"Bão giông" kinh tế nhấn chìm Huawei, lãi giảm 52% trong 6 tháng đầu năm
Ngày 12/08, Huawei Technologies cho biết lãi ròng giảm hơn 50% trong nửa đầu năm 2022, khi “bão giông” kinh tế bóp nghẹt nhu cầu từ người tiêu dùng, cùng với đó là những khó khăn từ các biện pháp kiểm soát công nghệ của Mỹ.
"Bão giông" kinh tế nhấn chìm Huawei, lãi giảm 52% trong 6 tháng đầu năm
Doanh thu của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc giảm 5.9% trong 6 tháng đầu năm, xuống 301.6 tỷ Nhân dân tệ (44.73 tỷ USD). Trong đó, quý 1 giảm mạnh hơn quý 2.
“Mặc dù mảng kinh doanh thiết bị của chúng tôi bị tác động cực mạnh, nhưng mảng cơ sở hạ tầng ICT vẫn tăng trưởng đều đặn”, Ken Hu, Chủ tịch Huawei, cho hay.
Biên lợi nhuận của gã khổng lồ Trung Quốc thu hẹp về 5%, với lãi ròng 15.08 tỷ Nhân dân tệ, giảm 52% so với cùng kỳ, theo ước tính của Reuters.
Huawei là một trong những nhà cung cấp thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới và từng là một trong ba nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu, chỉ xếp sau Apple và Samsung Electronics.
Một nền kinh tế yếu ớt, sự đứt gãy vì COVID và thách thức về chuỗi cung ứng đã gây tổn thương cho mảng kinh doanh thiết bị của Huawei – bao gồm bán điện thoại thông minh và laptop, phát ngôn viên Huawei cho biết.
Doanh thu từ mảng kinh doanh thiết bị rớt hơn 25% xuống 101.3 tỷ Nhân dân tệ. Trong khi đó, mảng viễn thông và doanh nghiệp đều tăng trưởng. Huawei cũng tăng đầu tư vào công nghệ và các mảng kinh doanh mới, điều này cũng làm ảnh hưởng tới lợi nhuận.
Doanh số quý 2/2022 của ngành điện thoại thông minh Trung Quốc giảm 14.2% so với cùng kỳ, trong khi sản lượng bán chạm mức đáy 10 năm, Counterpoint Research cho biết trong tháng trước.
Huawei đang xây dựng các mảng kinh doanh mới, bao gồm linh kiện cho xe hơi thông minh và hệ thống hiệu quả năng lượng. Mảng dịch vụ cloud của họ hiện đang chiếm 18% thị phần tại Trung Quốc, theo công ty tư vấn Canalys.
Huawei cũng cho ra mắt hệ điều hành Harmony do chính họ tạo ra và hiện đang được sử dụng trên 300 triệu thiết bị Huawei.
“Chúng tôi sẽ tận dụng các xu hướng về số hóa và giảm phát thải để liên tục tạo thêm giá trị cho khách hàng cũng như đối tác, đồng thời đảm bảo phát triển chất lượng”, Chủ tịch Hu cho biết.
Ngấm đòn trừng phạt từ Mỹ
Trong năm 2019, Mỹ đã đặt Huawei vào danh sách đen về xuất khẩu, theo đó cấm gã khổng lồ này tiếp cận tới các công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ. Điều này đã kìm hãm khả năng chế tạo chip và nhập nguồn linh kiện từ các công ty bên ngoài.
Khi đó, Chính phủ Mỹ viện dẫn những lo ngại rằng Huawei có thể gây ra nhiều mối đe dọa về an ninh mạng và gián điệp dựa trên cáo buộc tập đoàn này có liên hệ với quân đội Trung Quốc. Huawei vẫn luôn phủ nhận những cáo buộc trên.
Mỹ đã cấm Huawei mua các thành phần quan trọng như vi mạch từ các công ty nước này, cũng như buộc những công ty này phải tạo ra hệ điều hành của riêng mình bằng cách chặn Huawei tiếp cận hệ điều hành Android của Google.
Lệnh cấm của Mỹ cũng hủy hoại mảng kinh doanh thiết bị cầm tay từng một thời vững mạnh của Huawei.
Những khó khăn của Huawei đã buộc hãng phải nhanh chóng chuyển sang các ngành kinh doanh mới, bao gồm dịch vụ điện toán doanh nghiệp, thiết bị điện tử mang trên người (wearable), công nghệ y tế, công nghệ dành cho phương tiện thông minh và phần mềm.
Vũ Hạo (Theo Reuters)