Báo hiếu mẹ cha nhờ không tiền mặt

Chia sẻ Facebook
07/06/2022 00:56:54

Ngày càng nhiều người trẻ sống xa gia đình đã chọn cách báo hiếu mẹ cha qua việc thanh toán tự động hóa đơn tiền điện cho gia đình ở quê mỗi tháng.

Khách thanh toán hóa đơn tiền điện tại nhà qua app của VCB Digibank - Ảnh: T.T.D.

Việc thanh toán không tiền mặt này lợi cả "ba đường" khi con cái có thể nhanh chóng trả tiền điện, mẹ cha không phải trực tiếp đi đóng tiền mặt và ngành điện cũng giảm nhân viên thu tiền điện, tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng/năm.


Ngồi ở Sài Gòn thanh toán tiền điện muôn nơi

Sau 4 năm mẹ cha nuôi ăn học, Nguyễn Thị Phương Thảo (ngụ TP.HCM) đền đáp ơn nghĩa sinh thành bằng cách dành một khoản tiền lương mỗi tháng để gửi về quê cho gia đình có thêm chi phí sinh hoạt, trả tiền điện nước... Vài năm sau, Thảo bước sang một trang mới khi xây dựng tổ ấm riêng và định cư ở Sài Gòn.


Trước ngày lên xe hoa, người con gái quê miền Tây này tâm sự với mẹ rằng sẽ khó để mỗi tháng vẫn gửi tiền về quê như trước, nên khi ngành điện đưa ra các tiện ích thanh toán tiền điện online, Thảo tiếp tục báo hiếu bằng cách trả tiền điện, tiền nước hằng tháng. Thay vì gửi tiền về quê Bến Tre như trước, Thảo chỉ lấy mã khách hàng của gia đình và lên các ứng dụng (app) để trả tiền điện mỗi khi đến kỳ hóa đơn.

Là dân kế toán, Thảo cho hay hiện nay có khá nhiều ngân hàng như Sacombank, ACB, HDBank, MB Bank và ví điện tử như MoMo, Shopee pay cung cấp dịch vụ trả tiền điện online thông qua các app trên điện thoại nên cứ app nào khuyến mãi sâu, chiết khấu nhiều là Thảo lại vào đó thanh toán cho cả tiền điện ở quê lẫn chung cư ở TP.HCM.

Từ ngày thanh toán online, Thảo cho hay cha mẹ ở quê nhẹ gánh đi rất nhiều không chỉ là vấn đề tiền mà là cách thức trả tiền khi trả qua các ngân hàng, các ví điện tử rất nhanh và an toàn.

"Cha mẹ tôi đi làm suốt ngoài biển, trong khi bác thu tiền điện lại nhiều khi tới bất thình lình, mà nhà bác thu tiền cách nhà tôi đến 7-8 cây số nên chưa đóng tiền điện là cứ nơm nớp sợ cắt điện. Giờ chỉ bấm cái vèo là trả tiền xong, cha mẹ chẳng còn phải lo lắng đi đóng tiền điện nữa", Thảo tâm sự.

Trong khi đó, chị Đỗ Thị Phương Nhung (quê Nam Định) từ khi chuyển vào TP.HCM làm việc vào 2018 mỗi tháng đều đóng tiền điện cho gia đình ở quê qua ví MoMo. "Chỉ thanh toán một lần là lần sau ví MoMo báo số tiền tháng tiếp theo nên tôi trả luôn từ đó cho đến giờ", chị Nhung nói.

Tương tự, anh Nguyễn Phương Nam (ngụ TP.HCM) cho biết cha mẹ ở Quảng Trị vẫn phải chờ đến ngày thu tiền điện để đến nhà văn hóa thôn đóng tiền. Có những lúc bận bịu vẫn phải tranh thủ đi đóng tiền hoặc đến tận nhà người thu để nộp tiền mặt.

Từ ngày ngành điện ra mắt hình thức trả tiền online, anh Nam quyết định bên cạnh "trợ cấp" chi phí cho gia đình hằng tháng còn trả luôn tiền điện cho gia đình bằng cách cài thanh toán tự động vào app của Sacombank.

"Nhờ không đóng tiền điện mà cha mẹ tôi cũng mạnh dạn xài điện hơn, chứ trước đây trời nóng hừng hực vẫn không dám bật điều hòa. Nhiều khi đi nước ngoài mà tôi vẫn một lúc trả tiền điện cho cả gia đình ở quê lẫn nhà tại TP.HCM", anh Nam kể.

Ông Võ Quang Lâm - phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - cho biết không chỉ thanh toán online tại Việt Nam, có những trường hợp con cái sống ở nước ngoài vẫn đều đặn mỗi tháng trả tiền điện cho mẹ cha ở Việt Nam hay nhiều người đi công tác nước ngoài vẫn lên app trả tiền điện qua các dịch vụ thanh toán online mà EVN đang hợp tác.

Đồ họa: N.KH.


Thanh toán online, tránh bị lừa đảo


Trao đổi với Tuổi Trẻ , ông Bùi Trung Kiên - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) - cho biết TP.HCM là đơn vị dẫn đầu khi có gần 100% (99,60%) khách hàng trả tiền điện qua các phương thức thanh toán điện tử. Trong số hơn 2,3 triệu khách hàng, có gần 1,2 triệu khách hàng (hơn 50%) thanh toán qua các ví điện tử, còn lại là các dịch vụ thanh toán của ngân hàng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lý - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC) - cho hay tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại EVNSPC là 94%.

Theo ông Lý, EVNSPC có địa bàn rộng, nhiều nơi dân cư thưa thớt nên việc tăng thanh toán không dùng tiền mặt tại EVNSPC mang lại những mặt lợi ích lớn.

Trong đó, khách hàng sẽ nhận thông tin hóa đơn tiền điện kịp thời, chính xác và chủ động thanh toán tiền điện mọi lúc mọi nơi, tiết kiệm thời gian và chi phí. Điều này cũng giúp tránh bị các đối tượng giả mạo ngành điện lừa đảo đến nhà thu tiền.

Còn đối với ngành điện, ông Lý cho hay năng suất lao động và chất lượng dịch vụ khách hàng được nâng cao và giảm chi phí.

Ông Bùi Quốc Hoan - phó ban kinh doanh EVN - cho biết hiện nay tỉ lệ tiền điện thanh toán không dùng tiền mặt toàn EVN đạt 96,42% và tỉ lệ số khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt toàn quốc đạt 87,36%. Trong đó, hai địa phương dẫn đầu cả nước về tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt là TP.HCM và Hà Nội.

Theo ông Hoan, để có tỉ lệ thanh toán không tiền mặt "như mơ" này là sự nỗ lực lớn của ngành điện, mang lại hiệu quả rất lớn và bản thân những người thực hiện cũng bất ngờ bởi ban đầu lo sợ khách hàng phản ứng nhưng chỉ trong thời gian ngắn khách hàng đã hưởng ứng mạnh. Đến nay, ngành điện đã không còn hàng ngàn thu ngân viên trong khi tiền điện thu mỗi năm xấp xỉ 1/4 ngân sách nhà nước.

Đó là tỉ lệ khách hàng ở TP.HCM trả tiền điện qua các phương thức thanh toán điện tử - dẫn đầu cả nước.


Nguồn: EVNHCM


Tiết kiệm 1.700 tỉ đồng tiền nhân công/năm

Theo ông Bùi Quốc Hoan, việc chuyển sang thanh toán không tiền mặt đã giúp EVN tiết kiệm nhân công trong khi tránh được tình trạng nhầm lẫn trong thu tiền, kiểm đếm tiền.

Theo ông Hoan, trước đây khi duy trì đội ngũ thu ngân viên, EVN phải vận hành cả một quy trình quản trị khi giao hóa đơn cho thu ngân viên, đến tận nhà khách hàng thu, thực hiện quyết toán, quản lý dòng tiền...

Trong khi đó, nhân viên đi thu cũng lo sợ an toàn nên phải đi thu vào ban ngày, ban đêm phải có cả vợ đi cùng, nhiều lúc thu ngân viên bị cướp hoặc tai nạn, ảnh hưởng đến tính mạng.

Theo ông Hoan, chỉ tính riêng chi phí nhân công khi chuyển sang thanh toán không tiền mặt, ngành điện tiết kiệm được đến 1.700 tỉ đồng/năm.

Thông qua hệ sinh thái thương mại, tài chính số toàn diện Viettel Money, mô hình ‘Chợ 4.0’ đã nhanh chóng “phủ sóng" tới 63 tỉnh, thành trên cả nước.

Chia sẻ Facebook