có chiều hướng tăng và diễn biến phức tạp hơn.