Báo hoa mai đột nhập tổ chim hồng hoàng

Chia sẻ Facebook
28/03/2022 21:55:10

Nam PhiBẫy camera ghi hình một con báo hoa mai chui vào tổ chim hồng hoàng trong vườn quốc gia Kruger và kiếm được bữa ăn dễ dàng.

Báo hoa mai đột nhập tổ chim hồng hoàng Báo hoa mai săn chim hồng hoàng non. Video: APNR

Thước phim quay bởi nhóm chuyên gia đến từ Dự án nghiên cứu và bảo tồn chim hồng hoàng đất phương nam APNR, những người đã tìm kiếm loài chim nguy cấp ở Nam Phi suốt hơn hai thập kỷ, cho thấy báo hoa mai loạng choạng giữa những cành cây mỏng bao quanh tổ chim trước khi thò nửa thân qua lỗ vào tổ và chui ra với một con chim non.

"Chúng tôi đến chiếc tổ trong hoạt động kiểm tra thường nhật để theo dõi việc sinh sản và điều kiện của chim non", nghiên cứu sinh Kyle-Mark Middleton và nhà nghiên cứu Carrie Hickman, chia sẻ. "Khi tới nơi, chúng tôi nghe thấy tiếng sột soạt và ở bên trên và có thứ gì đó nhảy xuống. Lúc tới chân tổ chim, chúng tôi phát hiện xác chim non bị ăn một nửa trên mặt đất. Chúng tôi đã xem lại hình ảnh camera để tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra".

Chim hồng hoàng đất phương nam là một trong những loài chim độc đáo nhất châu Phi. Là loài chim hợp tác chăm con lớn nhất thế giới, chim trưởng thành cao một mét, có chiếc mỏ cong dài và da mặt màu đỏ tươi khiến chúng rất nổi bật khi sải bước trên đồng cỏ để tìm kiếm thằn lằn, rắn, động vật có vú nhỏ và loài chim khác. Chim hồng hoàng thường làm tổ trên cây cao, nhưng tình trạng mất môi trường sống khiến phạm vi sinh sống của chúng giảm chỉ còn 10 - 30%. Kết quả là số lượng loài này cũng sụt giảm đáng kể.

Trong nỗ lực tăng số lượng chim, dự án APNR bắt đầu lắp đặt tổ nhân tạo. Tính đến nay, 109 con chim non đã được nuôi dưỡng trong tổ nhân tạo và các nhà nghiên cứu đã thu thập được nhiều thông tin về sinh thái của chim hồng hoàng đất. Tuy nhiên, động vật săn mồi tự nhiên vẫn là mối đe dọa lớn đối với chim non dễ tổn thương.

"Khi theo dõi thước phim, chúng tôi rất buồn với những gì xảy ra. Việc mất chim non là tổn thất lớn đối với loài chim nguy cấp này. Đồng thời, điều đáng mừng là chúng tôi bắt được thủ phạm. Thông thường, chúng tôi chỉ tìm thấy những chiếc tổ trống rỗng và đoán rằng chim non bị ăn thịt. Nhưng chúng tôi không biết đó là loài vật nào", nhóm nghiên cứu cho biết. Các nhà nghiên cứu đang cân nhắc biện pháp chống động vật ăn thịt ở một số chiếc tổ nhân tạo.

Báo hoa mai là động vật ăn thịt cơ hội và thường ăn bất cứ thứ gì chúng tìm thấy, bao gồm trăn, sóc và xác ngựa vằn. Đôi khi, chúng có thể phi thân bắt chim giữa không trung hoặc đột kích chiếc tổ không có chim bố mẹ canh gác.


An Khang (Theo Earth Touch News )

Chia sẻ Facebook